Ông xe ôm của gia đình

15/04/2024 - 06:19

PNO - Đã mấy chục năm, ba ra ga xe lửa chỉ để chờ rồi chở tôi về nhà. Hằng ngày, ở quê, khi anh chị tôi bận việc, chỉ cần “alo” là ba lại chạy xe máy đến trường để chờ rước mấy đứa cháu về.

Chuyến tàu lửa dừng tại ga Quảng Ngãi, tôi kéo hành lý ra, đã thấy ba đưa tay vẫy. Đưa cho tôi chiếc nón bảo hiểm, ba hỏi câu quen thuộc suốt mấy mươi năm qua: “Con có mệt không? Con lên xe đi, ba chở về nghỉ ngơi cho lại sức”. Tôi biết, để chờ đón tôi trở về nhà, có khi ba lên ga trước cả tiếng đồng hồ. Có những chuyến tàu cuối năm gặp sự cố tai nạn đường sắt bị trễ tàu, ba vẫn đứng chờ để đón tôi.

Ba của tác giả đón cháu nội đi học về
Ba của tác giả đón cháu nội đi học về

Ngồi sau lưng ba trên chiếc xe máy quen thuộc, tôi cảm nhận được hơi ấm, tình yêu thương của ba. Nhà gần ga nên chỉ hơn 15 phút là ba đã chở tôi về tới nhà. Xa xa, tôi đã thấy bóng hình thân yêu của má đứng trước cổng. Một tay má kéo hành lý của tôi, một tay má gỡ chiếc nón bảo hiểm và cũng như ba, câu hỏi quen thuộc của má khi đón tôi về: “Con đi tàu có mệt không? Tàu có đúng giờ không con?”.

Có năm, không mua vé tàu lửa được, tôi đành phải đặt vé máy bay để về nhà ăn tết. Máy bay hạ cánh tại sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) tôi đón xe buýt về lại TP Quảng Ngãi. Tại trạm chờ xe buýt, ba đã đứng chờ sẵn để chở tôi về.

Thú thật, có năm, vì lo ba lớn tuổi (ba tôi năm nay đã gần 80 tuổi), chạy xe máy ngoài đường nguy hiểm nên tôi gọi điện nói ba má để tôi tự đón xe ôm, hay taxi về, nhưng ba nhất quyết nói là ba còn khỏe, ba còn chạy xe máy được, để ba lên đón tôi. Ba hay nói: “Ba chở con đi, ba mới an tâm”.

Nghe ba nói vậy, trong lòng đứa con tuổi 50 trào dâng xúc động, thấy thương ba vô cùng.

Ba chở má đi dự đám cưới.  Ba là tài xế xe ôm duy nhất của má
Ba chở má đi dự đám cưới. Ba là tài xế xe ôm duy nhất của má

Đã mấy chục năm, ba ra ga xe lửa chỉ để chờ rồi chở tôi về nhà. Hằng ngày, ở quê, khi anh chị tôi bận việc, chỉ cần “alo” là ba lại chạy xe máy đến trường để chờ rước mấy đứa cháu về. “Khách hàng” quen thuộc nhất của “xe ôm” ba là má. Từ lúc lấy nhau đến giờ, má đi chợ, đám cưới, khám bệnh… ba đều chở má đi.

Tôi nhớ, thời bao cấp còn nghèo khó, sáng sớm là ba lại đạp chiếc xe đạp cà tàng chở má ra chợ buôn bán. Đến chừng hơn 6 giờ tối là ba lại đạp xe ra chợ chở má về. Năm tôi thi vào lớp Mười, thi tốt nghiệp cấp III, ba nghỉ làm để đạp xe đưa đón tôi.

Ba nghiêm khắc, ít nói, nhưng tôi biết ba sống rất tình cảm, độ lượng, một đời nhân nghĩa, quan tâm, thương yêu vợ con hết mực. Thấy ba chạy xe máy, tôi lo nhưng cũng mừng là ba còn khỏe. Tôi mong sao còn được nhiều lần nhìn thấy dáng hình thân thương của ba đứng đợi ngoài sân ga khi đoàn tàu dừng bánh và sau đó là nhìn thấy má đứng ngoài cửa đợi 2 cha con từ ga về nhà.

Nguyễn Đước

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI