O Nguyệt

05/04/2013 - 17:17

PNO - PN - Ở làng tôi, chẳng ai còn mấy động lòng với chuyện chồng đánh vợ bởi nó diễn ra quá thường xuyên, ở quá nhiều gia đình. Nói chuyện chồng say rượu cũng y thế.

O Nguyệt thường kêu trời, la hét bên nhà o cũng chẳng ai buồn đến. Nhưng lần này tiếng hét của o hãi hùng quá khiến mấy nhà quanh đó phải động lòng. Tôi vùng chạy qua. Một cảnh không thể nào tưởng tượng nổi diễn ra trước mắt: ông H. đào một cái huyệt giữa nhà, bắt o Nguyệt nhảy xuống để chôn sống. Giải thích cho hành động man rợ, chỉ hai từ: say rượu.

Thằng say ở làng tôi được quyền làm tất cả. Ném con vào cột nhà, chuồng lợn, lôi vợ ra cạo trọc tóc, phi dao rượt đuổi... như trò xả rượu. Sao không ai trói thằng say? Chưa. Tôi chưa hề thấy một thằng say nào bị xử phạt. Vì, thằng say đó uy lực nhất trong gia đình, dù không đóng góp gì cho việc nuôi con, dù là tên phá hoại.

Ngôi nhà, dù trống không, dù nát bét vẫn là chỗ trú nắng mưa. Trong một cơn say, ông H. châm lửa đốt. Mẹ con o Nguyệt chỉ biết trân trân nhìn ngọn lửa liếm lên vách, lên mái tranh rồi bùng lên không cứu vãn nổi. Đốt xong nhà, ông H. bỏ đi. O Nguyệt và những đứa con lê la nhà nọ nhà kia. Ai cho gì thì ăn, không thì nhịn đói. Rồi người cho vài chục lá tranh, người cho cây tre, góp lại dựng lên trên nền đất cũ một cái nhà mới. Tên đúng của nó là lều.

O Nguyệt khi đó đang mang bầu đứa thứ sáu. Đứa bé sinh ra được năm ngày, o giao cho mấy đứa lớn trông, ra bàu mót lúa. Ngâm mình dưới bàu cả buổi chỉ được một tay lúa. Về vò ra, giã luôn trong đêm. Hôm đó cả nhà có cái ăn. Bọn trẻ hàng ngày làm no bụng bằng đủ các loại lá cây. Nhấm thử bất cứ lá nào, cây quả nào có thể nuốt được thì hôm sau đói bụng cứ ra đấy mà vặt. Khi đứa nhỏ được hai tháng, đói sữa nó khóc mãi, con chị nhai gạo sống rồi trộn với nước muối cà - thứ nước ngâm đổ đi, có vị mặn - bón cho em. Đứa bé chóp chép nuốt. Rồi ngủ lịm trong vòng tay chị khi đã thỏa cơn đói.

Thấy ông H. ngoài ngõ đi vào là mấy mẹ con o Nguyệt lẻn ra sau rồi bỏ chạy. Đuổi theo không được, ông ta lôi hết quần áo của mấy mẹ con trên dây vô nhà băm nát. Chửi đổng một mình chán, ông bỏ đi. Sáng hôm sau, khi cả nhà tôi ngủ dậy, nhìn thấy mấy mẹ con o Nguyệt đang co quắp ngủ dưới gầm giường. Mới biết, nửa đêm trước H. lại mò về. Những lần trước bị đánh, o chạy xin trốn nhờ những nhà trong xóm, nhưng ông H. tuyên bố đứa nào cho mẹ con nó trốn tao giết cả họ nên không ai dám nữa. Mẹ con o Nguyệt chỉ còn cách chui vào nhà rơm (phía dưới là chuồng bò) nhà tôi trốn. Đó cũng là chỗ ngủ ấm áp, yên lành nhất cho mẹ con o trong những đêm lạnh. Đêm qua mưa to quá, chuồng bò bị dột, mẹ con mới kéo nhau ké gầm giường. Nhà nền đất, không chăn không chiếu, vậy mà bọn trẻ con vẫn ngủ ngon lành.

O Nguyet

Minh họa: DAD

Ông H. mang về một o, bụng chửa vượt mặt, “lo cho hắn đẻ, nói chi tau giết”. Năm ngày sau người đàn bà đẻ ra đứa con gái, ngay tại túp lều mẹ con nhà o Nguyệt. Vậy là ngoài việc lo cho sáu đứa con mỗi ngày, o Nguyệt còn phải gồng thêm bà đẻ và đứa trẻ sơ sinh trời ơi đất hỡi. Dân làng được dịp xôn xao nhưng o Nguyệt chẳng nói gì. Hình như ám ảnh đòn roi đã làm o trơ ra trước mọi sự. Ăn vạ được một tháng, không chịu nổi cái khổ, người đàn bà ôm con đi.

O Nguyệt nghe nói vô miền Nam nếu chịu khó làm thuê là không lo đói. Và, quan trọng, vô đó o sẽ thoát được ông chồng. Vậy là o quyết định đem con bỏ vô Nam, dù chưa hình dung được cuộc sống cụ thể khi vô đó sẽ như thế nào, bắt đầu từ đâu. O vay tiền mua vé ô tô. Không ai cho vay. Vài lần nợ trước o vẫn chưa trả và người ta cũng chẳng hy vọng gì vào cái sự trả đó. O đành đến từng nhà quanh xóm trình bày dự định vô Nam và xin giúp đỡ. Nhưng, tiền xin được chỉ đủ cho bốn người đi. O đành để ba đứa lớn ở lại.

H. về nhà biết o Nguyệt dám đem con bỏ đi thì lồng lộn. Đánh đập mấy đứa ở nhà mãi cũng chán ông ta lại vô rú, đi gái, lang bang. Đứa lớn khi đó mới học lớp 5, mẹ đi, nó bỏ luôn. Ba chị em đi mót lúa sống qua ngày. Thỉnh thoảng ông H. ghé về mua cho vài thứ ăn được, rồi đi luôn. ông tuyên bố với lũ trẻ, mẹ bây về đây tau giết, đứa mô dám theo mẹ thì bước qua xác tau. Lũ trẻ luôn sống trong thấp thỏm, sợ hãi.

Vô Nam xoay xở đủ kiểu, sau năm tháng o Nguyệt góp được số tiền đủ đi - về cho ba đứa ở nhà. O về quê đón chúng. Gọi là đón nhưng thực ra đó là một cuộc ăn trộm con. Xuống ô tô, o chờ tới nửa đêm mới về làng, nhờ người nhắn con ra gặp, bốn mẹ con hẹn nhau ở đường cái, bắt xe đi luôn trong đêm.

O Nguyệt bỏ đi đem theo sáu đứa con. ông H. có vẻ như trầm hơn sau những cơn say. Chừng một năm sau ông ta đi tìm vợ mới. O K. trong làng, cách đó mấy nhà, đồng ý lấy ông. Đồng ý làm vợ H. nghĩa là o K. đồng ý thế chỗ o Nguyệt trong những cuộc rượt đuổi khó bề tránh khỏi. O K. khỏe mạnh, tươi rói, chỉ vì mặc cảm cứng tuổi mà chấp nhận làm vợ một tên điên khùng, vô trách nhiệm cả làng ai cũng biết.

Họ chuẩn bị đám cưới thì o Nguyệt về. Mới một năm thôi mà o Nguyệt khác quá. O trẻ hơn, khỏe khoắn hơn. Và, thay đổi lớn lao nhất là trên khuôn mặt o đã không còn nữa cái rúm ró, sợ sệt.

O nói, nếu ông H. còn tình cảm với các con thì hãy thu xếp vô Nam. ông cứ ở nhà chơi, không phải làm gì, miễn là đừng đánh đập vợ con.

Vậy là cuối cùng cả gia đình họ vô Nam. Được biết, khi mới vô ông H. cũng tu chí làm ăn, nhưng sau chứng nào tật đó, lại đánh vợ. O Nguyệt nhờ cậy chính quyền. Bao nhiêu năm rượu chè rồi lao lực trong rừng rú, sức khỏe ông H. xuống dốc thảm hại, giờ thì quanh quẩn ở nhà, o Nguyệt lo hết mọi chuyện. O Nguyệt chịu khó làm ăn, kinh tế gia đình giờ thuộc hàng khá so với những người làng cùng vào Nam dạo đó. Tết vừa rồi o đã gửi tiền về trả hết nợ cho những người làng và cho mấy người bạn nghèo năm xưa mỗi người một ít.

Thúy Hà

Từ khóa O Nguyệt
 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchuyennhavi /strCate=chuyennha

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchamevaconvi /strCate=chamevacon

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEphongcachsongvi /strCate=phongcachsong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh