Nữ sinh lớp 10 tự tử vì uất ức: Khi con trẻ lên tiếng bằng cái chết

07/12/2020 - 09:00

PNO - Không biết cách giải một bài toán, quên một câu thơ... không phải là điều nghiêm trọng. Nhưng sẽ vô cùng nghiêm trọng, nếu các em không có niềm tin vào cuộc sống và con người.

Tôi đã bật khóc khi đọc những dòng cuối - những dòng chữ có vẻ viết ra khi em nữ sinh lớp 10 đã thấm mệt vì uống hết mười viên Salbutamol: “Em từng rất hâm mộ các thầy cô khi em còn nhỏ, nhưng giờ đây mọi thứ sụp đổ khi giáo viên thì bạo lực tinh thần em, cô hiệu phó đọc tên em dưới toàn trường vào thứ Hai tuần rồi...”.

Những dòng chữ tuyệt vọng còn nhiều lỗi trên nền giấy học trò. Những dòng chữ còn cần thời gian để rèn giũa cho cứng cáp. Tờ giấy học trò là để chép bài chứ đâu phải viết ra những dòng thư tuyệt mệnh?

Chúng ta đã làm gì để một đứa trẻ với đôi chân hãy còn yếu ớt bước từng bước run rẩy đến bờ tuyệt vọng vậy? Những đứa trẻ cần nhất sự thấu hiểu, nâng đỡ, lắng nghe, nhưng chúng ta đã kịp cúi xuống chưa? Ôi những lỗi lầm! Đừng gọi tên những lỗi lầm của trẻ ra đây để khỏa lấp cho sự nóng vội, nguyên tắc, không thấu cảm và trên hết là chưa đủ thương yêu của chính những người lớn.

Người lớn hướng dẫn chỉnh sửa những điều chưa tròn trịa để đứa trẻ được lớn lên một cách toàn vẹn, chứ đâu phải dìm chúng xuống tận đáy vực sâu? Yêu thương nào cũng cần có kỷ luật, nhưng kỷ luật nào cũng cần yêu thương.

dgrg
Bức thư tuyệt mệnh gây rúng động của một học sinh lớp 10

Nếu ai đó hỏi bất kỳ một người làm cha làm mẹ rằng: “Điều gì trên đời này với anh/chị là quan trọng nhất?”, ắt sẽ nhận ngay câu trả lời: “Con cái”.

Thế nhưng, một đứa trẻ, không đơn giản như chúng ta hay nghĩ: “Trẻ con thì biết gì? Chỉ cần con không thiếu ăn thiếu mặc và được đến trường là được, còn đòi hỏi gì nữa?”. Thực tế, trẻ con cần nhiều thứ, và cần nhất là bản lĩnh đối đầu với mọi bất trắc. Ngoài giấc mơ con đạt thành tích tốt, người lớn hãy chăm chú gầy dựng trong con bản lĩnh hứng chịu khó khăn. Ngày nhỏ, khó khăn đó có thể là một vài cái té ngã, trầy xước, và chúng ta hãy để trẻ tự đứng lên, tự khóc và tự nín. Lớn lên, bản lĩnh đó sẽ dùng để con nêu ý kiến về trang phục, món ăn, rồi chọn trường, chọn bạn…

Nếu con sai, hãy cho con biết rằng đó là những cái sai cần thiết, để mà trưởng thành. Hãy từng bước giúp con hiểu rằng cái gì cũng có thể giải quyết, chỉ cần con có bản lĩnh để vượt qua. Và bản lĩnh đó, không nằm ở sự đồng ý, thừa nhận của thầy cô giáo hay bất kỳ một ai khác. Nó là thứ nằm ở bên trong con.

Cuối cùng, đừng quên giúp con tin rằng, dẫu cả thế giới có quay lưng, thì con vẫn luôn có ba mẹ bên cạnh. Ba mẹ luôn sẵn lòng lắng nghe, yêu thương, chia sẻ, nâng đỡ và có thể can thiệp khi cần thiết. Con không và sẽ mãi mãi không bao giờ cô đơn.

Mỗi lần nhìn những khuôn mặt mếu máo của cha mẹ khóc vì con, tôi lại thấy ám ảnh. Đó là vẻ mặt của đau khổ tột cùng. Không biết nếu đứa trẻ ấy chẳng may đánh mất một đời trong sai lầm, hoặc vĩnh viễn rời bỏ cuộc đời này, thì họ sẽ sống ra sao? Mất một người yêu, một người bạn, rồi sẽ còn cơ hội tìm người khác. Mất cả sự nghiệp, tiền tài cũng chưa phải là mất hết. Nhưng mất một đứa con? Quả thật tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới điều đó…

Có những điều hiếm học sinh nào được biết, rằng trên đời này không có gì là không thể giải quyết được. Nền giáo dục nhà trường và cả gia đình quá chú trọng kết quả đã tước mất của các em một cái nhìn bình thản trước mọi trục trặc. Không biết cách giải một bài toán, quên một câu thơ... không phải là điều nghiêm trọng. Nhưng sẽ vô cùng nghiêm trọng, nếu các em không có trong mình một niềm tin vào cuộc sống và con người.

Trước mỗi cuộc giáo dục về sai lầm cụ thể, hiếm người lớn nào nói thêm với con trẻ, rằng sau đêm tối nhất định là ban mai rực rỡ. Và các con, bất luận là ai, sai lầm thế nào, vẫn luôn có những người yêu thương vô điều kiện. Biết thế, con trẻ sẽ chẳng phải loay hoay, thậm chí đưa ra quyết định liên quan đến sinh mạng một mình. 

Triệu Vẽ 
 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Nguyễn Việt 09-12-2020 20:21:24

    Thực trạng xã hội và học đường ngày nay mỗi trường học hay cụm trường cần ít nhất một người hướng dẫn ,khải đạo trong nhà trường .Vị này có thể là nhà chuyên môn về tâm lý,giáo viên có kinh nghiệm, đạo đức tốt được trang bị kiến thức để tư vấn các vấn đề thường nhật trong lứa tuổi học trò và có khả năng kết nối với các cơ quan, nhà chuyên môn... để giải quyết các vấn đề ngoài khả năng của người hướng dẫn (các giáo viên về hưu là nguồn nhân lực tốt cho công tác này )

  • Hoàng Đồng 07-12-2020 19:17:50

    Chúng ta hãy đặt ở hai góc nhìn để thấy được mình phải làm gì? Nếu là học sinh, các em cần phải tìm đến người mình tin tưởng nhất khi rơi vào cảnh ngộ bế tắc. Khi đó, mình sẽ được nghe những điều cần nghe, làm những việc cần làm. Là giáo viên, điều cần nhất là hãy để các em nói và hiểu điều các em muốn. Người lớn không cậy lớn để áp đặt trẻ. Trẻ nhỏ không vì nông nổi mà theo ý mình. Giữa lớn và nhỏ, giữa trẻ và già...bất cứ ai trong chúng ta đều có một sợi dây để kết nối. Xin đừng làm đứt nó đi!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI