Khi học sinh cô đơn

04/12/2020 - 07:30

PNO - Việc thay đổi hành vi, tâm lý theo từng giai đoạn phát triển là tiến trình bình thường. Có hay không sự chia sẻ để giúp người trẻ vượt qua thời điểm khó khăn mới là chìa khóa của vấn đề. Bởi, nhiều em rất nhạy cảm, dễ phản ứng tiêu cực dù chỉ với một câu nói…

“Con muốn ngủ luôn…”

Mới đây, hai sinh viên cao đẳng ngất xỉu vì cho rằng cô giáo chụp hình khi hai em xuống hồ chứa nước tắm mà chưa có sự đồng ý của giáo viên. Đây hẳn là vì các em quá lo sợ trước áp lực.

Một nữ sinh lớp 12 đã tự tử tại nhà ngay trong ngày 20/11 do có những dấu hiệu trầm cảm từ vài năm nay.

Thực tế, đang có nhiều học sinh gặp phải vấn đề tâm lý lứa tuổi nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm kịp thời, đầy đủ từ người lớn. 

Nếu không được chia sẻ, các em độ tuổi vị thành niên dễ rơi vào cô đơn. Trong ảnh: Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), trong buổi chia sẻ cùng học sinh
Nếu không được chia sẻ, các em độ tuổi vị thành niên dễ rơi vào cô đơn. Trong ảnh: Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), trong buổi chia sẻ cùng học sinh


Khi làm công tác chủ nhiệm, thầy cô gặp không ít trường hợp “học sinh cá biệt”. Có em quá hiếu động, em khác quá thụ động, có biểu hiện trầm cảm, gặp khó khăn trong giao tiếp… 

Đầu năm học, khi nhận lớp, tôi được thầy hiệu trưởng “gửi gắm” trường hợp đặc biệt, một nữ sinh đã bộc phát những biểu hiện trầm cảm nặng từ hè năm trước.

Tôi gần như “mất ăn, mất ngủ” vì nữ sinh này. N. học khá, lên lớp ghi chép bài và về nhà làm bài đầy đủ. Hai tuần trước khi kiểm tra giữa học kỳ I, N. gặp tôi nói rằng: “Thầy ơi, em không muốn đi học nữa”. Tôi sững người và cố tìm hiểu nhưng em không nói rõ lý do. Hẹn gặp phụ huynh và N. sau giờ dạy, tôi lại đặt câu hỏi vì sao N. không muốn đi học. Vẫn một câu trả lời “con không biết”. 

Sau khi động viên N. tiếp tục học, tôi dành thời gian cho em nhiều hơn. Rồi em chia sẻ với tôi nhiều hơn về những vấn đề đang gặp phải, từ tình cảm cá nhân đến những tình huống gia đình mà em không biết ứng xử ra sao… Là giáo viên, tôi chỉ có thể đưa ra lời khuyên và cho học trò sự tin tưởng, cảm giác được an toàn khi trút hết nỗi lòng. 

Một lần khác, tôi nhận được điện thoại lúc nửa đêm. Đầu dây bên kia là tiếng học trò “thầy ơi con mệt mỏi quá. Con muốn ngủ một giấc ngủ dài rồi biến mất luôn”. Đó là L., nữ sinh lớp 12.

Nghe em nói thế, tôi an ủi mấy câu rồi lấy cớ điện thoại sắp hết pin, tắt cuộc gọi của em để gọi cho phụ huynh. Tôi trao đổi với phụ huynh về tâm trạng của em như thế và mong gia đình xuống phòng để trò chuyện và ở cùng em trong đêm đó…

Mỗi em mỗi cá tính, với nhiều cách biểu lộ cảm xúc khác nhau. Ai cũng có nhu cầu được chia sẻ, quan tâm. Nhưng nhu cầu này càng quan trọng đối với những học sinh đang gặp vấn đề tâm lý.

Để giúp các em học sinh vượt qua giai đoạn khó khăn này, không chỉ “trăm sự nhờ thầy cô”, mà cần phải có sự đồng hành của gia đình, sự động viên của bạn bè cùng trang lứa. 

Trẻ cần… “nổi loạn”

Bước vào độ tuổi vị thành niên là giai đoạn tự khám phá bản thân, cảm nhận sự thay đổi của cơ thể, quan tâm vấn đề giới tính và tính dục.

Ở giai đoạn này, trẻ chưa đủ kinh nghiệm, nhưng lại có tính tự trọng cao, khá nhạy cảm với những gì xúc phạm đến khuynh hướng tự lập của mình. Những lời trách mắng nặng nề sẽ bị trẻ phản ứng lại gay gắt.

Trẻ có khuynh hướng không nghe và làm theo những điều khuyên bảo, ngay cả điều đúng, mà chỉ nghe theo người đồng cảm với mình. 

Đây là lứa tuổi các em đi tìm kiếm “tôi là ai”, muốn tự khẳng định mình dưới mắt mọi người xung quanh. Các em vừa học hỏi, vừa phản biện trong khi kinh nghiệm sống đang dần hoàn thiện, dễ nảy sinh sự “nổi loạn” trong cái nhìn của cha mẹ. Nếu không được chia sẻ, các em có thể rơi vào trạng thái cô đơn, và chọn một cách rất tiêu cực để giải tỏa sự cô đơn đó. 

Theo kinh nghiệm của tôi, không có học sinh nào là người kém cỏi. Thầy cô không chỉ là người giúp học sinh tìm cách giải quyết một bài toán, bài văn, mà còn là người giúp học sinh giải quyết những khó khăn, xóa đi điều tiêu cực trong cuộc sống. Đó chính là sự yêu thương, nhân ái trong giáo dục, vì mỗi ngày đến trường là một niềm vui. 

Dù là chuyện lớn hay nhỏ thì học sinh cũng cần được dạy dỗ. Khi được chỉ bảo, các em sẽ tiếp thu, trưởng thành và hoàn thiện. Nếu chúng ta cùng hành động, gia đình là điểm tựa vững chắc, nhà trường là chỗ dựa tinh thần, thì học sinh không còn cô đơn. 

Cần “liều thuốc” xoa dịu

Một trong những học trò của tôi hiện là học sinh thành công và tự tin. Em đã từng có giai đoạn rạch tay, giấu ba lọ thuốc ngủ trong tủ quần áo của mình để chuẩn bị… cho cái chết. Và chính cái đập cửa phòng của em trai, chỉ để nói “ngủ đi chị” đã giữ em lại.

Trẻ vị thành niên sẽ đi qua giai đoạn khó khăn này nếu em biết mình không cô đơn, mình được quan tâm, yêu thương theo cách nào đó. Đó đơn giản có thể là người thầy sẵn sàng nghe điện thoại của em, một cái gõ cửa phòng, hay chỉ là câu hỏi vu vơ “em ổn chứ”…

Thực ra, từng hành động nhỏ đó chính là liều thuốc xoa dịu.

Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh


Lâm Vũ Công Chính 
(giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, Q.10)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI