Nơi ấm của người xây tổ

29/08/2018 - 13:00

PNO - Không biết tự khi nào, người ta mặc định “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” - phụ nữ mang trách nhiệm giữ lửa. Họ là “nơi ấm” cho các thành viên còn lại trong nhà, còn nơi ấm của họ ở đâu?

Mai Đình Không biết tự khi nào, người ta mặc định “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” - phụ nữ mang trách nhiệm giữ lửa. Họ là “nơi ấm” cho các thành viên còn lại trong nhà, còn nơi ấm của họ ở đâu?

Một cô gái Hàn Quốc là bếp trưởng của hoàng gia Nhật Bản. Trong tất cả những món ăn mà cô sáng tạo, kim chi như mạch dẫn xuyên suốt để kết nối tình cảm của những chính khách hai quốc gia. Mặc cảm là đứa trẻ không có cha, mẹ là kỹ nữ, những lời châm chọc vô tình khiến cô căm ghét mẹ. Ký ức tốt đẹp duy nhất là món kim chi bà thường làm ngày cô còn bé - món đã tạo nên danh tiếng cho nhà hàng truyền thống nổi tiếng nhất Hàn Quốc, nơi bà từng điều hành trong nhiều năm.

Noi am cua nguoi xay to
 

Với tham vọng sẽ đóng cửa nhà hàng truyền thống và mở nhà hàng mới, cô về nước, tham gia cuộc thi làm kim chi do chính phủ tổ chức. Vì muốn giữ lại nhà hàng, người em trai nuôi đang sống với mẹ cô đã tham gia quyết đấu. Qua món kim chi mang tên “tình yêu của mẹ”, ngoài những nguyên liệu truyền thống, còn có gia vị đặc biệt là quế, người em trai đã nói cho cô biết rằng, mẹ đã đặt vào đó tình yêu thương vô bờ, vì biết con gái mình hay bị lạnh. Những giọt nước mắt của cô gái rơi xuống, mọi nút thắt của quá khứ mở ra…

Đó là nội dung một bộ phim tôi đã xem vài năm trước. Các nhà làm phim Hàn Quốc thật tài tình trong việc quảng bá ẩm thực, văn hóa xứ kim chi. Những câu chuyện họ kể, thông điệp nhân văn họ đem đến đã làm tôi khóc vì đồng cảm. Cuối cùng thì cô gái ấy, sau rất nhiều khinh khi, bất chấp, đã tìm thấy nơi an trú thực sự: một tổ ấm để trao gửi yêu thương.

Cách đây ít lâu, nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh tung ra cuốn tự truyện Vàng Anh và Phượng Hoàng. Đã 10 năm trôi qua, scandal lộ clip nóng của Linh vẫn như một vết sẹo dài, chạm tới còn đau. Dù Vàng Anh thuở nào đã nỗ lực sống và lao động nghiêm túc với âm nhạc, sẵn sàng đối mặt quá khứ và “lột xác” để trở thành Phượng Hoàng, dường như định kiến, miệt thị vẫn chưa buông tha cô. Trên truyền thông, các trang cá nhân, người ta vẫn nhắc về ngày cũ.

Là phụ nữ, tôi thực sự phục Linh, bởi cô gái 19 tuổi khi ấy đã dũng cảm đứng lên sau cú ngã đầu đời quá khủng khiếp. Tôi thương Linh theo cách của những người phụ nữ thấu hiểu nhau. Phải chăng cô gái ấy đã có thể ngừng dằn vặt, ngừng đớn đau về sai lầm tuổi trẻ, đã tìm thấy nơi ấm để nghỉ chân? Nơi ấm ấy, 10 năm qua vẫn luôn nâng bước cho Linh, là gia đình - những người yêu thương cô vô điều kiện. Bước qua sai lầm quá khứ để kiêu hãnh là Phượng Hoàng, nơi ấm của Linh còn là lòng vị tha, sự đón nhận của công chúng. Chúng ta chấp nhận Linh của hiện tại, là trao cho cô những ấm áp để yên bình, để sống đẹp ở tương lai.

Noi am cua nguoi xay to
Ảnh minh họa

Trong bộn bề cuộc sống, người mẹ đơn thân ở cùng tầng trong khu chung cư của tôi vẫn về nhà muộn sau các buổi biểu diễn ở đâu đó. Dù bận bịu, dù mệt nhoài, chị vẫn luôn dành thời gian thu xếp ngăn nắp những căn phòng nhỏ hẹp. Chị dậy sớm, nấu bữa sáng cho con, chế biến những món ăn cầu kỳ. Chạy đua với thời gian, chị cùng con ngồi tìm đáp số cho những bài toán khó. Nơi ấm của chị là khoảnh khắc bình yên ở nhà, nấu ăn, tết tóc cho con, nghe con chơi đàn… Bao mệt nhọc như tan biến khi nhìn con say giấc. Mỗi đêm, khi hôn lên má con, ôm con trong vòng tay, chị lại như được tiếp thêm năng lượng để đối diện với ngày mai.

Trở về nhà sau một ngày quay cuồng nơi công sở, dù là một “nữ tướng” đầy bản lĩnh ngoài xã hội, người phụ nữ bỗng trở nên hiền lành trước mặt người đàn ông của mình. Vòng tay của chồng, những chiều chuộng, những lặng im lắng nghe… chính là nơi ấm. Họ cởi bỏ vẻ ngoài cương nghị, mạnh mẽ, để sống với bản chất yếu đuối, đa cảm của mình. Nghịch lý luôn tồn tại: càng thông minh, tài sắc ở bên ngoài bao nhiêu thì phụ nữ lại càng dễ yếu đuối, ngờ nghệch trước nơi ấm nhỏ bé của mình bấy nhiêu.

Nơi an trú của mỗi người chẳng ai giống ai. Nơi những con sói hoang tìm đến để vỗ về sự cô độc có thể là đỉnh núi, gầm lên dưới ánh trăng. Phụ nữ hay thở than, cũng bởi họ yêu bằng tai và sự rung cảm mỏng nhẹ của trái tim. Sau những lời than thở ấy, họ đơn giản cần một cái nắm tay thật ấm, một cái ôm thật chặt. Nơi ấm là những yêu thương, đón nhận, là phút bình an gác lại bao bộn bề, lo toan bên ngoài cánh cửa nhà. 

Mai Đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI