Những kẻ biến thái có học

18/11/2019 - 12:49

PNO - Thật đau đớn và phẫn nộ khi lên tục những vụ việc dâm ô trẻ em vừa xảy ra đều do chính những người trực tiếp thay cha mẹ dạy dỗ các em bài học làm người gây ra!

“Dâm ô trẻ em”, “xâm hại tình dục trẻ em”, là những cụm từ mà chỉ cần làm một động tác tra cứu đơn giản trên mạng, người ta có thể thu được hàng triệu kết quả về những vấn đề liên quan đến thực trạng đau lòng này.

Có thể nói trẻ em dưới 16 tuổi là đối tượng dễ dàng bị xâm hại nhất bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, bởi bất cứ ai dù xa lạ hay quen biết. Đau đớn nhất, thủ phạm đôi khi lại là những người thân trong gia đình, và tệ hại hơn, là chính những người trực tiếp thay cha mẹ dạy dỗ các em bài học làm người. 

Nhung ke bien thai co hoc
Thầy giáo dạy tin học ở Nhà Thiếu nhi TP.HCM vuốt tóc, sờ đùi học sinh lớp Năm (ảnh chụp màn hình)

Nơi tưởng an toàn nhất cũng bị xâm hại

Chuyện thầy giáo có những hành động dâm ô học trò/học viên của mình không còn mới mẻ, thậm chí chỉ cần làm một thống kê nhỏ, theo một cách thức thủ công nhất, cũng dễ dàng nhận ra hầu như tháng nào cũng có ít nhất một vụ xâm hại tình dục xảy ra tại một địa phương nào đó. Mới đây nhất, xã hội lại thêm một lần nữa phẫn nộ trước hai vụ trẻ dưới 16 tuổi bị dâm ô bởi người giáo dưỡng.

Cả hai vụ đều xảy ra gần như cùng lúc, và hai thủ phạm của cả hai vụ, kẻ bị cắt hợp đồng lao động, người bị đình chỉ công tác và bắt khẩn cấp gần như cùng một thời điểm. Điều này càng làm dày thêm những xót xa, hoang mang, lo lắng của phụ huynh có con đang tuổi ăn chưa no lo chưa tới, càng khiến cảnh báo về những giá trị đạo đức bị đảo lộn được gióng lên hối hả hơn bao giờ.

Vụ thứ nhất xảy ra tại lớp tin học Nhà Thiếu nhi TP.HCM. Trong bản tường trình, người thầy dạy tin học cho rằng, ông ta nhìn thấy hình dán dưới mắt cá chân của học sinh, tưởng là hình xăm, nên yêu cầu cho xem. Vì cô bé không đồng ý, nên ông mới “động tay động chân”, và khi không xem được hình dán, ông ta “chỉ vuốt tóc cô bé rồi thôi chứ không có hành vi sàm sỡ”.

Điều đáng để tâm là chính nạn nhân cũng có lời khai tương tự khi được trao đổi độc lập. Em còn cho rằng, bản thân em chỉ coi đó là hành động đùa giỡn giữa thầy trò, và cảm thấy bình thường. Được biết, thầy giáo này tốt nghiệp cao đẳng, đã cộng tác giảng dạy tin học tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM được hai năm. 

Vụ thứ hai liên quan đến cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) bị tố dâm ô nhiều bé gái ở trung tâm này. Cụ thể, em N.N.K.N. (14 tuổi) đang sống tại khu C cho biết, em và nhiều trẻ khác ở trung tâm đã bị ông D. - làm bộ phận tiếp nhận hồ sơ - có hành vi dâm ô nhiều lần. Ngoài em N., còn có các em L.T.K.T. (15 tuổi) bị dâm ô, em T.B.N. (12 tuổi) bị người này dụ dỗ. Hành vi dâm ô có sự chứng kiến của các em L.T.B.N. (10 tuổi) và L.T.N.T. (8 tuổi). Ngoài ra, ông D. còn có hành vi dâm ô với em H.T.K.D. và Đ.T.K.A. (hai trẻ này đã hồi gia).

Theo lời khai của các em, ông D. đã sờ và bóp ngực, yêu cầu các em cởi quần áo, sờ vào bộ phận sinh dục của ông ta khi đương sự đang say xỉn. Đổi lại, các em sẽ được ông D. cung cấp thuốc lá để hút, nước ngọt để uống, nước sôi để nấu mì tôm. Thậm chí ông D. còn hứa hẹn sẽ sửa hồ sơ cho các em sớm hồi gia hoặc sớm đi trường. 

Nhung ke bien thai co hocNguyễn Tiến Dũng - gã viên chức thừa nhận đã dâm ô nhiều bé gái ở Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM. Ảnh: Công Nguyên

Trung tâm Hỗ trợ xã hội là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt, không có điều kiện sống ở gia đình, bao gồm: người già, người tâm thần, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, và nhiều nhóm đối tượng bảo trợ xã hội khác.

Những đứa trẻ được chăm sóc tại đây phần lớn đều có sẵn những bất ổn về tâm lý bởi những lý do đặc biệt về hoàn cảnh sống, là những cá nhân dễ dàng bị tổn thương và mong manh hơn bất cứ đứa trẻ cùng trang lứa nào. Chẳng hạn như em H.T.K.D., được Công an P.Phạm Ngũ Lão (Q.1) đưa vào trung tâm khi bị phát hiện lang thang tại công viên 23/9 nhiều ngày liền do giận gia đình.

Khi phải chứng kiến hành vi dâm ô của chính người trong trung tâm, nơi các em được đưa về chăm sóc, hỗ trợ trong những tháng ngày cần được chữa lành, nơi tưởng chừng như an toàn nhất, thì làm sao những đứa trẻ này tránh được nỗi đau của một vết thương tâm lý khác chồng lên, đè nặng tinh thần và tâm hồn vốn dĩ khiếm khuyết của chúng?

Lời khai của K.D.: “Nhiều lần con và các bạn có ý định báo cho các thầy cô khác, nhưng nghĩ chẳng ai tin tụi con. Ngoài ra, người thầy có hành vi sàm sỡ còn trừng mắt, đe dọa nên tụi con không dám nói”, bất cứ ai nghe qua cũng thấy tim mình như bị bóp nghẹt.

Tội ác không đáng sợ, đáng sợ nhất là đồng lõa với nó

Tại sao cô học sinh lớp Năm trong đoạn clip bị thầy dạy tin học ở Nhà Thiếu nhi thành phố sàm sỡ, lại cho rằng những hành vi mang tính chất dâm ô của người này là bình thường? Tại sao những cô gái nhỏ bé mong manh ở trung tâm hỗ trợ xã hội lại không dám lên tiếng khi nghĩ rằng “sẽ chẳng có ai tin tụi con”? Tại sao các em lại tỏ ra sợ hãi những điều xấu, và những con người có hành động sai trái?

Chính tâm lý sợ sệt, lo ngại bị đánh giá thường thấy ở các em, khiến nhiều kẻ biến thái vẫn ung dung, không phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Điều đó nguy hiểm đến khó lường. Nguy hiểm hơn cả chính hành động dâm ô tội lỗi bị cả xã hội lên án.

Nhung ke bien thai co hoc
Ảnh minh họa

Mahatma Gandhi đã nói: “Quyền lực chỉ có sức mạnh khi ta đồng ý với nó”. Chỉ khi các em đồng ý để thầy khống chế mình, thì các em mới có thể dễ dàng bị khống chế. Làm sao để các em biết được rằng, những hành động sai trái không đáng để chúng ta phải sợ hãi, bởi đạo lý và pháp luật đều không cho phép điều đó xảy ra.

Làm sao để các em biết được rằng, ở những nước phát triển, học sinh được giáo dục rất kỹ lạm dụng tình dục tuổi vị thành niên là vi phạm pháp luật, các bạn ấy được dạy những cách bí mật để mách với người lớn, và kiện thầy giáo ra tòa. Ngay lập tức thầy sẽ bị cách ly, bị đuổi khỏi ngành và ghi vào hồ sơ. Làm sao để các em biết được rằng, các em ở độ tuổi vị thành niên, pháp luật luôn bảo vệ các em.

Và điều đó không chỉ có ở các nước tiên tiến, mà chính ở nước ta cũng thế. Sáng kiến “Chấm dứt bạo lực về thể chất với trẻ em tại gia đình và trường học” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhằm tổ chức, giới thiệu các lớp chống xâm hại tình dục và xuất bản các cuốn sách dạy trẻ em về kiến thức cơ bản như đối phó khi bị tấn công hay những phần nhạy cảm trên cơ thể.

Những cụm từ như “cưỡng ép”, “trói tay chân”, “đánh đập” hay “xé quần áo” không còn là bằng chứng duy nhất có khả năng tố cáo thủ phạm, khi các hành vi được coi là lạm dụng đã được quy định nhiều hơn và phức tạp hơn. Phải hiểu được rằng không phải việc cố hết sức ngăn chặn những kẻ biến thái, mà chính là cha mẹ, thầy cô, người lớn, phải có nghĩa vụ dạy các em biết cách bảo vệ chính mình. Điều đó quan trọng hơn hết thảy.

Sau khi những sự việc lạm dụng tình dục, dâm ô đối với trẻ em xảy ra, rất nhiều phụ huynh tỏ ra sợ hãi, hoang mang và bối rối không biết làm sao để bảo vệ con mình. Nhiều bà mẹ cho rằng giáo dục giới tính là điều cần thiết, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu vì bản thân không có nhiều kiến thức về giới tính và tình dục học.

Thực ra thì kiến thức thực sự không quan trọng bằng thái độ của chúng ta. Quan trọng là mẹ lắng nghe con như thế nào chứ không phải là nói với con những gì, để con tiếp tục tin tưởng mẹ và không có ý định giấu mẹ bất cứ điều gì ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý và cuộc sống của con.

Mẹ càng sợ, càng cấm, con càng giấu. Mẹ phải tỉnh bơ và cho con biết rằng mẹ sẽ sẵn sàng bảo vệ con dù con có thế nào, thì con mới sẵn sàng trải lòng với mẹ. Hãy cho con biết rằng, tệ nhất không phải là con đã bị xâm hại như thế nào, mà là con không biết rằng cơ thể và nhân phẩm của con mới là thứ quý giá và đáng được trân trọng. 

Vỏ trứng nào cũng rất mỏng, chúng chỉ cứng cáp dần lên nếu được tiếp xúc với tất cả những điều kiện tự nhiên có sẵn bên ngoài lòng mẹ. Và đứa trẻ nào cũng vậy! 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI