Những đứa con... trời

19/02/2021 - 16:13

PNO - Học sinh của chúng tôi hôm nay chen lấn thầy cô để lên cầu thang trước. Thầy cô cũng chào học sinh trước, sau đó mới nghe học sinh chào thầy.

Mạng xã hội đang xôn xao lip nam sinh ở Hà Nội chửi thề và tát giáo viên khi bị tịch thu điện thoại. Cụ thể chuyện này ra sao, cơ quan chức năng sẽ có câu trả lời, tôi chỉ bày tỏ quan điểm của một giáo viên từng chứng kiến tình huống tương tự.

Hôm ấy, đồng nghiệp của tôi bị một nam sinh tát vào mặt khi cô nhắc em nói chuyện riêng trong lớp. Sự việc diễn ra quá nhanh, không chỉ người đồng nghiệp, toàn thể giáo viên trường tôi đều thấm thía cảm giác tổn thương. Nhưng thời ấy mạng xã hội chưa phổ biến, chúng tôi cũng xem đó là chuyện buồn, chẳng ai muốn nhớ. 

Tuy nhiên clip cậu học sinh đánh giáo viên ở Hà Nội khơi lại cảm xúc đau lòng, và vài thầy cô lại lo lắng hỏi nhau: "Cậu bé ấy nay ra sao, có nên người không".

Hình ảnh cắt ra từ clip học sinh đi thẳng từ dưới lớp lên bục giảng tát vào mặt cô giáo chỉ vì bị  tịch thu điện thoại (Ảnh internet)
Hình ảnh cắt ra từ clip, được cho là xảy ra tháng 4- 2020. Một nam sinh đi thẳng từ cuối lớp lên bục giảng tát vào mặt cô giáo vì trước đó em này bị tịch thu điện thoại.

Mạnh là cậu học trò trong lớp 10 tôi làm chủ nhiệm. Cha mẹ em là nông dân, nhưng rất cưng chiều con và cậu thuộc dạng học sinh cá biệt nhất nhì trường. Thầy cô nào nhỏ nhẹ, ít chê trách thì anh chàng ngồi yên trong lớp. Nếu thầy cô "căng", cậu sẽ đùng đùng bỏ ra hành lang và vui vẻ chấp nhận vào phòng giám thị để viết bản kiểm điểm.

Đã nhiều lần tôi mời phụ huynh của em lên để cùng nhà trường nhắc nhở giáo dục, nhưng lần nào cũng vậy, điều mà tôi nhận được là: “Trăm sự nhờ thầy cô, ở nhà chúng tôi đã bất lực”.

Thì ra, Mạnh là cháu đích tôn của một dòng họ. Lúc sinh ra, em đã được bà nội xem như báu vật, chẳng ai dám la mắng cậu điều gì. Bố mẹ Mạnh cũng trượt dài trong suy nghĩ: “Trẻ con chỉ hỗn hào lúc nhỏ, lớn lên tự khắc sẽ ngoan”.

Nhưng càng lớn, "quý tử" càng bất trị. Anh chàng quen “đọc lệnh” với mọi người, cho tiền ăn sáng ít thì ném trả lại, xe đạp của cậu phải mới, chứ cũ thì không đi.

Không giáo dục con từ nhỏ, cha mẹ đã gieo họa cho chúng sau này (Ảnh minh họa)
Không giáo dục con từ nhỏ, cha mẹ đã gieo họa cho chúng sau này (Ảnh minh họa)

Chỉ có một học sinh quậy trong lớp mà thầy cô nào cũng ca thán với tôi. Nào là cãi tay đôi với cô dạy Địa, đi nghênh ngang trong tiết Vật lý… và đỉnh cao là đánh cô giáo môn Hóa học.

Không đợi nhà trường kỷ luật, Mạnh đã bỏ học, chúng tôi không còn thông tin của em và thi thoảng nhớ lại, vẫn lo cho tương lai của em. Học hành chẳng đến nơi đến chốn, tư cách đạo đức như thế, rồi em sẽ tồn tại giữa cuộc đời này ra sao? Liệu bà nội có đi theo bảo vệ em được mãi?

Từ chuyện của những đứa trẻ hư, tôi cũng nghĩ nhiều hơn về vai trò giáo dục của gia đình đối với con em. Chẳng có đứa trẻ nào sinh ra đã vô lễ ngay với người lớn tuổi, nhưng chúng sẽ là bản sao tốt nhất từ cha mẹ, và dễ có biểu hiện cộc cằn, bất thường khi được nuôi dưỡng trong cảnh bố mẹ thường cãi nhau, nói lời vô văn hoá với nhau và trút bực dọc lên đầu chúng.

Trẻ luôn muốn có được điều chúng ham thích, nhưng đa số sẽ chẳng dám tự tiện lấy đồ của ai nếu đã có người răn đe việc “cầm nhầm” ở nhà.

Thói ngỗ ngược của chúng sẽ được hạn chế nếu người lớn nghiêm khắc và nghiêm túc dạy bảo. Dạy bảo tức là phải chỉ cho con thấy được lỗi của mình chứ không phải là dù họa hay... cho một trận đòn.

Trên chuyến tàu về quê của gia đình tôi tối Mùng 4 tết, có một gia đình với 2 đứa con trạc tuổi con tôi. Chúng la hét đánh nhau cả buổi, khiến ai cũng ngại. Ai cũng sốc khi nghe cậu em chừng 4 tuổi gọi ba: “Ê thằng kia, dắt chị Hai tao đi vệ sinh”, thế nhưng ông bố ngoan ngoãn làm theo. Ăn cơm tàu mà cu cậu vặn vẹo nhân viên: “Đồ ăn dở quá, bán cho tao cái đùi gà khác”.

Mọi người trên tàu tỏ thái độ bất bình, nhưng cha mẹ hai đứa trẻ lại nhìn nhau cười. Sự dễ dãi của cha mẹ đã đầu độc sự ngây thơ của một đứa trẻ nói chưa tròn vành.

Thế hệ chúng tôi, gặp thầy giáo cũ vẫn khoanh tay đứng lại chào. Học sinh của chúng tôi hôm nay chen lấn cả thầy cô để chạy lên cầu thang trước. Chúng tôi thường chứng kiến cảnh thầy cô theo thói quen chào học sinh trước, rồi sau đó mới nghe học sinh chào thầy. Chúng tôi không kỳ vọng học sinh sẽ nhớ đúng tên mình, thay vào đó gọi tên thầy cô theo môn “cô Văn”, “cô Sử”…

Tôi nghĩ, nhà trường và xã hội đóng góp một phần quan trọng trong hình thành nhân cách của một đứa trẻ, nhưng mọi khởi đầu phải từ gia đình. Nơi hoàn chỉnh nhân cách một con người cũng phần nhiều nhờ gia đình. Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược hay sự dễ dãi buông xuôi của cả 2 đều là lỗi khó có sửa khi nhân cách trẻ đã định hình.

                                                                          Đức Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI