Những cô gái nhỏ biến đam mê thành lợi nhuận

05/06/2022 - 08:43

PNO - Từ những sản phẩm thủ công làm vì sở thích, nhiều cô gái đã nhanh chóng gặt hái thành công và truyền cảm hứng tích cực cho mọi người.

Thành công từ đam mê

Trong thập niên qua, Liên Hiệp Quốc dành rất nhiều sự quan tâm đến trẻ em gái nhằm thúc đẩy nhu cầu công nhận và thực hiện các quyền của các em, giải quyết những khó khăn đặc biệt mà các em phải đối mặt trên toàn thế giới.

Lara Manchharam (11 tuổi, Singapore) - chủ sở hữu thương hiệu nến On A Wick - cho biết: “Với những ngọn nến, tôi luôn cảm thấy đó là thứ tôi sẽ bỏ rất nhiều công sức vào. Việc thắp nến mang lại niềm vui cho tôi vì được bao quanh bởi mùi hương đáng yêu, khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc và giúp ta tập trung vào điều tích cực” - ẢNH: CNA
Lara Manchharam (11 tuổi, Singapore) - chủ sở hữu thương hiệu nến On A Wick - cho biết: “Với những ngọn nến, tôi luôn cảm thấy đó là thứ tôi sẽ bỏ rất nhiều công sức vào. Việc thắp nến mang lại niềm vui cho tôi vì được bao quanh bởi mùi hương đáng yêu, khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc và giúp ta tập trung vào điều tích cực” - Ảnh: CNA

“Trẻ em gái vị thành niên có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, được giáo dục kể cả khi các em bắt đầu bước qua giai đoạn trưởng thành” - Liên Hiệp Quốc 
cho biết.

Đúng như nhận định của tổ chức, nếu được hỗ trợ hiệu quả trong giai đoạn vị thành niên, trẻ em gái có tiềm năng thay đổi thế giới. Có thể bắt đầu chỉ bằng những ước mơ hay những sở thích nhỏ nhưng sự ủng hộ của gia đình thể hiện qua việc tạo không gian để các em phát triển đã nhanh chóng giúp các em bộc lộ khả năng của chính mình.

Trước những ảnh hưởng khủng khiếp do đại dịch COVID-19 và áp lực của việc học tập, không ít trẻ vẫn kiên định và thành công với đam mê - một kỳ tích mà ngay cả người lớn cũng gặp nhiều trở ngại.

Casey Chen (15 tuổi, Singapore), học sinh Trường trung học Springfield, cho biết chế tác đồ trang sức thủ công là sở thích em có được từ mẹ. “Em học cách làm vòng cổ từ mẹ của mình. Mẹ em có thể làm rất nhiều sản phẩm thủ công như xà phòng, đồ trang sức, vỏ điện thoại…” - Casey tâm sự.

Chỉ với sở thích ban đầu, Casey dần tập tành kinh doanh để thỏa sức sáng tạo đồng thời kiếm tiền tiêu vặt. Em tạo tài khoản Instagram @casreworkz đăng tải các phụ kiện đính hạt như vòng tay, nhẫn… do mình tự làm. Tất cả đều được thực hiện theo phong cách thẩm mỹ kidcore (phong cách đầy màu sắc) thời thượng, có giá từ 2,5-11 USD.

Từ công việc kinh doanh này, Casey kiếm được khoảng 45 USD/tuần. Cô bé thường tận dụng thời gian rảnh rỗi để làm sản phẩm, quảng cáo trên Instagram và đóng gói các đơn đặt hàng.

Casey cực kỳ thích thú khi thấy mọi người đánh giá cao các thiết kế của mình. Chính điều này thúc đẩy cô bé nuôi dưỡng niềm đam mê lớn hơn: “Thật thú vị khi bạn có thể làm những điều mà bạn nghĩ rằng bạn không thể và cảm giác đạt được thành quả mang lại cho em niềm vui lớn”.

Isabel Bercaw cho biết hai chị em cô luôn cố gắng trích lợi nhuận từ kinh doanh để làm từ thiện: “Khi bạn còn trẻ, bạn thường tập trung vào tiền bạc và đạo đức của mình. Chúng tôi đã biết rằng chúng tôi muốn làm điều gì đó để đền đáp cho xã hội ngay từ khi chúng tôi còn nhỏ” - ẢNH: NEWROOMS
Isabel Bercaw cho biết hai chị em cô luôn cố gắng trích lợi nhuận từ kinh doanh để làm từ thiện: “Khi bạn còn trẻ, bạn thường tập trung vào tiền bạc và đạo đức của mình. Chúng tôi đã biết rằng chúng tôi muốn làm điều gì đó để đền đáp cho xã hội ngay từ khi chúng tôi còn nhỏ” - Ảnh: Newrooms 

Giống như Casey, hai chị em Caroline và Isabel Bercaw (20-21 tuổi, người Mỹ) cũng nhờ sự ủng hộ tích cực từ gia đình mà kiên định với những ý tưởng của chính mình từ nhiều năm qua.

Hai cô gái là đồng sáng lập Da Bomb Bath và là tấm gương sáng cho không ít trẻ em gái noi theo. Từ khi còn là những đứa trẻ 11, 12 tuổi, hai chị em đã rất quan tâm đến những viên sủi bồn tắm nhưng lại không hài lòng với việc chúng có thể làm bẩn bồn tắm và ảnh hưởng đến da. Từ đó, họ không ngừng tìm tòi và thử nghiệm các công thức để tạo ra những viên bom tắm (bom sủi) ưng ý.

Từ việc xem chúng như một món đồ chơi nhỏ, Caroline và Isabel Bercaw đã thử bán chúng tại hội chợ nghệ thuật địa phương ở Minneapolis và ngay lập tức nhận được sự ủng hộ từ nhiều người. Chỉ sau hai năm, sản phẩm của họ đã có mặt tại 30 cửa hàng địa phương và tiếp tục khẳng định sức hút tại một triển lãm thương mại quốc tế. “Chúng tôi đã sản xuất 20.000 viên bom tắm (bom sủi) mỗi tháng trong tầng hầm của chúng tôi” - Isabel nói.

Mọi thứ phát triển quá nhanh. Nhờ sự hỗ trợ từ gia đình, người mẹ đảm nhận vị trí giám đốc điều hành, hai cô gái tập trung vào phát triển sản phẩm và tiếp thị. Chưa kể, Caroline và Isabel Bercaw đã đăng ký chương trình On the job của trường. Chương trình này cho phép học viên sử dụng một khoảng thời gian nhất định ở trường cho công việc khởi nghiệp.

Caroline nói: “Trường học và bạn bè rất ủng hộ chúng tôi. Thỉnh thoảng, một số người không quen biết đến gặp và hỏi: “Này, những cô gái bom tắm, các cô kiếm được bao nhiêu tiền?”. Tôi muốn họ hỏi về những gì chúng tôi làm hằng ngày hoặc việc bán một sản phẩm là như thế nào. Đó không phải là vấn đề tiền bạc”.
Hai cô gái có thể dành cả ngày nói về bom tắm, ngay cả khi đi ăn, đi chơi bởi với họ, đó là đam mê. May mắn thay, từ đam mê này họ thành công và kiếm được nguồn thu nhập ổn định.

Truyền cảm hứng tích cực, giá trị nhân văn

Với các cô gái trẻ, điều ý nghĩa nhất ở công việc kinh doanh không chỉ nằm ở khía cạnh sáng tạo, tạo ra những sản phẩm khiến người khác thích thú mà thông qua đó còn giúp họ “ít sử dụng công nghệ và các thiết bị gây lãng phí thời gian”. Không ít trong số đó còn trích một phần thu nhập dù không quá lớn của mình để phục vụ công tác từ thiện.

Riya Karumanchi (17 tuổi, Canada) là người sáng lập kiêm CEO của SmartCane, công ty về thiết bị cảm biến hỗ trợ người mù định hướng không gian và điều hướng - ẢNH: RYERSONIAN
Riya Karumanchi (17 tuổi, Canada) là người sáng lập kiêm CEO của SmartCane, công ty về thiết bị cảm biến hỗ trợ người mù định hướng không gian và điều hướng - Ảnh: Ryersonian 

Hai chị em Caroline và Isabel Bercaw đã quyên góp hơn 100.000 USD từ việc bán sản phẩm bom tắm nổi tiếng của mình cho dự án “Nước” - chuyên cung cấp nước sạch cho các cộng đồng kém may mắn. Đến nay, cả hai đã ủng hộ khoảng 250.000 USD cho các tổ chức làm sạch đại dương và cung cấp nước uống cho các trường học, làng mạc ở châu Phi.

Trong khi đó, Derya Okten (13 tuổi, Singapore) - người sáng lập Olaf Organics, một cửa hàng xà phòng và nước hoa tự nhiên - cho biết em thường trích một số phần trăm lợi nhuận thu được chuyển đến hai tổ chức từ thiện hỗ trợ giáo dục ở Thổ Nhĩ Kỳ - nơi ba mẹ em sinh ra và lớn lên.

“Em cũng thích sáng tạo và thử một điều gì đó mới. Ý tưởng kết hợp sự sáng tạo với những gì em học được từ gia đình cùng sự giúp đỡ của gia đình đã mang lại cho em sự tự tin để thử sức trong lĩnh vực kinh doanh” - Derya Okten tâm sự.
Bà Berna Okten, mẹ của Derya, cho hay con gái bà đã ham thích thử nghiệm từ khi còn nhỏ.

“Vào dịp hè, em và anh trai đã làm nhiều thứ khác nhau. Sau khi tham gia một số khóa học về nước hoa và thử nghiệm làm xà phòng, anh trai em và em đã thảo luận về việc bán xà phòng” - Derya nói.

Olaf Organics hiện cung cấp bộ sưu tập xà phòng mùa hè với các thành phần tự nhiên như hoa cúc, cà phê espresso, hoa oải hương Pháp, mật ong, bạc hà và hương thảo, mỗi loại có giá khoảng 10 USD. 

Công việc này giúp Derya thúc đẩy tính độc lập và cho em nhiều cơ hội học tập để phát triển cũng như có được thỏa mãn đam mê sáng tạo để làm ra những sản phẩm có ích cho cuộc sống hằng ngày và không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài gia đình mình, Derya còn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ bạn bè. Một vài người còn sẵn sàng giúp đỡ cô bé trong việc đưa Olaf Organics phổ biến rộng rãi hơn. 

Chung Thu Hương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI