Những chuyến hồi hương đặc biệt trong đại dịch COVID-19

04/02/2021 - 06:28

PNO - Nhiều người đã bật khóc trong giây phút đặt chân trở về Tổ quốc. Họ - những công dân Việt Nam - về nước sau những ngày cùng quẫn nơi xứ người vì dịch bệnh. Trong năm qua, có hơn 54.000 người được hồi hương trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy.

 

Tổ bay đến Guinea Xích Đạo vui sướng khi đưa 219 công dân Việt Nam về nước an toàn (Ảnh do Vietnam Airlines cung cấp)
Tổ bay đến Guinea Xích Đạo vui sướng khi đưa 219 công dân Việt Nam về nước an toàn (ảnh do Vietnam Airlines cung cấp)

Chuyến phi cơ mang số hiệu VN571 tiếp đất ở sân bay Đà Nẵng vào lúc 15g40. Khoang hành khách vang lên những tràng pháo tay thể hiện niềm hạnh phúc vô bờ. Hành khách trên chuyến bay này đa số là phụ nữ mang thai. Nhiều người đã bật khóc trong giây phút đặt chân trở về Tổ quốc. Họ - những công dân Việt Nam - về nước sau những ngày cùng quẫn nơi xứ người vì dịch bệnh. Trong năm qua, có hơn 54.000 người được hồi hương trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy.

Hai tiếng “về nhà” là động lực

Rời chuyến bay VN571, đặt những bước chân đầu tiên xuống sân bay Đà Nẵng, chị Phạm Thị Kiều (quê Thái Bình) không kìm được nước mắt vì xúc động. Tám năm bôn ba nơi xứ người, làm công nhân cho một công ty ở Đài Loan, chị Kiều đã có nhiều chuyến hồi hương, nhưng chưa bao giờ đặc biệt như lần này. Cuối tháng 5/2020, khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn thế giới, chị Kiều đang mang thai một bé gái ở tháng thứ sáu. Điều khiến vợ chồng chị lo lắng là biên giới các nước bị phong tỏa, các chuyến bay thương mại đều dừng, chị không thể về quê để sinh con.

“Từ hôm nghe tin Nhà nước sẽ tổ chức chuyến bay đưa mình hồi hương, tôi vui sướng không thể tả nổi. Vậy là vợ chồng tôi thoát được nỗi lo mắc kẹt ở xứ người, sinh đẻ không ai chăm. Đặt chân về nước vào thời điểm đó là một điều kỳ diệu rất khó tả” - chị Kiều tâm sự.

VN571 là một chuyến bay rất đặc biệt do Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thực hiện vào ngày 29/5/2020. Đây là một chuyến bay chưa có tiền lệ của ngành hàng không vì cùng lúc chở 243 phụ nữ mang thai và 100 công dân có hoàn cảnh khó khăn bị mắc kẹt ở Đài Loan về nước. Máy bay đáp xuống sân bay Đà Nẵng trong tiếng vỗ tay reo mừng của hàng trăm người, tất cả đều an toàn. 

Trong năm 2020, Vietnam Airlines đã thực hiện gần 190 chuyến bay từ hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Có những chuyến bay được xem là “kỳ tích”, chẳng hạn như chuyến bay có quá nửa số hành khách bị nhiễm COVID-19, chuyến bay đầu tiên vào tâm dịch Vũ Hán, chuyến bay thẳng đầu tiên đến Mỹ…

Các công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo về nước, mang theo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh do Vietnam Airlines cung cấp
Các công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo về nước, mang theo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh do Vietnam Airlines cung cấp)

Tiếp viên Nguyễn Hữu Trung là một trong những người có mặt trên chuyến bay VN06 của Vietnam Airlines chở 219 công dân Việt từ Guinea Xích Đạo hồi hương, trong đó có 120 hành khách đã nhiễm COVID-19.

Anh Hữu Trung kể, máy bay đáp xuống sân bay Bata lúc mưa nặng hạt nên mọi người khá lo lắng. Sân bay Bata ở Guinea Xích Đạo là một điểm đến xa xôi và Vietnam Airlines chưa từng khai thác. Do sân bay chỉ có một chiếc xe nạp nhiên liệu nên chuyến bay bị hoãn 6 giờ.

Trong thời gian chờ đợi, các thành viên phi hành đoàn bắt đầu công tác chuẩn bị. Để hành khách có thể thuận tiện tìm thấy khu vực ngồi của mình, các tiếp viên đã dán giấy hướng dẫn trên máy bay. Phải mặc đồ bảo hộ trong suốt quãng thời gian chờ đợi nên sự nóng nực khiến mọi người mệt mỏi.

Hành khách lên máy bay, ngồi đúng vào vị trí được sắp sẵn, các tiếp viên có mặt trên chuyến bay VN06 mở đầu với câu: “Chúng ta sắp được về nhà rồi” thay cho lời chào thường lệ. Hai chữ “về nhà” trong bối cảnh đó như một liều thuốc tăng lực cho các công dân Việt Nam sau một thời gian dài mệt mỏi vì bị mắc kẹt ở một quốc gia xa xôi, chịu kham khổ, đói khát vì dịch bệnh.

Anh Hữu Trung nhớ lại: “Tôi được phân công đón khách ở khoang dành cho người dương tính với COVID-19 nên đã chuẩn bị tâm lý thật kỹ. Tôi không giật mình theo phản xạ khi nghe hành khách ho. Lúc được lên máy bay, mọi người đều rất phấn khởi. Thậm chí, chính họ còn tiếp thêm cho tôi nhiều năng lượng tích cực để sẵn sàng cho chuyến bay dài phía trước”.

Bên cạnh việc phục vụ hành khách như thông thường, tiếp viên còn phải chú ý quan sát từng biểu hiện của hành khách; nếu ai có dấu hiệu không khỏe thì phải hỏi han và báo ngay cho bác sĩ.

Trên chuyến bay đặc biệt hôm đó, tiếp viên, bác sĩ và hành khách liên tục động viên nhau bằng những câu có từ “về nhà”, “đất mẹ”. Trong bối cảnh đặc biệt, những từ ngữ đó đã giúp họ có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ “trở về”. Ngày 29/7, chuyến bay VN06 đã đáp xuống sân bay Nội Bài (TP. Hà Nội), kết thúc một chuyến bay nghẹt thở, được đông đảo người dân Việt Nam hồi hộp theo dõi.

Theo Vietnam Airlines, hai chuyến bay hồi hương có ý nghĩa đặc biệt nhất với đơn vị trong năm qua là chuyến bay chở công dân từ Guinea Xích Đạo và Vũ Hán (Trung Quốc). Chuyến bay từ Vũ Hán là chuyến bay đầu tiên chở công dân về nước tránh dịch. Việc chuẩn bị hết sức gắt gao, từ quy trình phòng dịch đến đảm bảo an toàn bay. Chuyến bay được thực hiện thành công, mở đầu cho hàng trăm chuyến bay đưa công dân Việt Nam hồi hương sau đó của ngành hàng không Việt Nam.

Trên chuyến bay từ “tâm dịch” Vũ Hán, sự có mặt của thai phụ 36 tuần tuổi (có khả năng sinh con trên máy bay) đã để lại cho phi hành đoàn nhiều kỷ niệm khó quên. Trên chuyến bay này, có cả bác sĩ sản khoa đi kèm để sẵn sàng cho trường hợp hành khách sinh con trên máy bay. Các thành viên phi hành đoàn đều là những người có kinh nghiệm bay lâu năm và đã được huấn luyện kỹ năng đỡ đẻ “tay ngang”. Nhưng thật may mắn, người mẹ và thai nhi đã hạ cánh an toàn. 

Tiếp viên trưởng Phạm Hải Bằng - người có mặt trên chuyến bay về từ Vũ Hán - cho biết để tránh lây nhiễm, cả đoàn công tác mặc đồ bảo hộ ngay từ khi bắt đầu lên máy bay; hành khách cũng được yêu cầu mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang nên Vietnam Airlines không phục vụ suất ăn, tạp chí, chăn và dịch vụ giải trí trên chuyến bay này. Khó khăn nhất có lẽ là việc đeo khẩu trang, bộ đồ phòng hộ gây khó chịu cho các cháu bé.

Anh Hải Bằng nhớ lại: “Lúc tới Vũ Hán, nhiệt độ bên ngoài chỉ 30 độ C mà mồ hôi chảy ròng ròng trong người. Chín giờ không ăn, uống, không đi vệ sinh (cả phi hành đoàn đều mặc bỉm để đảm bảo tuyệt đối không lây nhiễm), nhưng chúng tôi vui mừng vô hạn khi hành trình đặc biệt này đã thành công tốt đẹp”.

Chuyến bay “lịch sử” qua nửa vòng trái đất

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, trên nhiều chuyến bay hồi hương, phi hành đoàn còn nhận được thư tay, những bài thơ cảm ơn khiến họ rất xúc động. Điều đặc biệt là khi chuyến bay hồi hương hạ càng, khoang hành khách thường rộ lên những tiếng vỗ tay, hành khách thể hiện sự hạnh phúc, hân hoan, thậm chí có người bật khóc. Đó luôn là những thời khắc xúc động khó quên với phi hành đoàn. Đây cũng là động lực để Vietnam Airlines hoàn thành nhiệm vụ thực hiện những chuyến bay “đặc biệt”.

Tổ bay họp trước khi thực hiện chuyến bay thẳng sang San Francisco, Mỹ, được xem là chuyến bay lịch sử ảnh do Vietnam Airlines cung cấp
Tổ bay họp trước khi thực hiện chuyến bay thẳng sang San Francisco, Mỹ, được xem là chuyến bay lịch sử (ảnh do Vietnam Airlines cung cấp)

Chị Phan Trà My - Tiếp viên trưởng chuyến bay hồi hương từ San Francisco,  Mỹ - cho biết kỷ niệm 25 năm của chị với Vietnam Airlines là chuyến bay “lịch sử” có hành trình 25.000km đến Mỹ. Đây không phải là điểm đến thường lệ như các chuyến bay khác, nên quá trình xin phép, cấp phép rất khó khăn. Dù phi hành đoàn không xin visa nhập cảnh nhưng việc chuẩn bị thủ tục khá phức tạp. Một vài người trong phi hành đoàn bị từ chối visa khiến “sĩ số” thay đổi liên tục. Gần như các tiếp viên đội dự bị đã thành đội chính thức với vỏn vẹn 16 tiếp viên cho hành trình dài 33 giờ.

Sau vài lần thay đổi kế hoạch bay, đến ngày 7/5, chuyến bay lịch sử đã sẵn sàng đi đón hành khách trở về từ nửa vòng trái đất. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay San Francisco, bang California, Mỹ để đón công dân Việt Nam về nước, chuyến bay đi vào lịch sử vì là chuyến bay thẳng đầu tiên đến Mỹ có tính chất thương mại mà Vietnam Airlines thực hiện (không tính các chuyến chuyên cơ, chuyến bay nhận máy bay...).

Chuyến bay là tiền đề rất quan trọng để Vietnam Airlines có thể thực hiện các chuyến bay tiếp theo để đưa các công dân Việt Nam còn lại có nguyện vọng về nước cũng như các chuyến bay thẳng khai thác thương mại sau này.

“Lúc phi hành đoàn bước vào, tôi thấy ánh mắt bà con người Việt mình bừng sáng trên gương mặt đeo kín khẩu trang. Tôi cảm nhận được niềm hân hoan hạnh phúc khi mọi người đứng lên vỗ tay chào đón” - chị Trà My nhớ lại.

Trên chuyến bay, các tiếp viên phải mặc đồ bảo hộ, đeo kính chắn giọt bắn, khẩu trang N95. Do đó, họ phải dùng bút dạ viết tên nhau trên ngực áo và phía sau lưng để gọi đúng tên vì trong bộ đồ bảo hộ, rất khó nhận diện. Một chuyến bay rất khó khăn so với thường lệ nên đến giây phút hạ cánh tại sân bay Vân Đồn, tất cả đều vỡ oà niềm vui.

Chị Trà My kể: “Đến nơi, tôi phải đọc bài phát thanh chào quý khách như thường lệ - công việc này tôi đã làm 17 năm qua trên cương vị là tiếp viên trưởng. Tuy nhiên, ngày hôm đó, khi thực hiện bài đọc, tôi cảm thấy nghẹn lời, thậm chí còn vấp khi đọc những dòng chữ hết sức bình thường quen thuộc: “Máy bay của chúng ta đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Vân Đồn, Việt Nam. Bây giờ là 18g45 ngày 8/5 giờ Hà Nội...”. Sau bài phát thanh đó, nhiều người đã bật khóc”.

Phía sau những “chuyến bay hàng trăm giờ”

Năm 2020, dịch COVID-19 hoành hành, nhưng có hơn 54.000 công dân Việt Nam đã được về nước trên gần 190 chuyến bay hồi hương từ hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới do Vietnam Airlines thực hiện. Trong tháng 1/2021, Vietnam Airlines tiếp tục đưa hơn 2.500 công dân từ các quốc gia, vùng lãnh thổ về nước, gồm Mỹ, Úc, Đức, Pháp, Nhật Bản và Đài Loan. 

Ông Lưu Hoàng Minh - Phó trưởng đoàn Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines - cho biết khi xảy ra dịch COVID-19, Việt Nam phải dừng các chuyến bay thường lệ và chuyển sang chế độ bay “giải cứu”, phải áp dụng việc phòng dịch nghiêm ngặt và thực hiện quy định về phòng, chống dịch riêng của từng nước. 

“Vừa rồi, phi công của Việt Nam đi qua Băng Cốc (Thái Lan) để huấn luyện buồng lái mô phỏng máy bay ATR 72. Bình thường, chuyến bay sang Băng Cốc chỉ mất 3 giờ cho lượt đi và về, nhưng chuyến bay mùa dịch phải mất 31 ngày, tức hơn 700 giờ. Theo đó, khi sang Thái Lan, phi công phải cách ly 15 ngày, khi về Việt Nam, lại tiếp tục cách ly 14 ngày, cùng với hai ngày đi và về là vừa tròn 31 ngày” - ông Hoàng Minh kể.

Trên thực tế, có những chuyến bay thường chỉ mất 3 giờ mà thành 300 giờ, chuyến bay hai ngày mà thành 30 ngày. Như chuyến bay đến Guinea Xích Đạo bình thường chỉ có hai ngày bay đi và về nhưng phi hành đoàn phải mất một tháng do phải cách ly 28 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc có phi công, tiếp viên hàng tháng trời mới được về nhà. Tuy nhiên, trong điều kiện đó, rất nhiều người vẫn hăng hái xung phong làm nhiệm vụ đưa người Việt hồi hương trong đại dịch.

Được biết, với các chuyến bay thường lệ, khi tổ bay đến địa điểm, sẽ có một tổ bay khác tiếp nhận và thực hiện việc bay về. Những người ở tổ bay sẽ có thời gian để nghỉ ngơi. Nhưng với các chuyến bay hồi hương, do quy định phòng chống dịch, phi hành đoàn phải bố trí gần như gấp đôi số lượng người để đảm bảo việc đi và về, không được nghỉ ngơi ở nước bạn.

Phi công Hoàng Đình Trang - một trong hai cơ trưởng của chuyến VN68 từ Vũ Hán đáp xuống Vân Đồn ngày 10/2/2020 - cho biết trước khi lên đường, nhiều thành viên phi hành đoàn không khỏi băn khoăn về khả năng lây nhiễm dịch bệnh. Thậm chí, có người còn không tiết lộ việc mình thực hiện chuyến bay đặc biệt này với người thân, để người thân không phải lo lắng.

“Dù vậy, chúng tôi đều nhận thức rằng, đưa đồng bào từ vùng dịch trở về quê hương an toàn, khỏe mạnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thiêng liêng, là nhiệm vụ quốc gia mà Đảng, Nhà nước giao phó và được hàng chục triệu người dân Việt Nam quan tâm, kỳ vọng. Do đó, mọi người trong phi hành đoàn đều tự nguyện xung phong lên đường” - anh Đình Trang chia sẻ.

Chị Nguyễn Tuyết Hưng - tiếp viên trên chuyến bay VN9062 chở công dân hồi hương từ Ukraine đáp xuống Vân Đồn ngày 30/3/2020 - nhớ lại trước khi bay, cả gia đình ngăn cản vì ai cũng lo lắng khi biết chị sắp bay đi châu Âu, nơi COVID-19 đang bùng phát. Chị phải thuyết phục bố mẹ rất nhiều.

Chị Tuyết Hưng nhớ lại: “Khoang máy bay thiếu ô-xy trong khi phải đeo khẩu trang thường xuyên nên nhiều lúc tôi rất khó thở, hai thái dương đau nhức nhưng vẫn cố chịu đựng. Được phục vụ hành khách là vui rồi; nếu không bay, tôi sẽ rất nhớ nghề”.

Theo lãnh đạo Đoàn bay 919, các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ vùng dịch hồi hương được thực hiện trong điều kiện khó khăn, trong khi lương của phi hành đoàn bị giảm, chỉ còn một phần ba so với trước đây. Tuy nhiên, lòng yêu nghề, tình cảm và trách nhiệm với đồng bào đã giúp phi hành đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Nỗ lực phục vụ trong khó khăn

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến ngành vận tải hàng không toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đánh giá Việt Nam thiệt hại khoảng 4 tỷ USD. Đối với Vietnam Airlines, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến gần một nửa số tàu bay phải dừng khai thác, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt 42,4%.

Để vượt qua khủng hoảng, Vietnam Airlines phải thực hiện các chính sách nghỉ luân phiên, làm việc bán thời gian, cắt giảm lương, thưởng trong nhiều tháng đối với người lao động.

Tuy vậy, tập thể cán bộ nhân viên Vietnam Airlines vẫn không ngừng nỗ lực để duy trì sản xuất, phục vụ hành khách, kết nối cầu hàng không và giữ vững giao thương. Trong dịp tết Nguyên đán 2021, Vietnam Airlines Group cung ứng gần 13.000 chuyến bay để phục vụ người dân.

Sơn Vinh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI