Hành trình 33 giờ “giải cứu” công dân Việt Nam cách nửa vòng trái đất

09/05/2020 - 11:00

PNO - Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều công dân Việt đang sinh sống tại Mỹ mong được trở về quê hương và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng mở một đường bay chưa từng có đến sân bay San Francisco, đón hơn 340 công dân về nước.

Ngày 7/5, chuyến bay mang số hiệu VN1 khởi hành từ Hà Nội đến San Francisco (Mỹ), chở theo công dân Mỹ hồi hương và vận chuyển trang thiết bị do các đơn vị trong nước gửi tặng cộng đồng người Việt đang sống xa quê hương.

Tổng chiều dài hành trình bay thẳng hai chiều không điểm dừng hơn 25.000 km. Tổng thời gian thực hiện hành trình khoảng 33 tiếng (Ảnh: VNA).
Tổng chiều dài hành trình bay thẳng hai chiều là hơn 25.000 km. Tổng thời gian thực hiện hành trình khoảng 33 tiếng - Ảnh: VNA

Chuyến bay này là một dấu mốc lịch sử của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), bởi đây là chuyến bay thẳng đầu tiên của hàng không dân dụng Việt Nam đến Mỹ. Chuyến bay được khai thác bằng máy bay lớn nhất, hiện đại nhất của Vietnam Airlines hiện nay là Boeing 787-10. So với tổ bay của một chuyến bay chặng dài thường lệ là 14 đến 16 người, trong chuyến VN1, số lượng thành viên tổ bay được huy động lên tới 28 người, gồm 8 phi công, 16 tiếp viên, 2 nhân viên kỹ thuật, 2 nhân viên mặt đất. 

Cơ trưởng chịu trách nhiệm chính trên chuyến bay VN1 có hơn 26 năm kinh nghiệm, là phi công từng lái Boeing 787-9 và Boeing 787-10 đầu tiên của Vietnam Airlines từ nơi lắp ráp ở Mỹ về Việt Nam vào các năm 2015, 2019. 

Toàn bộ hành trình khứ hồi từ lúc cất cánh tại Nội Bài (Hà Nội), đến Mỹ và trở về Vân Đồn (Quảng Ninh) kéo dài hơn 33 giờ. Quá trình phục vụ từ mặt đất đến trên không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch bệnh, an toàn bay. Tổ bay được trang bị bảo hộ y tế toàn thân, hạn chế di chuyển, giao tiếp trong quá trình phục vụ. 

Hành khách trở về nước lần này chủ yếu là trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền, du học sinh không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa. Sau khi chuyến bay từ Hoa Kỳ hạ cánh tại Vân Đồn, các hành khách được đưa đi cách ly tập trung theo quy định, còn tàu bay được vệ sinh, khử trùng toàn bộ buồng lái, khoang hành khách.

Tổ bay trong chuyến bay giải cứu công dân mắc kẹt tại Mỹ.
Tổ bay của chuyến bay "giải cứu" công dân mắc kẹt tại Mỹ

Để tìm hiểu về hành trình của chuyến bay lịch sử này, báo Phụ Nữ TPHCM đã có cuộc trò chuyện với chị Vũ Thị Thu Hà - tiếp viên trên chuyến bay - ngay sau khi máy bay VN-A879 hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn.

Phóng viên: Chị biết về kế hoạch chuyến bay “giải cứu” quan trọng này từ khi nào?

Chị Vũ Thị Thu Hà: Vì tình hình khai thác của VNA đang hồi phục, lịch bay được cập nhật hàng ngày nên tôi nhận được thông tin bay cách ngày khởi hành 7 ngày. Sau đó còn phải làm rất nhiều thủ tục về hộ chiếu, visa. Đây cũng là những việc làm bình thường của tiếp viên trong các chuyến bay khác.

* Đã từng có một tiếp viên của VNA mắc COVID-19 sau chuyến bay “giải cứu”. Khi nhận nhiệm vụ này, chị có thấy lo lắng vì nguy cơ nhiễm bệnh không?

- Chúng tôi không thấy lo lắng hay sợ hãi gì vì đã xác định đây là công việc, là nhiệm vụ. Hơn nữa, tôi nghĩ, các thành viên tổ bay đi đón công dân ở vùng dịch cũng là lực lượng tuyến đầu, đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào cuộc chiến chống COVID-19 với Nhà nước và Chính phủ. 

Thêm vào đó, tổ bay cũng như nhóm tiếp viên cũng được trang bị rất kĩ và đầy đủ, từ găng tay, khẩu trang N95, quần áo bảo hộ, thuốc xịt khử trùng… Thức ăn trên chuyến bay cũng được đóng gói cẩn thận, không phải thức ăn nóng hay dạng mở thông thường mà được bảo quản đặc biệt. 

Quy trình cũ cũng thay đổi. Trên máy bay, tiếp viên sẽ mời khách những hộp thức ăn chứ không phải đồ ăn mở sẵn để khách tự mở và sử dụng. Tất cả nhằm hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm chéo. 

Vũ Thị Thu Hà (ở giữa) và các đồng nghiệp.
Chị Vũ Thị Thu Hà (bìa trái) và các đồng nghiệp - Ảnh: NVCC

* Phải mặc đồ bảo hộ toàn thân để đảm bảo phòng dịch trên suốt chuyến bay là một thử thách của tổ bay. Ngoài ra còn có trở ngại nào khác trên chuyến bay đặc biệt này không?

- Trong 3 tháng vừa qua, chúng tôi đã quen với việc mặc đồ bảo hộ khi thực hiện nhiệm vụ nên cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Chỉ có khó khăn trong việc giao tiếp với các hành khách khi phục vụ, khiến hiệu quả giao tiếp giảm đi đôi chút.

Còn thử thách, tôi nghĩ đây là chuyến bay dài nhất của 18 năm trong nghề của mình và bay vào một trong những quốc gia mà dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ.

Chuyến bay đặc biệt hạ cánh tại sân bay Vân Đồn (Ảnh: NVCC)
Chuyến bay đặc biệt hạ cánh tại sân bay Vân Đồn - Ảnh: NVCC
 

* Chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi hạ cánh xuống sân bay San Francisco, nhìn thấy đồng bào, hành khách của mình đang chờ đợi?

- Khi máy bay vừa hạ cánh xuống sân bay San Francisco, tôi đã có cảm giác thật vui và xúc động. Một phần do đây là chuyến bay thương mại bay thẳng đầu tiên của Việt Nam tới Mỹ, phần nữa lại là chuyến bay đặc biệt đón bà con kiều bào, du học sinh Việt Nam về nước để tránh dịch COVID-19.

Khi vào nhà ga để thực hiện thủ tục an ninh của phía Mỹ, nhìn thấy đồng bào mình, qua ánh mắt nhìn, tôi cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc của họ khi nhìn thấy “bông sen vàng” trên đất Mỹ. 

Lúc đó chúng tôi chỉ mong làm thủ tục thật nhanh để lên tàu, thực hiện nhiệm vụ đưa mọi người trở về Việt Nam, nơi những trái tim nồng ấm yêu thương của gia đình, bạn bè đang chào đón họ.

* Với thời gian dừng tại sân bay San Francisco chỉ hơn 2 giờ, vô cùng ngắn ngủi, mọi người trong phi hành đoàn có đủ thời gian nghỉ ngơi để tiếp tục chuyến bay trở về?

Vì phải làm các thủ tục xuất nhập cảnh, an toàn an ninh nên chúng tôi không được nghỉ ngơi nhiều. Nhưng cảm nhận được sự mong đợi của các hành khách đặc biệt của mình đang ngồi đợi ngoài kia thì chúng tôi quên hết mệt mỏi, chỉ cố gắng chuẩn bị máy bay thật nhanh để đưa mọi người trở về nhà nhanh nhất có thể.

Các hành khách Kiểm tra y tế tại Vân Đồn. (Ảnh: VNA).
Các hành khách kiểm tra y tế tại Vân Đồn - Ảnh: VNA

* Việc cách ly tổ bay trong chuyến bay “giải cứu” được thực hiện như thế nào?

- Tổng công ty Hàng không Việt Nam có cơ sở cách ly ở phường Bồ Đề (quận Long Biên, TP. Hà Nội) cho tất cả cán bộ công nhân viên mỗi khi thực hiện các chuyến bay quốc tế, đặc biệt là các chuyến bay từ vùng dịch về. Ở đó có hơn 50 phòng nghỉ để cách ly y tế theo đúng quy định.

* Chị đã chuẩn bị gì để thực hiện cách ly 14 ngày?

- Trước khi thực hiện những chuyến bay như thế này, hầu hết chúng tôi đều chuẩn bị cả tinh thần cũng như vật dụng cần thiết cho những ngày cách ly như đồ dùng, quần áo. Tôi đã chuẩn bị những cuốn sách, tiểu thuyết để đọc.

Ngoài ra, tôi còn tham gia công tác đào tạo tiếp viên và quản lý tiếp viên nên chuẩn bị khá nhiều tài liệu để tham khảo. Điều này giúp thời gian cách ly của tôi ý nghĩa hơn rất nhiều.

* Chắc hẳn trong một hành trình dài và đặc biệt sẽ có những sự cố hay kỉ niệm. Chị có thể chia sẻ điều này không?

- Về sự cố thì tôi nghĩ cũng không có gì đặc biệt. Chỉ có một bạn sinh viên do thời gian di chuyển lâu, phải đeo mặt nạ cùng với việc lo lắng và hồi hộp khi bay trong hoàn cảnh đặc biệt nên bị mệt, say máy bay và nôn ói. Tuy nhiên với sự chăm sóc, động viên của đội tiếp viên thì bạn đã vượt qua những khó chịu đó. Những trường hợp như thế, chúng tôi gặp rất nhiều khi bay.

Kỉ niệm thì hẳn đây là một chuyến bay không thể quên. Tôi nhớ về một bác, tuy có gia đình ở TPHCM, nhưng do chuyến bay về Hà Nội nên phải cách ly 14 ngày tại đây. Bác tỏ ra rất xúc động, chia sẻ rất nhiều cảm xúc, suy nghĩ, lòng biết ơn về chính sách của Chính phủ Việt Nam với những người con xa xứ; và sự chăm sóc, phục vụ tận tình của đội ngũ tiếp viên trên chuyến bay.

Một hành khách sử dụng xe lăn trên chuyến bay từ Hoa Kỳ. (Ảnh: VNA).
Một hành khách sử dụng xe lăn trên chuyến bay từ Hoa Kỳ - Ảnh: VNA

* Nếu phát hiện ra khách có biểu hiện mắc COVID-19 thì tổ bay sẽ thực hiện phòng dịch thế nào?

- Chúng tôi có quy trình riêng cho trường hợp đó. Khi phát hiện khách có dấu hiệu sốt, chúng tôi sẽ tiến hành giãn cách trên máy bay. Khách sẽ được mặc đồ bảo hộ và sắp xếp cho ngồi riêng ở vị trí có đủ khoảng cách theo yêu cầu giãn cách trong phòng, chống dịch COVID-19. 

Vị trí ngồi của hành khách cũng sẽ được xịt khử khuẩn toàn bộ. Hành khách này cũng được theo dõi y tế sát sao trong suốt hành trình và khi hạ cánh sẽ được bàn giao cho bộ phận y tế sân bay.

* Xin cảm ơn chị. Chúc chị và tổ bay nhiều sức khỏe, niềm vui để tiếp tục phục vụ cho ngành hàng không Việt Nam. 

An Vũ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI