Đom đóm vào nhà

08/10/2020 - 19:24

PNO - Đã lâu lắm rồi tôi không còn được trông thấy đom đóm. Bầy trẻ ngày nào lớn lên bận rộn mưu sinh, cũng không ai để ý đến loài đom đóm bé nhỏ kia nữa.

Đêm kia, có chú đom đóm bay lạc vào nhà. Bé An gọi: “Mẹ ơi, có con gì này”. Tôi rửa vội đôi tay đầy xà phòng chạy lên: “À, đom đóm đấy con à”. “Có phải đom đóm làm đèn không? Lần đầu tiên con được thấy đom đóm đó mẹ” - cậu bé mở to mắt háo hức.

Trong nhà đèn điện sáng trưng. Chú đom đóm bé nhỏ lạ đường bay loạng choạng trên cao, cái đốm sáng nhỏ xíu dưới bụng chú nhìn càng yếu ớt.

Tuổi thơ tôi hiện về. Những đêm mùa hè xa xưa, trên cánh đồng mênh mông gió lộng, đom đóm bay ra từng bầy lấp lánh. Lũ trẻ xóm nhỏ ùa ra đuổi bắt, cứ chỉ tay vào đom đóm, miệng kêu không ngừng “xịt đùng”, thế nào một lát đom đóm cũng bay thấp xuống, chúng tôi chỉ việc bắt bỏ vào vỏ chai là có ngay một cái đèn rất đẹp. Ánh sáng ấy nhấp nháy cả trong những đôi mắt đen tròn. Đến khi cả bầy giải tán, trong đêm vẫn còn ánh sáng lấp lánh của đom đóm bay.

Đã lâu lắm rồi tôi không còn được trông thấy đom đóm. Bầy trẻ ngày nào lớn lên bận rộn mưu sinh, cũng không ai để ý đến loài đom đóm bé nhỏ kia nữa. Ao đầm bị lấp, lũy tre bị chặt, những cánh đồng sử dụng thuốc trừ sâu quá nhiều, không chỉ loài đom đóm mà một số loài khác cũng chịu ảnh hưởng của điều kiện sống thay đổi. Chẳng hạn loài cóc vốn quen thuộc với lũ trẻ miền quê.

Ngày xưa, chúng tôi chơi với đom đóm mỗi tối. Ảnh minh họa
Ngày xưa, chúng tôi chơi với đom đóm mỗi tối. Ảnh minh họa

Ngày xưa, cứ chập choạng tối là tôi thấy chúng nhảy ra bắt côn trùng đầy sân. Sau này côn trùng bị diệt, cóc không còn thức ăn nên cũng không còn thấy xuất hiện nữa. Giờ mà kể cho bé An nghe về “cậu ông trời”, có lẽ con cũng không biết con vật đó hình thù ra sao. Tôi chợt nghĩ đến Google. Chuỗi sinh học đa dạng của tự nhiên đang đứt dần rất nhiều mắt xích mỏng manh. Có rất nhiều sinh vật đã và đang đưa vào diện bảo tồn. Có khi nào người ta lập ra “khu bảo tồn đom đóm”, hay “khu bảo tồn cóc” không nhỉ?

Bé An rất thích tìm hiểu thế giới tự nhiên, nhưng chỉ có thể nhìn chúng qua sách báo. Vì vậy lần đầu tiên thấy đom đóm “bằng xương bằng thịt”, con vui lắm. Trong khi đom đóm thắp sáng lại cho tôi một vùng hoài niệm, thì cu cậu vẫn không rời mắt khỏi loài côn trùng kỳ lạ này.

“Mẹ bắt cho con nhé?”, An thích thú đề nghị. Tôi chần chừ một chút, rồi với tay nhẹ nhàng tóm lấy chú đom đóm: “Con xòe tay ra!”.

Trên đôi bàn tay nhỏ xíu của con, đom đóm với đôi cánh nâu nhạt trông thật nhỏ nhoi, với đốm sáng dưới bụng, lướt êm trên những ngón tay, rồi rung rung đôi cánh như muốn bay lên. “Đẹp quá mẹ ơi” - An thì thầm. “Được rồi, giờ con thả nó bay đi nhé. Con đưa tay ra ngoài cửa sổ đi” - tôi nhẹ nhàng bảo. “Con muốn nuôi nó” - An nhìn tôi, ánh mắt như van nài. “Không được đâu con, nó thuộc về thế giới ngoài kia”. An mở to mắt nhìn tôi, đôi mắt đầy vẻ tiếc nuối, nhưng rồi cậu cũng chầm chậm đưa tay ra ngoài cửa sổ. Chú đom đóm loạng choạng một hồi, rồi mất hút trong màn đêm.

Tôi biết ngày mai An lên trường sẽ khoe với các bạn là con đã được nhìn thấy, được chạm vào đom đóm thế nào, và ký ức con đã có hình ảnh về loài đom đóm ra sao. Nhưng làm sao để thế hệ của con, và sau con nữa, sẽ không chỉ biết đến một số loài vật tự nhiên chỉ qua trang sách hoặc Google? Tôi nghĩ ký ức chân thực ấy chỉ được khắc tạc từ cách mà người lớn chúng ta ứng xử với thiên nhiên hôm nay. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI