Nhiều loại hải sản tại bốn tỉnh miền Trung vẫn chưa an toàn

21/09/2016 - 06:15

PNO - Sáng 20/9, Bộ Y tế chính thức công bố kết quả kiểm nghiệm hải sản tại vùng biển xảy ra sự cố môi trường là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Sáng 20/9, Bộ Y tế chính thức công bố kết quả kiểm nghiệm hải sản tại vùng biển xảy ra sự cố môi trường là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Theo đó, sau khi Bộ Tài nguyên - môi trường công bố hiện trạng môi trường tại những khu vực biển này, Bộ Y tế đã lấy 1.040 mẫu hải sản ở tất cả các cảng cá, gò cá, thuyền đánh bắt cá… ở bốn tỉnh miền Trung.

Nhieu loai hai san tai bon tinh mien Trung van chua an toan
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng lấy mẫu hải sản tại ba tỉnh, thành không chịu ảnh hưởng của sự cố xả thải từ Formosa để đối chiếu, so sánh là Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Kết quả cho thấy, tất cả các mẫu hải sản tại bốn tỉnh miền Trung đều không có xyanua. Các chỉ số thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn theo quy định. Các kết quả xét nghiệm đối với hải sản tại các đầm nuôi cũng cho kết quả an toàn.

Tuy nhiên, quá trình kiểm nghiệm lại phát hiện có 132 mẫu ở khu vực bốn tỉnh miền Trung có chứa phenol, bao gồm các loại ghẹ, tôm, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá. Đây là các loại hải sản sống ở tầng đáy và các mẫu phát hiện dư lượng đều phân bổ trong vùng từ 2,7-13,5 hải lý.

Tỷ lệ nhiễm phenol cao nhất là ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, thấp nhất ở biển Lăng Cô - Thừa Thiên - Huế. Trong khi đó, các mẫu hải sản ở tầng nổi như cá ngừ, cá thu, các loại cá nục, cá chỉ vàng, cá bạc má… đều không phát hiện có phenol.

Từ kết quả trên, Bộ Y tế khẳng định tất cả các loại hải sản ở tầng nổi, hải sản tại đầm của bốn tỉnh miền Trung đều an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Còn với các loại hải sản sống ở tầng đáy (theo danh mục của Bộ NN-PTNT) ở trong vòng 20 hải lý, Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng.

Ngoài ra, UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng phân loại hải sản theo từng lô. Sở Y tế chỉ đạo lấy các mẫu theo lô và trả kết quả cho đơn vị được UBND trao nhiệm vụ. “Chỉ cho phép lưu hành lô sản phẩm sau khi đã được xét nghiệm an toàn. Đối với các lô không an toàn buộc phải tiêu hủy và đền bù theo quy định”, Bộ Y tế cho hay.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN-PTNT thực hiện chương trình giám sát định kỳ đối với các loại hải sản được khai thác ở bốn tỉnh miền Trung nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI