Hàng loạt người thân Bí thư Hà Giang làm quan: Cần làm rõ quy trình

20/09/2016 - 15:22

PNO - ''Các cơ quan ở Trung ương cần làm rõ quy trình đó thật sự có chọn được người tài hay không? Hay đó chỉ là hình thức, là lý do thôi.''

Những ngày gần đây, việc hàng loạt người thân của ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang giữ vị trí lãnh đạo tại các cơ quan ở địa phương đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.

Trao đổi với báo chí, ông Vinh khẳng định quy trình bổ nhiệm đối với những người này đều tuân thủ đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Bản thân ông cũng không cảm thấy vui khi những người trong gia đình mình được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo.

Bí thư Hà Giang cho biết thêm, việc bổ nhiệm, bầu người thân của ông làm cán bộ lãnh đạo các đơn vị trong tỉnh đã có ý kiến đề nghị từ năm 2006 nhưng ông đều đến tận nơi xin từ chối...

Hang loat nguoi than Bi thu Ha Giang lam quan: Can lam ro quy trinh
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh

Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Bá Sơn – ĐBQH Đà Nẵng cho rằng, việc dư luận nghi ngờ việc bổ nhiệm trên là có cơ sở. Bởi lẽ hiện nay, nhiều vị lãnh đạo đều đưa ra lý do đúng quy trình để biện minh cho việc cất nhắc, đề bạt cán bộ.

“Theo tôi, dư luận người ta nghi ngờ là có cơ sở. Khoan nói đến chuyện lòng tin, cái gì lạ, cá biệt thì dư luận có quyền đặt vấn đề và nghi ngờ. Câu chuyện quy trình, quy chế công khai minh bạch được quy định chung.

Tuy nhiên, về mỗi địa phương người ta đưa thành quy chế riêng và vận hành như thế nào lại là chuyện khác. Nếu quy trình một cách chung chung như thế thì ai cũng bảo đúng quy trình, có thấy ai sai đâu”, ông Sơn nói.

Ông Sơn khẳng định, ở Đà Nẵng không có nhiều trường hợp cán bộ là người nhà, người thân của lãnh đạo thành phố đảm nhận các chức vụ trong các cơ quan, ban ngành. Trên thực tế cũng có một số trường hợp như thế nhưng phần lớn được trưởng thành từ phong trào địa phương.

“Cũng có một vài trường hợp là con em các lãnh đạo. Tuy nhiên họ được học hành bài bản, kinh qua thực tiễn từ cơ sở họ đi lên bằng chính năng lực cá nhân và được sự tín nhiệm của cả cộng đồng. Ở nơi khác thì tôi không biết, ở Đà Nẵng thì không có câu chuyện như thế”, ông Sơn khẳng định.

Vị ĐBQH cho biết thêm, ở Đà Nẵng tất cả những câu chuyện liên quan đến việc cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ đều rất rõ ràng.

“Không phải tất cả trường hợp con em lãnh đạo giữ chức vụ đều là sai. Tuy nhiên cách giải thích như thế nào, có thuyết phục được người dân và công luận hay không thì lại là chuyện khác”, ông Sơn nhấn mạnh

Quy trình chỉ là lý do?

Cũng trao đổi về vấn đề bổ nhiệm người thân vào vị trí lãnh đạo các cơ quan, ông Dương Trung Quốc – ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tượng “cậy quyền cậy thế” hay dòng tộc đã xuất hiện từ lâu.

Bởi vậy, từ xa xưa những thế hệ đi trước đã có những cách để hạn chế những mặt tiêu cực đó, trước hết hình thành nhận thức xã hội, kể cả sự liêm sỉ của mỗi người giữa đạo đức xã hội. Ngoài ra nó cũng được đưa vào trong thể chế để áp dụng công khai.

“Ví dụ luật Hồi tỵ không chỉ có ở Việt Nam mà nó ảnh hưởng phần nào từ các nước phương Đông. Hồi tỵ là gì? Đó là những yếu tố phải tránh. Nó quy định rất rõ ràng. Thứ nhất, không được làm quan tại quê hương mình. Thứ hai là người phó không thể cùng quê, đồng hương với người đứng đầu. Thứ ba, không được làm quan tại nơi lấy vợ. 

Ngoài ra, không được mua bán bất động sản đất mình đang làm quan. Có rất nhiều yếu tố đó để người ta tránh lợi dụng mối quan hệ ấy hay cậy quyền lực của mình.

Nhưng cũng có nhiều trường hợp quy định cha truyền con nối trong triều Lê hay triều Nguyễn. Chẳng hạn như quan ngự y, cha con cùng làm quan cho nhà vua. Về những vấn đề kiểu này phải đi vào những trường hợp hết sức cụ thể để đánh giá”, ông Quốc phân tích.

Vị ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, khi dư luận nêu lên hiện tượng khách quan người này là họ hàng quan hệ thân cận với người kia tại Hà Giang thì các cơ quan chức năng có chuyên môn cần vào cuộc xem điều tra làm rõ vấn đề để người dân khỏi nghi ngờ.

“Trong trường hợp này khi đã đụng chạm đến người thân trong nhà thì lại càng phải thận trọng, quy trình bổ nhiệm lại càng phải chặt chẽ hơn nữa.

Các cơ quan ở Trung ương cần làm rõ quy trình đó thật sự có chọn được người tài hay không? Hay đó chỉ là hình thức, là lý do thôi. Từ đó có những kết luận rõ ràng trước nhân dân.

Việc này hết sức quan trọng vừa tránh tiêu cự vừa tránh rơi vào trường hợp người bổ nhiệm có năng lực nhưng bị rơi vào dư luận xã hội. Ta không được bỏ qua dư luận xã hội nhưng ta cũng phải tiếp cận những chuyện đó hết sức thận trọng”, ông Dương Trung Quốc nêu rõ.

Xuân Ái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI