Nhiều bài học quý khi “mắc kẹt”

05/06/2023 - 17:59

PNO - Bên cạnh gánh nặng khi trở thành thế hệ “bánh mì kẹp”, tôi nhận thấy mình cũng nhận được nhiều bài học quý khi “mắc kẹt” giữa 2 trách nhiệm.

 

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

“Sandwich generation” là thuật ngữ dùng để chỉ thế hệ đang gánh vách đồng thời trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già và nuôi con nhỏ. Bên cạnh những khó khăn, áp lực, tôi nhìn ra những điều quý giá dành cho tất cả thành viên trong gia đình khi mọi người đều là 1 phần của “ổ bánh mì”. 

Người ta thường nói hạnh phúc là cân bằng được 3 thứ: tiền bạc - thời gian - sức khỏe. Khi còn nhỏ, chúng ta có nhiều thời gian và sức khỏe nhưng lại thiếu tiền bạc. Khi về già, sức khỏe và tiền bạc xuống dốc, chỉ thời gian là dư thừa (chỉ là có nhiều thời gian trong 1 ngày, không còn nhiều thời gian sống với con cháu).

Thế hệ trong khoảng từ 30 đến 55 tuổi - thế hệ bánh mì kẹp như chúng ta - đang ở đỉnh cao của khả năng làm ra tiền bạc nhưng sức khỏe (tinh thần và thể chất) đang kém đi và thường bị cuốn theo những tất bật, luôn trong trạng thái không có thời gian. Nhưng khi cả 3 thế hệ này sống cùng nhau, dường như có thể cân bằng mọi thứ dễ dàng hơn.

Vợ chồng tôi đều đi làm văn phòng từ sáng đến chiều tối. Mẹ tôi ở nhà nhận làm gia công. Sẽ thực sự là một ngày dài quạnh quẽ đối với bà nếu không có con gái chúng tôi. Và vợ chồng tôi cũng sẽ cực kỳ khó xoay xở nếu không có bà đón cháu đi học về. Chúng tôi yên tâm khi ở nhà có bà có cháu. Xem camera, tôi thường thấy bà hí hoáy ở bếp, cháu nhỏ sau khi được tắm và thay đồ thì ngồi đọc truyện rồi 2 bà cháu ăn trưa, nghỉ trưa. Mỗi khi bà muốn với lấy đồ trên cao hoặc xỏ kim… sẽ có cô cháu nhỏ làm giúp. 

2 thế hệ đang cùng có nhiều thời gian trong ngày gắn kết lại. Bà cũng là người luôn đủ thời gian và vô cùng hào hứng với mọi câu chuyện của cháu. Con bé cũng rất vui dù nghe những câu chuyện lặp lại nhiều lần của bà. Khi sức khỏe của bà ngày càng yếu đi thì đã có cô cháu nhỏ trưởng thành hơn từng ngày đỡ đần.

Cũng sẽ rất tất bật nếu vợ chồng tôi phải đi chợ nấu nướng sau khi đi làm về nếu như không có bà ở nhà. Nhờ những bữa ăn đầy đủ, chúng tôi phục hồi năng lượng sau cả ngày làm việc. Nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, cơm nóng canh ngọt, con cái có người trông nom chăm sóc giúp, vợ chồng tôi tập trung làm việc để kiếm tiền, trang trải cho cuộc sống của 4 người trong gia đình. 

Không chỉ được chăm sóc thể chất, mẹ tôi còn là chỗ dựa tinh thần cho cả nhà. Người từng trải qua hạnh phúc hay những nỗi đau, mất mát hoặc thất bại sẽ mang đến góc nhìn giá trị hơn nhiều so với lý thuyết.

Khi cả 3 thế hệ sống cùng nhau, dường như có thể cân bằng mọi thứ dễ dàng hơn.  Ảnh gia đình 3 thế hệ của tác giả trong một lần cùng đi du lịch
Khi cả 3 thế hệ sống cùng nhau, dường như có thể cân bằng mọi thứ dễ dàng hơn. Ảnh gia đình 3 thế hệ của tác giả trong một lần cùng đi du lịch

Khi ai đó từng ở vị trí của bạn tin rằng bạn có thể làm được, điều đó sẽ tạo ra sự tự tin không thể tìm thấy ở sự hỗ trợ của những người chưa từng trải. Khi tôi mất việc và cần học thêm chuyên ngành khác để thích ứng với xu thế mới, mẹ là người động viên tôi cố gắng vì trước đây bà từng trải qua chuyện tương tự. Bà cũng giúp tôi quán xuyến việc gia đình để tập trung cho những thay đổi ở thời kỳ bước ngoặt khó khăn. Được khuyến khích và được trợ giúp bởi người mình tôn trọng, tôi có thêm dũng khí để tiến bước.

Khi vừa kết hôn, tôi từng trải qua giai đoạn khủng hoảng hôn nhân những tưởng sẽ phải ly hôn. Tôi tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn và tham gia các câu lạc bộ. Rồi tôi nhận ra rằng trò chuyện với mẹ, có mẹ dõi theo và uốn nắn trong mọi cách hành xử thiết thực hơn nhiều. Không phải vì mẹ đã xây dựng gia đình hạnh phúc mà là vì mẹ từng đổ vỡ và mẹ không muốn tôi cũng như thế. 

Bên cạnh những ngày bình yên cảm nhận miếng “nhân” ngon lành của “ổ bánh mì kẹp”, cũng có những ngày khó khăn. Có lần con gái tôi gọi điện thoại nói bà sốt, nôn mửa và tiêu chảy nhiều, tôi phải chạy về từ cơ quan chở cả 2 bà cháu đi bệnh viện cấp cứu. Vì bệnh viện không cho trẻ em vào nên tôi đành gửi con ở phòng bảo vệ, đưa bà vào cấp cứu rồi chở bé về nhà chờ chồng về trông con mới chạy vào viện trở lại với mẹ.

Còn nhớ đợt COVID-19, 2 bà cháu bệnh nặng, vợ chồng tôi vừa thay phiên chăm sóc 2 người vừa phải đảm bảo công việc cơ quan. 

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

Thuật ngữ “bánh mì kẹp” ra đời vài năm gần đây nhưng câu chuyện về trách nhiệm cùng lúc chăm sóc cha mẹ và con cái của người trưởng thành đã có từ bao đời. Người xưa vẫn nói “Tam đại đồng đường” là đại phúc. Tôi hiểu rằng đây là sự chuyển dịch vai trò. Thế hệ vợ chồng tôi trước đây cũng từng là những đứa trẻ được cha mẹ làm lụng kiếm tiền nuôi ăn học, ông bà chăm sóc dạy dỗ, giờ thì chuyển dịch vai trò trở thành người chăm sóc cha mẹ, con cái. 

Nhiều người bảo vợ chồng tôi rằng bây giờ chưa thấy gì đâu nhưng vài năm nữa sẽ thấm đòn áp lực khi bà già yếu hơn. Đến đâu hay đến đó vậy.

Khi còn nhỏ, tôi thường có cảm giác thời gian trôi chậm vì tôi luôn nóng lòng muốn làm việc của người trưởng thành. Nhưng, khi trưởng thành, tôi thấy thời gian trôi qua nhanh chóng đến nỗi không kịp làm nhiều điều. 

Già đi là một phần tự nhiên của cuộc sống và việc ở cạnh những người từng trải qua nhiều giai đoạn trong cuộc đời nhắc nhở tôi cần chuẩn bị gì cho cuộc sống ngày mai. 

M.Mộc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI