Nhiễm khuẩn là nguyên nhân gây chết người thứ 2 trên toàn thế giới

22/11/2022 - 11:32

PNO - Nhiễm trùng do vi khuẩn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trên toàn thế giới, chiếm 1/8 tổng số ca tử vong vào năm 2019.

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Lancet, đã xem xét các trường hợp tử vong do 33 mầm bệnh vi khuẩn phổ biến và 11 loại nhiễm trùng trên 204 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các mầm bệnh có liên quan đến 7,7 triệu ca tử vong, chiếm 13,6% tổng số ca tử vong toàn cầu vào năm 2019, một năm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Các mầm bệnh có liên quan đến 7,7 triệu ca tử vong vào năm 2019, một năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. ẢNH: EPA-EFE
Các mầm bệnh có liên quan đến 7,7 triệu ca tử vong vào năm 2019, một năm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. ẢNH: EPA-EFE

Nhiễm khuẩn trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai sau bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Có 5 trong số 33 vi khuẩn chiếm đến một nửa số ca tử vong đó: Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Streptococcus pneumoniae, Klebsiella pneumoniaePseudomonas aeruginosa.

S. aureus là một loại vi khuẩn phổ biến trên da và lỗ mũi của con người nhưng lại gây ra hàng loạt bệnh tật, trong khi E. coli thường gây ngộ độc thực phẩm.

Nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ "Gánh nặng bệnh tật toàn cầu", một chương trình nghiên cứu rộng lớn do Quỹ Bill và Melinda Gates tài trợ với sự tham gia của hàng nghìn nhà nghiên cứu trên khắp thế giới.

Đồng tác giả nghiên cứu Christopher Murray, giám đốc Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết: “Những dữ liệu mới này lần đầu tiên tiết lộ toàn bộ mức độ thách thức đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu do nhiễm vi khuẩn gây ra".

Nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng nghèo và giàu. Ở châu Phi cận Sahara, có 230 ca tử vong trên 100.000 dân do nhiễm vi khuẩn. Con số đó đã giảm xuống còn 52 trên 100.000 dân trong nghiên cứu được gọi là “siêu khu vực có thu nhập cao” bao gồm các quốc gia ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Úc.

Các tác giả kêu gọi tăng cường tài trợ, bao gồm cả vắc-xin mới, để giảm số ca tử vong, đồng thời cảnh báo chống lại “việc sử dụng kháng sinh không chính đáng”.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rửa tay là một trong những biện pháp được khuyến cáo để ngăn ngừa nhiễm trùng. 

Trọng Trí (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI