Nhà thiết kế Bích Sơn: Lối riêng nhỏ với thời trang bền vững

06/03/2021 - 06:35

PNO - “Hoa cỏ khi tàn phai vẫn mang trong nó những vẻ đẹp rực rỡ và độc bản. Tôi thấy thật tiếc nếu mình phải bỏ đi” - Bích Sơn mở đầu câu chuyện đưa chị đến với thời trang bền vững.

“Bền vững là xu thế tất yếu”

Bích Sơn không phải tay ngang trong nghề, càng không phải là cái tên lạ hay mới ở thị trường thời trang Việt Nam. Chị đã đi một quãng khá dài, gắn bó với nhiều thương hiệu danh tiếng trong và ngoài nước, đủ để hiểu quy trình vận hành của các mẫu thiết kế từ lúc lên ý tưởng đến khi thành hình, đến tay người tiêu dùng; đủ nhạy bén để nắm bắt tâm lý khách hàng, nhu cầu thị trường; cũng như đủ kiến thức để kiểm soát được khâu nguyên liệu để cho ra những sản phẩm bền đẹp, thân thiện với môi trường.

Tốt nghiệp khoa Mỹ thuật công nghiệp trường đại học Kiến trúc TP.HCM vào năm 2003, Bích Sơn trở thành nhà thiết kế chính cho hai thương hiệu quốc tế hàng đầu Việt Nam thời điểm đó là SxS và Sống của nhà thiết kế người Pháp Valerie McKenzie. Sau khóa học chuyên sâu về thời trang tại Raffles Design Institute, Singapore, Bích Sơn trở về Việt Nam, đầu quân về Valenciani, một thương hiệu thời trang cao cấp của Việt Nam.“Không chỉ học được kinh nghiệm thực tiễn trong quy trình vận hành một thương hiệu, tính thẩm mỹ trong mỗi thiết kế, tôi còn học được phong cách sống từ những nơi mình từng làm việc”

"Giữa một thị trường mà không ít thương hiệu tự khoác lên cái mác bền vững để trấn an người tiêu dùng, tôi nghĩ giá trị thật nhất là hãy xem thương hiệu ấy đã ứng dụng những gì để tạo ra sản phẩm"    

Nhà thiết kế Bích Sơn

Bích Sơn thú nhận, chị chưa từng có ý định một ngày sẽ ra mắt thương hiệu thời trang riêng, vì chị hiểu rõ sự vất vả để một thương hiệu tìm được chỗ đứng. Không phải chị ngại khó, chỉ là chưa sẵn sàng. Hơn thế nữa, công việc tại các hãng thời trang đủ đảm bảo cho chị cuộc sống thong dong về tài chính, thoải mái về sáng tạo, được làm những điều chị yêu thích. Vậy nên, San Design là thành quả chín mọng sau bao ấp ủ của Bích Sơn, là dấu kết của việc “cần phải làm một cái gì đó” thay vì chạy theo khái niệm bền vững đang thịnh hành và trở thành mốt.

“Thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất nhì trên thế giới, vậy nên, tôi luôn tự nhủ mình phải làm một điều gì đó với nghề mà tôi theo đuổi. Vẫn tung ra sản phẩm, đóng góp vào sự phát triển của ngành đồng thời không tác động quá nhiều vào môi trường chúng ta đang sinh sống” - Bích Sơn chia sẻ.
“Một lý do khác thôi thúc tôi chọn hướng phát triển bền vững chính là tình yêu của tôi với cây cỏ, thiên nhiên. Khi nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng, đã có một khoảng thời gian người ta phải thúc đẩy sản xuất, tung ra thị trường những sản phẩm nhanh, rẻ, bắt mắt. Hệ quả như chúng ta có thể thấy hiện tại. Thói quen đó đang dần được thay đổi. Và lý do cuối cùng, có lẽ, xuất phát từ tâm lý tuổi thơ tôi với quan điểm sống “ăn chắc mặc bền”, ảnh hưởng từ chính gia đình mình” - Bích Sơn bộc bạch.

Với nhà thiết kế Bích Sơn, một sản phẩm  thời trang phụ kiện phải vừa tiện nghi vừa  thoải mái đồng thời vẫn bền về mặt chất liệu, dễ bảo quản và có giá thành phải chăng
Với nhà thiết kế Bích Sơn, một sản phẩm thời trang phụ kiện phải vừa tiện nghi vừa thoải mái đồng thời vẫn bền về mặt chất liệu, dễ bảo quản và có giá thành phải chăng

Eco-printing và góc nhìn mới về thời trang bền vững

Năm 2019, San Design Garden by Bích Sơn ra đời. Giữa những cái tên bền vững nổi trội tại thị trường Việt Nam, San Design vẫn có chỗ đứng riêng biệt, ghi dấu ấn trong lòng người yêu thời trang. Bên cạnh nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên như cotton, linen, dupioni, hemp, silk habotai, silk sateen… cho quần áo, khăn choàng, khẩu trang…; gỗ, sợi đay, mây, cói, sợi tơ chuối cho giày, nón và các loại phụ kiện, San Design còn ứng dụng kỹ thuật eco-printing tạo nên những hoa văn độc bản, bền màu. Đây là kỹ thuật in hoa văn từ lá cây, hoa cỏ lên bề mặt chất liệu bằng chất cầm màu tự nhiên mà không cần thêm bất cứ công đoạn xử lý tốn kém nào từ hóa chất hay nước thải nhờ đó, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất cũng như giảm thiểu lượng nước hóa chất thải vào môi trường.

Một sản phẩm của San Design Garden được thực hiện  theo kỹ thuật  eco-printing
Một sản phẩm của San Design Garden được thực hiện theo kỹ thuật eco-printing

Tại Việt Nam hiện đã xuất hiện một vài thương hiệu thời trang chọn nhuộm từ nguồn chất liệu tự nhiên. Một vài nhà sản xuất vải chuyên nghiệp cũng bắt đầu quan tâm đến hình thức nhuộm này và gặt hái được thành công như dùng màu đỏ của quả thanh long để nhuộm. Tuy nhiên, hình thức eco-printing như vừa miêu tả ở trên khá mới, vì đòi hỏi nhiều dụng công và mất rất nhiều thời gian.

“Eco-printing đòi hỏi sự kiên nhẫn của người thực hiện để bảo đảm họa tiết in ra không bị lem hoặc đen, làm hỏng vải. Hơn thế nữa, khi chuẩn bị in, người thiết kế phải tính toán chuẩn xác đường cắt may để họa tiết được như ý muốn và hạn chế thấp nhất lượng vải thừa thải ra” - Bích Sơn chia sẻ. Tất nhiên, để đi đến thành công như hiện tại, Bích Sơn đã phải thử nghiệm và thất bại nhiều lần. “Nhìn thấy thành quả và chứng minh được tính khả thi của nó, tôi thực sự rất hạnh phúc”. Cô chọn một lối đi nhỏ và hẹp nhưng kiên trì với lối đi đó, biết rõ mình đang cần gì, muốn gì và sẽ làm những gì trong bối cảnh có quá nhiều thứ khiến người ta dễ dàng xao nhãng.

Mục tiêu và cũng là điểm tạo nên sự khác biệt của San Design Garden so với các thiết kế bền vững là công năng của sản phẩm: vừa tiện nghi, vừa thoải mái, đồng thời vẫn bền về mặt chất liệu và dễ bảo quản (có thể giặt máy), với giá thành phải chăng. “Với các yếu tố mát, mỏng, nhẹ, thấm hút tốt, thích hợp với tiết trời nóng ẩm của Sài Gòn, việc đưa sản phẩm đến gần hơn với công chúng là mục tiêu của tôi trong tương lai”, nhà thiết kế Bích Sơn chia sẻ. Bích Sơn cho biết, để thực tế hóa mục tiêu này, các thiết kế tiếp theo của San Design Garden sẽ trẻ trung hơn, đa năng hơn, để người mặc có thể ứng dụng trong các môi trường khác nhau.

Lê Phan

*San Design Garden là cái tên mới toanh trong làng thiết kế nhưng những sản phẩm đầu tiên đã lập tức gây ấn tượng. Không chỉ kỹ thuật nhuộm eco-printing, các chất liệu mà San Design Garden sử dụng đều có nguồn gốc tự nhiên. Cotton, line, dupioni, hemp, silk habotai, silk sateen... cho quần áo, khăn choàng, khẩu trang...; gỗ, sợi đay, mây, cói, sợi tơ chuối cho giày, nón và các loại phụ kiện.

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI