Nhà có 1 “ông nghè” là đủ?

07/12/2022 - 06:23

PNO - Các cặp vợ chồng trí thức thường được cho là dễ tìm thấy tiếng nói chung trong cuộc hôn nhân, vì đôi bên đều hiểu biết. Tuy nhiên, tình cảm vợ chồng không phụ thuộc vào bằng cấp, chất lượng giao tiếp vợ chồng không dựa vào chuyện học nhiều.

Phải bằng chồng người ta 

Sau 10 năm, chị Thanh Thảo (giảng viên 1 trường đại học tại Hà Nội) vẫn chưa hết ngẩn ngơ vì quyết định ly hôn với anh Minh Sơn (hiện là giảng viên 1 trường đại học tại TPHCM). 

Cùng nhận được học bổng sang Đức thực hiện nghiên cứu sinh năm 2008, anh chị từng có 1 mối tình xa xứ tuyệt đẹp, ấp ủ nhiều hoài bão về sự nghiệp. Năm 2012, sau khi cùng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, họ quyết định kết hôn. Khi báo tin vui hoài thai, chị Thảo năn nỉ chồng về Việt Nam, họ cùng được tiếp nhận vào làm giảng viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Gia cảnh quê nhà của anh Sơn ở miền Trung khá vất vả, về định cư ở Hà Nội hoàn toàn nương tựa vào bố mẹ vợ, tuy không thoải mái nhưng anh sẵn lòng giành hết công việc chăm bẵm con thơ để chị Thảo hồi phục sức khỏe và tiếp tục nghiên cứu khoa học chuyên sâu, nhằm thăng tiến trong nghề nghiệp. 

Không hiểu cho tình thế của chồng, chị Thảo hối thúc anh Sơn phải nghiên cứu nhiều đề tài trọng điểm hơn nữa, phấn đấu để nhanh đạt được học vị phó giáo sư như “chồng nhà người ta”. Từ tiếng bấc tiếng chì rồi số lần cự cãi tăng nhanh chóng mặt, anh Sơn quá mệt mỏi và mất phương hướng, trong khi chị Thảo cảm thấy “chán ghét” chồng vì sự trì trệ và kém cỏi. Anh Sơn quyết định vào TPHCM để tìm sự thay đổi, chị Thảo tự ái viết đơn ly hôn. Họ rời xa nhau trong sự ngỡ ngàng của người thân và bạn bè đồng nghiệp. Giờ đây, chị Thảo đã có được học vị phó giáo sư như mơ ước, nhưng chị 1 mình nuôi con và mãi trăn trở vì quyết định ly hôn ngày nào.

Vợ chọn lùi lại

Anh Ngọc Thuấn và chị Minh Nguyệt bén duyên vợ chồng khi cùng xin về công tác tại 1 trường THCS ở TPHCM. Với ý chí phấn đấu không mệt mỏi, anh Thuấn đã có được học vị tiến sĩ và được tiếp nhận làm giảng viên của 1 trường đại học ở TPHCM. Chị Nguyệt từng là sinh viên xuất sắc của ngành sư phạm toán, từng nuôi dưỡng khát vọng tiếp tục được học cao hơn nữa.

Thế nhưng, chị an phận với tấm bằng cử nhân, lùi về trở thành hậu phương cho chồng, chăm sóc con, chi tiêu tiết kiệm vun vén tích lũy kinh tế. Nhiều lúc nhìn thấy chồng được đi rất nhiều nơi để thỉnh giảng, báo cáo các đề tài, bài viết khoa học; mong ước công danh lại trỗi dậy mãnh liệt, chị trở nên cáu bẳn, giận dỗi, tủi thân vì vị trí thấp kém hơn chồng.

Sau 6 năm chờ đợi chồng lấy được tấm bằng tiến sĩ kinh tế từ Mỹ, chị Ngọc Hoa quyết định rời bỏ vị trí giảng viên tại Trường đại học Tây Nguyên theo chồng xuống TPHCM tìm cơ hội phát triển.

Anh Nguyễn Hùng (chồng chị Hoa) đã có sự biệt đãi xứng đáng tại 1 trường đại học ở TPHCM. Tuy có bằng thạc sĩ ngành hóa, chị Hoa lại không dễ xin được công việc ổn định, thu nhập tốt. Chị đành ở nhà làm bà mẹ nội trợ, đưa rước con và chăm sóc bố mẹ chồng trong căn hộ chung cư. Chị rất nhớ giảng đường, nhớ cảnh sống thanh bình ở Buôn Ma Thuột. Đối diện với áp lực kinh tế và sự chi tiêu quá lớn, chị Hoa lén giấu chồng chấp nhận làm gia sư dạy học trong khu chung cư để bớt xin tiền chồng. 

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

Chồng tiến trước, vợ bước theo sau 

Khi lựa chọn kết hôn cùng chung giới trí thức, cùng chung ngành nghề giảng dạy tại các trường phổ thông/cao đẳng/đại học, vấn đề học tập và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ được đặt ra một cách bức thiết. Hầu hết người chồng, với bản chất giới được ngầm định tự hàng ngàn năm nay, là sẽ xông pha tiến lên học tập trước để đạt được học hàm, học vị.

Theo đó, người vợ sẽ lùi lại phía sau, phần vì kinh tế không cho phép cả 2 cùng đi học, phần vì “thiên chức phụ nữ” và hạn định của cộng đồng chung thường áp chế rằng vợ không “được phép” học cao hơn và giỏi hơn chồng về bằng cấp.

Có nhiều anh chồng sau khi đạt được học vị, học hàm cao, tỏ rõ ý chí ngăn cản vợ tiếp tục học lên. Lý do được họ đưa ra để giải thích với vợ thường là: gia đình chỉ cần 1 “ông nghè” là đủ, chồng sẽ phát huy bằng cấp để kiếm tiền, vợ có học thêm cũng lãng phí, tốn kém; rồi vợ chồng cùng học vị tiến sĩ sẽ dẫn đến nhiều bất đồng trong “tranh luận khoa học”. Trong trường hợp này, người vợ đành ngậm ngùi chấp nhận hiện trạng, khép lại ước vọng học tập.

Tuy nhiên, ở bình diện khác, người vợ thông minh sẽ có nhiều lý lẽ để thuyết phục người chồng về quyết định nâng cao bằng cấp, chuyên môn. Người vợ cần được học cao, bởi khoa học không thể phủ nhận sự bình đẳng về nhận thức và trí tuệ của nữ giới.

Nhiều phụ nữ đã chứng tỏ được khả năng quản lý, lãnh đạo và bằng cấp bổ sung là sự hoàn thiện trong sự nghiệp của người đó. Người mẹ phấn đấu học tập chuyên sâu chắc chắn là tấm gương trực tiếp cho con cái noi theo…

Không ít người đàn ông văn minh luôn cổ vũ vợ thăng tiến. Anh Sơn ở câu chuyện trên là 1 ví dụ. Giờ đây, anh đã có 1 tổ ấm mới ở TPHCM nhưng vẫn không nguôi niềm ưu tư về chuyện cũ. Nhường cho chị Thảo tiến lên phía trước vào thời điểm ấy, anh đã gạt bỏ hết mọi lời gièm pha của đồng nghiệp là kém hơn vợ.

Thời điểm bấy giờ, với anh, giấc ngủ và bữa ăn đúng giờ của đứa con đầu lòng mới là điều quan trọng hơn bằng cấp, học vị. Hiện anh cũng đã có học hàm phó giáo sư, anh nghĩ giá như ngày xưa chị Thảo đừng quá hiếu thắng thì con trai đầu lòng của anh đã được chăm sóc và trưởng thành trong vòng tay yêu thương của cả ba và mẹ.

Ảnh mang tính minh họa - Katemangostar
Ảnh mang tính minh họa - Katemangostar

Những câu chuyện trên, nhìn bề ngoài có thể đây chỉ là chuyện nhỏ, vì các cá nhân ấy chưa tự sắp xếp tốt về phân vai và vì kinh tế từng gia đình còn khó khăn. Thế nhưng rõ ràng, kiềm tỏa người phụ nữ được học thêm cũng chính là sự vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới.

Trong hành trình dài hôn nhân, chắc chắn mỗi cặp vợ chồng phải tương trợ nhau để cùng phát triển. Có người tiến lên trước, có người bước theo sau. Người vợ, khi được chồng yêu thương tạo điều kiện để vượt lên cũng đừng xem thường chồng và chú ý để tìm cách tiếp tục nâng chồng lên một vị thế mới. 

Nguyễn Vinh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI