Người thân không phải là nơi trút giận

01/02/2023 - 06:31

PNO - Những bất đắc chí trong công việc, với sếp, với khách hàng, chị chọn chồng con như một nơi trút bỏ.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quốc Anh năm nay học lớp Bốn. Dưới cậu là Mi Mi, em gái năm nay học lớp Một. Hôm đó, Quốc Anh đi học về, thay đồ và ngồi xuống sàn chơi với em. Ban đầu cả hai đều vui vẻ, một lát sau nảy sinh xung đột.

Khi cô em bắt đầu hét lên và dùng nước mắt làm “vũ khí chiến đấu”. Quốc Anh bỗng nổi khùng, ném vỡ đồ chơi của em rồi vào phòng đóng sầm cửa lại.

Đang chuẩn bị bữa tối, chị Minh nghe tiếng bọn nhỏ cự cãi, bước ra xem đã thấy tan hoang như bãi chiến trường. Chị dỗ cho Mi Mi nín khóc, rồi đợi cơn thịnh nộ của con trai lắng xuống, chị từ tốn gõ cửa phòng con. Chị không lên án hành động của con ngay mà chọn giải pháp “đi đường vòng”.

Chị khẽ khàng nói nhỏ với Quốc Anh: “Nếu con đến nhà bạn con chơi, nhà bạn cũng có em nhỏ mà con hành xử như vậy thì mẹ lo lắm. Điều đó chẳng những ảnh hưởng đến sự an toàn của em bạn mà mẹ của bạn con có thể sẽ không cho con trai của cô ấy tiếp tục chơi với một người bạn cục tính như thế”.

Quốc Anh lên tiếng trấn an: “Không mẹ ơi, đến nhà bạn con đàng hoàng lắm. Khi em trai của bạn quậy, con từ từ giải thích và nhượng bộ chứ không đập đồ. Vì nếu con khùng lên, mẹ của bạn con sẽ không cho con đến nhà nữa”.

Chị Minh thở phào, điều lo lắng của chị đã không xảy ra. Chị tiếp tục trao đổi với con: “Con đã biết nếu con không kiềm chế được cảm xúc, con sẽ phải nhận những hình phạt. Vậy sao với em gái của con, con không thể xử đẹp như thế?”.

Thấy con trai im lặng, chị Minh biết cuộc nói chuyện giữa hai má con đã đạt hiệu quả. Chị để con tự suy ngẫm trong phòng, và chị cũng nhìn lại mình.

Chị là một chuyên viên tư vấn bán hàng. Chị có thể kiên nhẫn hàng giờ ngồi nghe khách hàng trình bày nhu cầu của họ, sau đó dốc hết cái tâm và kinh nghiệm nghề nghiệp đưa ra cho khách hàng những lời khuyên hợp lý nhất. Với khách hàng, với đồng nghiệp, chị có thể mềm mỏng nhẹ nhàng thì với chồng con, chị còn có thể dịu dàng hơn thế chứ? Nhưng đôi khi chồng con chị phải hứng chịu sự cay nghiệt của chị.

Đó là khi sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, chị vượt qua 10 cây số tắc đường và về nhà với vẻ mặt cau có. Những bất đắc chí trong công việc, với sếp, với khách hàng, chị chọn chồng con như một nơi trút bỏ. Họ nhìn vẻ mặt của chị và đoán ra cơ sự, chỉ im lặng và răm rắp làm theo những “mệnh lệnh” của bà chủ.

Rồi khi dịu lại, chị thấy mình vô lý. Chồng con, người thân trong gia đình tuyệt nhiên không thể là cái thùng trút giận. Họ xứng đáng được yêu thương. Họ là những người yêu quý chị vô điều kiện, không đưa ra sự trừng phạt với chị nên chị cho mình cái quyền thỏa cơn như vậy. Nếu đem vẻ mặt cau có và sự bất đắc chí ra hành xử với khách hàng và với đồng nghiệp, cái kết sẽ thế nào, chị tự biết rõ. 

Hiểu ra được như vậy, chị không còn nặng lòng với cách hành xử của con trai nữa.

Sau bữa cơm, chị sẽ nhẹ nhàng tâm sự với con nhiều hơn và tuyệt nhiên không nhắc lại lỗi lầm. Vì chị biết, cả chị và con sẽ phải tự kỷ luật với bản thân để tiến bộ hơn. 

Minh Thuật

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI