Người nhà với nhau, cứ cãi cho tận nguồn cơn

13/06/2017 - 13:53

PNO - Đừng nhìn bên ngoài mà đánh giá rằng, à, gia đình nhà A, B, C gì đó không bao giờ to tiếng. Đó là sai lầm lớn

Nếu anh em tôi cãi nhau, mẹ tôi không can ngăn mà lại nói: “Chúng con cứ cãi đi, cãi cho tường tận nguồn cơn. Nhưng nhớ chỉ ở mức tranh luận, nói lý lẽ chứ không được đánh nhau”. 

Khi chúng tôi đôi co, mẹ ngồi đó nghe. Sau khi chúng tôi nói xong, bắt đầu mẹ “phỏng vấn”. Ai đúng, ai sai sẽ rõ trắng đen sau những câu hỏi hóc búa của mẹ (mẹ là luật sư mà). Người nào sai phải chủ động xin lỗi và làm hòa, không đợi mẹ nhắc nhở.

Nguoi nha voi nhau, cu cai cho tan nguon con
Mẹ luôn yêu thương các con. Ảnh minh họa.

Nếu ai cố chấp ôm khư khư cái sai của mình mà cãi bướng, mẹ hỏi: “Nếu con chắc rằng sẽ suốt đời không nói chuyện với anh em của mình thì mẹ tôn trọng quyết định của con”. Chỉ vỏn vẹn một câu nói ấy thôi đã làm anh em chúng tôi khựng lại.

Mỗi người một ý, nên chuyện cãi vã là điều xảy ra thường xuyên trong mọi gia đình, dù nền nếp cách mấy thì cũng phải có đôi lần “đại chiến”. Đừng nhìn bên ngoài mà đánh giá rằng, à, gia đình nhà A, B, C gì đó không bao giờ to tiếng. Đó là sai lầm lớn.

Chẳng những chúng tôi mà ngay cả bố mẹ cũng nhiều lần tranh luận nảy lửa với nhau. Những lần ấy, chúng tôi mới hiểu hết sự nhẫn nhịn của mẹ. Biết tính bố “nóng bất chợt” nên mẹ chỉ nói vài câu rồi bỏ đi làm chuyện khác. Đợi khi bố dịu xuống, lúc ấy bố mẹ mới có cuộc trò chuyện riêng. 

Thường thì bố là người xin lỗi trước. Nhưng thỉnh thoảng mẹ cũng chủ động xin lỗi khi thấy mình sai. “Ai cũng có những sai lầm nhất định, vì vậy mà từ điển mới có từ xin lỗi”, mẹ bảo thế. Kết thúc câu chuyện, mẹ hay vuốt vai bố như là cách xoa dịu cảm xúc, tạo sự gần gũi, không xa cách nhằm hàn gắn những tổn thương vừa qua.

Mẹ nấu ăn khéo và đặc biệt nhất là biết cách thay đổi món ăn, cách trình bày và “biến hóa” sao cho hợp khẩu vị từng người nhưng không tốn kém. Thường thì mẹ hay lên thực đơn trong tuần. Sau một tháng  xoay vòng, mẹ thay đổi tiếp để tránh nhàm chán. Mẹ nói: “Nấu ăn ngon rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là nấu sao cho tiết kiệm mà ai cũng có món ưng ý”.

Một tuần mẹ dành ra một ngày chủ nhật để nấu một bữa như kiểu buffet, tức phục vụ cho mỗi thành viên một món yêu thích (kể cả mẹ). Mẹ làm chỉ vừa đủ ăn để tạo cảm giác ngon, thèm mà còn ăn lần sau, lần sau nữa.

Những bữa khác trong tuần, mọi thành viên đều tuân thủ theo thực đơn. Tuy nhiên, đó là trên nguyên tắc. Nếu hôm ấy nguyên liệu không tươi hoặc có khách thì mẹ sẽ thay đổi thực đơn đột xuất. Mẹ không bao giờ để cho bố và chúng tôi phải ngán ngẩm khi vào bàn ăn.

Mẹ còn biết rõ phong cách sống của từng người, như ai nghe nhạc gì, thích mặc trang phục màu gì, thích xem phim nào, đọc sách loại nào… Vì thế mà anh em chúng tôi luôn nhận được những món quà sinh nhật vừa ý từ mẹ. Bố cũng không là trường hợp ngoại lệ. Có những món quà mẹ tặng, bố thích đến nỗi chỉ để dành ngắm chứ không nỡ đem ra dùng.

Dù mẹ đã về hưu, thôi không còn là một bà luật sư đanh thép ở tòa án, nhưng hễ gia đình nào trong khu phố có cãi vã là mẹ tìm tới. Tổ trưởng Tổ hòa giải hôn nhân gia đình trong khu phố, chức danh bé mọn ấy, mẹ rất thích. Cảm giác san sẻ những kinh nghiệm, bí quyết hạnh phúc của gia đình mình cho người khác thật thích thú, mẹ nói với tôi như vậy.

Vui hơn khi những đám tiệc trong khu phố đều có sự hiện diện của mẹ. Người ta không thuê thợ nấu, không đặt nhà hàng mang lại vì ai cũng cho rằng mẹ khéo làm bánh, nấu món, kể cả việc tiết kiệm trong thời buổi vật giá leo thang. Tổ ấm của chúng tôi không lạnh là nhờ mẹ. 

Đặng Trung Công

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI