Người lao động ngại quay lại làm việc vì thói quen giãn cách

22/04/2022 - 06:41

PNO - Thị trường lao động dần sôi động sau đại dịch. Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hút nhân viên do ảnh hưởng bởi giãn cách kéo dài, giá cả sinh hoạt tăng cao khiến họ ngại đi làm trở lại.

Tính ì giãn cách và tiết kiệm chi tiêu

Hàng triệu công nhân Mỹ bỏ việc trong đại dịch hiện chưa tái gia nhập thị trường lao động, với lý do lo ngại về nguy cơ lây nhiễm các biến thể COVID-19. Theo Khảo sát về thái độ làm việc và phân bổ lao động (SWAA), tính đến đầu năm 2022, Mỹ thiếu khoảng 3,5 triệu lao động so với trước đại dịch. Hơn 10% người Mỹ nói rằng họ sẽ tự tiếp tục giãn cách xã hội sau khi đại dịch kết thúc, và 45% khác chọn làm việc từ xa.

Nicholas Bloom - giáo sư kinh tế tại Đại học Stanford (Mỹ) - nhận định: “Thói quen giãn cách xã hội kéo dài sau đại dịch có thể tồn tại thêm nhiều tháng hoặc nhiều năm nữa”.

Sau đại dịch, nhiều người lao động vẫn ngại quay lại làm việc trực tiếp do thói quen giãn cách và nỗi lo chi phí sinh hoạt ở địa phương nơi mình làm việc đắt đỏ - ẢNH: NEW YORK TIMES
Sau đại dịch, nhiều người lao động vẫn ngại quay lại làm việc trực tiếp do thói quen giãn cách và nỗi lo chi phí sinh hoạt ở địa phương nơi mình làm việc đắt đỏ - Ảnh: New York Times

Jose Maria Barrero - trợ lý giáo sư tài chính tại Đại học Instituto Tecnológico Autónomo de México (Mexico) - cho biết, việc tự “giãn cách xã hội kéo dài” này phổ biến hơn ở phụ nữ, người lớn tuổi, những người ít học và người có thu nhập thấp. 

Bên cạnh nỗi lo về xu hướng giãn cách xã hội kéo dài, tình trạng lạm phát khiến giá cả tăng cao cũng khiến người lao động cảm thấy sốc khi quay lại nơi làm việc. Chi phí cho thói quen hằng ngày - đi lại, cà phê sáng, ăn trưa - hiện đắt hơn nhiều so với trước đại dịch.

Khi Công ty phần mềm bảo mật KnowBe4 (trụ sở tại Florida, Mỹ) cân nhắc xem có nên yêu cầu nhân viên quay trở lại văn phòng hay không, các giám đốc điều hành đã xem xét tăng tính linh hoạt trong công việc, thêm thời gian di chuyển. Nhưng những tháng gần đây, một loạt lo lắng mới xuất hiện, đó là chi phí nhiên liệu và thực phẩm ngày càng tăng, đặc biệt bởi công ty tọa lạc tại một trong những khu đô thị phát triển cao.

Ngoài ra, nhiều chi phí sinh hoạt khác, bao gồm cả chăm sóc trẻ em, khiến các nhân viên muốn tiếp tục làm việc ở nhà để tiết kiệm chi tiêu. 

Vào tháng Một, KnowBe4 đã thông báo cho khoảng 1.500 nhân viên rằng hầu hết có thể làm việc từ xa vô thời hạn. Giá tiêu dùng trong tháng Ba tại Mỹ cao hơn 8,5% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ năm 1981.

Becky Frankiewicz - Chủ tịch ManpowerGroup với hơn 4.500 văn phòng toàn cầu - chia sẻ: “Giá sinh hoạt đắt đỏ là một rào cản lớn. Mọi người đã sẵn sàng trở lại làm việc nhưng họ đang tự hỏi liệu bản thân có đủ khả năng tài chính để trang trải không?”. 

Giải bài toán tiền lương 

Sự thiếu hụt lao động đã thúc đẩy mức lương trung bình ở Mỹ tăng 5,6% trong năm qua, nhưng không đủ để theo kịp lạm phát. Đối với những công ty yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng, áp lực tăng lương càng lớn hơn. Bà Frankiewicz nói: “Làm việc từ xa bắt đầu như một biện pháp an toàn. Bây giờ, nó là một biện pháp kinh tế giúp giảm chi phí”. Nhiều công ty đã thích nghi trong giãn cách xã hội, tổ chức làm việc từ xa, được xem là có thế mạnh trong việc tiếp tục thu hút và giữ chân nhân tài. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, tình trạng thiếu công nhân ở một số nền kinh tế đang đẩy mức lương tăng lên, mang lại lợi ích cho người lao động vốn được trả lương thấp và giúp giảm bất bình đẳng thu nhập ở một số quốc gia. Tuy nhiên biện pháp này cũng sẽ tác động khiến lạm phát cao hơn. Điều nên làm là đưa người lao động trở lại làm việc ngay tại địa phương nơi họ sinh sống thông qua các chính sách khuyến khích. Biện pháp này sẽ giúp giảm bớt áp lực lạm phát, đồng thời làm cho quá trình phục hồi kinh tế theo khu vực trở nên vững chắc hơn.

Các ngân hàng trung ương nên tiếp tục phát đi tín hiệu cam kết mạnh mẽ để điều chỉnh vòng xoáy giá cả - tiền lương. Việc giữ cho các trường học và trung tâm giữ trẻ mở cửa với chi phí phù hợp cũng rất quan trọng để khuyến khích cha mẹ có con nhỏ trở lại với công việc. 

Bên cạnh đó là các chương trình đào tạo ngắn hạn giúp người lao động trang bị những kỹ năng cần thiết cho các ngành nghề kỹ thuật mới đang phát triển nhanh như công nghệ và thương mại điện tử; hoặc các công việc truyền thống khác đang bị thiếu hụt trầm trọng, như tài xế xe tải hoặc người giữ trẻ. 

Tấn Vĩ

(theo Yahoo, New York Times, Quartz, Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI