Người khuyết tật và nguy cơ tử vong sớm do bất bình đẳng

05/12/2022 - 06:37

PNO - Người khuyết tật phải đối mặt với nguy cơ tử vong sớm hơn thậm chí có thể đến 20 năm so với những người bình thường khác trong xã hội, theo 1 báo cáo do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố vào cuối tuần qua.

Trong cuộc họp với truyền thông tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Darryl Barrett - Giám đốc kỹ thuật của WHO về người khuyết tật - cho biết: “Nhiều người khuyết tật chết sớm hơn, một số sớm hơn tới 20 năm và nhiều người khác có nguy cơ phát triển một loạt các vấn đề về sức khỏe so với dân số nói chung”. 

Báo cáo toàn cầu về công bằng y tế được công bố ngay trước ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12), cho thấy rằng mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong những năm gần đây nhưng tình trạng bất bình đẳng về sức khỏe vẫn tiếp diễn. Nhiều người khuyết tật phải đối mặt với nguy cơ ngày càng cao về việc mắc các bệnh mạn tính. “Đó là 1 lý do quan trọng dẫn đến những ca tử vong sớm này vì chất lượng dịch vụ y tế kém. Bên cạnh đó, người khuyết tật cũng có tỉ lệ mắc các bệnh như lao, tiểu đường, đột quỵ, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và các vấn đề về tim mạch cao hơn” - ông Barrett lưu ý.

 

Nhiều người khuyết tật đang chịu sự bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe - ẢNH: UN
Nhiều người khuyết tật đang chịu sự bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe - Ảnh: UN

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO - cho biết: “Báo cáo này làm sáng tỏ sự bất bình đẳng mà người khuyết tật gặp phải khi cố gắng tiếp cận dịch vụ chăm sóc mà họ cần”. Ông cũng cho biết WHO cam kết hỗ trợ các quốc gia với hướng dẫn và công cụ cần thiết để đảm bảo tất cả người khuyết tật đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng.

Ông Barrett cho biết thêm, báo cáo ước tính tỉ lệ người khuyết tật trên toàn cầu khoảng 16% dân số, tương đương với 1,3 tỉ người: “Ước tính 80% người khuyết tật sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi các dịch vụ y tế còn hạn chế. Ở đó, việc giải quyết bất bình đẳng về sức khỏe có thể là một thách thức”.

Để giải quyết hoặc hạn chế tình trạng này, WHO đã đề xuất 40 hành động để các chính phủ thực hiện, từ giải quyết cơ sở hạ tầng vật chất đến đào tạo nhân viên y tế. WHO nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động khẩn cấp để giải quyết sự bất bình đẳng. “Khi đào tạo các nhân viên y tế, các chính phủ cần đưa người khuyết tật vào chương trình đào tạo để nhân viên y tế sớm được trang bị những kỹ năng, kiến thức chăm sóc cho họ” - ông Barrett nhấn mạnh. 

 

Lệ Chi (theo UN, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI