Cô gái một chân chống lại tình trạng kỳ thị người khuyết tật

27/10/2020 - 13:22

PNO - Những vận động viên khuyết tật ở Nhật Bản mong muốn sẽ thay đổi cách nhìn của xã hội vào cộng đồng của mình nhân sự kiện Paralympics Tokyo sẽ diễn ra vào tháng 8/2021.

Nữ vận động viên nhảy xa Sayaka Murakami không chỉ đặt mục tiêu chinh phục một tấm huy chương tại Thế vận hội Paralympics Tokyo mà niềm mong đợi lớn hơn của cô đó là sự chấp nhận của xã hội Nhật Bản cho việc hòa nhập của người khuyết tật vào đời sống bình thường chứ không bị “khuất tầm mắt” của cộng đồng như lâu nay.

Tìm một cách phù hợp để thư giản, thoải mái - Ảnh:  Philip FONG / AFP
Cô Murakami tin rằng, thế vận hội là cơ hội tốt để người khuyết tật đấu tranh cho quyền của mình - Ảnh: Philip FONG/AFP

Cũng như nhiều vận động viên người Nhật khác, cô Murakami tin rằng, các kỳ thế vận hội là cơ hội quý để những người hoạt động trong lĩnh vực thể thao như cô chống lại tình trạng kỳ thị người khuyết tật và cách đối xử không công bằng của xã hội Nhật Bản đối với nhóm đối tượng yếu thế này. 

“Đây sẽ là dịp để công chúng nhận ra rằng, người khuyết tật vẫn có quyền được sống bình đẳng như mọi người, và là một phần của xã hội”, cô Murakami nói.

Mặc dù chính phủ Nhật Bản đã rất cố gắng trong việc tạo điều kiện cho người khuyết tật được hòa nhập vào xã hội, thế nhưng nhiều chuyên gia nhận xét rằng, vẫn còn quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Cách đây 3 năm, trong một cuộc khảo sát của chính phủ, có tới 84% người được hỏi cho biết tình trạng phân biệt đối xử không công bằng với người khuyết tật vẫn diễn ra trong xã hội Nhật Bản.

“Nhật Bản vẫn chưa thật sự chấp nhận sự đa dạng”, giáo sư Motoaki Fujita, một chuyên gia về lĩnh vực thể thao cho người khuyết tật tại Đại học Nihon Fukushi nói. “Cách mà xã hội Nhật Bản đánh giá con người là dựa trên tính hiệu quả cũng như khả năng đóng góp vào việc tạo ra giá trị kinh tế của mỗi cá nhân".

Những vận động viên khuyết tật đang nổ lực tập luyện với hy vọng sẽ tỏa sáng trong kỳ Thế vận hội sắp tới - Ảnh: Breaking Asia
Những vận động viên khuyết tật đang nỗ lực tập luyện với hy vọng sẽ tỏa sáng trong kỳ thế vận hội sắp tới - Ảnh: Breaking Asia

Cô Kaeda Maegawa, một người mẫu khuyết tật 22 tuổi đồng thời là vận động viên nhảy xa cho biết, có nhiều người khuyết tật vẫn e ngại mặc cảm khi tự cho mình là gánh nặng của gia đình và xã hội. “Nhưng cá nhân tôi thì lại không nghĩ như vậy. Và tôi vẫn tự tin với chiếc chân giả của mình”.

Bên cạnh khát khao được chạm vào chiếc huy chương của thế vận hội thì cô còn nhìn thấy ở cuộc tranh tài đẳng cấp quốc tế này một cơ hội lớn hơn. "Kể từ khi Nhật Bản giành được quyền đăng cai Thế vận hội Paralympics Tokyo, truyền thông bắt đầu chú ý nhiều hơn đến cộng đồng người khuyết tật thông qua hình ảnh của những vận động viên khuyết tật".

Quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau - Ảnh:
Người khuyết tật mong đợi xã hội sẽ có cái nhìn tích cực hơn đối với họ  - Ảnh: Yoshikazu Tsuno/AFP  

Những vận động viên người khuyết tật mong muốn sự kiện thể thao quan trọng này sẽ được tổ chức thành công tại Nhật Bản vào năm 2021 để họ có cơ hội tỏa sáng.

"Tôi hy vọng rằng, đây sẽ là cơ hội tốt để cộng đồng người khuyết tật được nhìn thấy và ủng hộ", cô Murakami nói. "Và sau đó, hình ảnh tích cực của người khuyết tật sẽ được nâng lên nhiều hơn".

Nguyễn Thuận (theo AFP, Star)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI