Kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7

Người chụp 8.000 tấm ảnh mộ liệt sĩ một ngày: "Họ gọi tôi là lão khùng, tôi thấy hay hay"

27/07/2021 - 05:55

PNO - Từ hàng trăm ngàn ảnh bia mộ, ông đã giúp mười mấy ngàn gia đình tìm được mộ liệt sĩ, đa số là “sinh Bắc tử Nam”.

“Hình như ông đó bị khùng, từ sáng tới giờ ổng cứ đi chụp ảnh từng mộ, không ăn uống, nghỉ ngơi gì” - nhóm lao công tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An lao xao bàn tán, tỏ vẻ e ngại khi thấy một ông trên 
50 tuổi dang nắng rồi nhoẻn miệng cười với… các ngôi mộ, tay liên tục bấm máy.

Không “khùng” chắc đã... chịu thua

“Chụp bia mộ từ sáng sớm đến khi tắt nắng, chỉ nghỉ ăn trưa 30 phút, chụp được có khi 8.000 ảnh một ngày (đó là chuyến đi chụp tại nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) tỉnh Bình Thuận năm 2013); rồi đem về ngồi máy tính từ sáng sớm đến khuya xử lý ảnh, lọc thông tin hồ sơ liệt sĩ đưa lên blog, trang web, Facebook; phản hồi đến 50 email, tin nhắn, cuộc gọi trong ngày… nếu không “khùng” chắc không làm được. Mạng xã hội vẫn cứ gọi tôi là lão khùng, tôi thấy hay hay”, ông Nguyễn Sỹ Hồ dí dỏm cắt nghĩa biệt danh lạ của mình. 

Ông là thầy dạy toán ở Trường THPT Tân Bình (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Nghỉ hưu, hoàn thành sứ mệnh đưa đò cho các thế hệ học sinh, ông và vợ, bà Lê Thị Lan, là giáo viên cùng trường, dồn hết tâm sức đưa những hài cốt liệt sĩ về nơi chôn nhau cắt rốn.

Có khi ông vừa đăng ảnh, thân nhân đã truy cập, liên hệ xác định ngay trong ngày. Đặc biệt, có đến bảy thân nhân tìm được mộ vào ngày 17/7/2010 khiến “người đưa đò” vỡ òa hạnh phúc.

Thầy Nguyễn Sỹ Hồ thắp hương cho anh mình - liệt sĩ Nguyễn Đăng Khoa trong ngôi mộ đã được trả lại tên
Thầy Nguyễn Sỹ Hồ thắp hương cho anh mình - liệt sĩ Nguyễn Đăng Khoa trong ngôi mộ đã được trả lại tên

Đầu dây bên kia, họ vui mừng đến khóc nghẹn, những mái đầu bạc phơ vì tuổi đời chất chồng và vì mòn mỏi chờ con. Thành quả là đây, trong giọt nước mắt đoàn viên này đã thôi thúc ông bà tiếp tục vác ba-lô “xuyên Việt”. Ba-lô chứa “đồ nghề” đầy ắp: máy ảnh, pin dự phòng, thẻ nhớ… gần đây ông sử dụng điện thoại thông minh.

Bà thức dậy từ hai giờ sáng nấu cơm mang theo để không bị động nơi NTLS chưa từng đặt chân đến, cũng để tiết kiệm thời gian, chi phí, và  kịp quay về trong ngày. 

Đã đi là chấp nhận nắng mưa, trơn trợt, lạc đường, xe hư và cả bị cướp. Bà Lan kể, năm 2009, sau khi chụp ảnh tại NTLS tỉnh, vừa ra đại lộ Bình Dương thì cướp chạy xe từ phía sau vọt lên giật chiếc giỏ xách bà ôm trước bụng khi ông chở bà bằng xe máy.

Bà hốt hoảng: “Thôi rồi anh ơi! Mất rồi anh ơi!”. Ông dừng xe lại, bà ngồi bệt xuống cỏ, trào nước mắt. Tiếc máy ảnh mượn giờ phải mua đền thì ít, mà tiếc công sức thì nhiều. Hai vợ chồng đã lui cui cả ngày trong NTLS: bôi phấn lên từng bia mộ để rõ chữ vì bia bị mờ, rồi trời mưa, phấn trôi lại phải bôi để chụp...

Ông an ủi bà: “Người an toàn là tốt rồi. Mai mốt sẽ đi chụp lại”. Thực ra, “người hùng” cũng băn khoăn, lo lắng khi đồ nghề phục vụ “công trình thiện nguyện” bị mất sẽ phải mua sắm lại từ đồng lương hưu trí ít ỏi.

Những năm đầu khởi sự, ông bà gặp muôn vàn khó khăn từ phía cơ quan quản lý mộ liệt sĩ. Họ coi thông tin mộ liệt sĩ là tài liệu mật, không cho chụp ảnh mộ, còn đòi dọa báo công an bắt, tịch thu máy chụp ảnh, mặc ông bà kiên trì thuyết phục.

Vài năm sau, báo đài đăng phóng sự về ông và Cục trưởng Cục Người có công cấp văn bản cho phép ông chụp ảnh mộ liệt sĩ trong cả nước, những phiền phức, xua đuổi giảm đi đôi chút. Công văn như “giấy thông hành” nhưng nhiều NTLS vẫn bất hợp tác, cục cho nhưng các sở chưa cho, sở cho nhưng các phòng chưa cho…

Còn trí, còn sức thì đò còn đưa...

Ông bà đồng lòng chung sức vì đều trải qua lửa đạn chiến tranh và có người thân hiến máu xương cho Tổ quốc. Bố bà Lan là thương binh 1/4 Lê Xuân Vi, người từng thiết kế, xây dựng địa đạo Vịnh Mốc - di tích quốc gia đặc biệt ở tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị.

“Bố thương tật với nhiều mảnh đạn trên đầu, mạn sườn nhưng còn về được với con là may mắn hơn biết bao đồng đội” - lời người cha khơi mạch nguồn tri ân lưu chảy trong máu thịt bà.

Còn ông Hồ, sau khi tốt nghiệp khoa toán ở Trường đại học Sư phạm Vinh, ông vào Sông Bé (Bình Dương ngày nay) vừa dạy học, vừa tiếp tục tìm mộ của anh mình là Nguyễn Đăng Khoa, chiến đấu và hy sinh ở chiến trường miền Nam năm 1972.

Nhờ chút manh mối: giấy báo tử, giấy khen được Trung đoàn 271 trao tặng và giấy viết tay của đồng đội anh, năm 2008 ông Hồ quyết tâm tìm mộ ở tận NTLS Đức Hòa rồi qua NTLS Đức Huệ, Long An. Ròng rã nhiều lần, tưởng phải bỏ cuộc vì vẫn không tìm thấy tên anh trong sổ quản trang, thời may, ông lục tìm trong đống tài liệu cao lút đầu được sơ đồ bảy mộ vô danh trong đó có liệt sĩ Đăng Khoa cùng sáu đồng đội bị phục kích hy sinh.

Biết đâu là mộ anh mình, ông thắp hương và ôm cả bảy ngôi mộ, khóc nức nở. Mấy tháng sau liên lạc với sáu thân nhân còn lại và làm hồ sơ giám định ADN, bảy ngôi mộ mới biết được tên sau ba mươi mấy năm về với đất.

Ông Hồ còn nhớ như in hồi đưa bố từ quê Hà Tĩnh vào viếng mộ, bố ông Hồ khóc nấc và nói rằng: “Nếu tao có sức, tao đào con tao lên, tao mang về…”. Năm 2010, ông Hồ đang chuẩn bị làm hồ sơ xin đưa anh về quê thì bố bị tai nạn qua đời. Mọi chuyện dang dở, ông quyết định để anh nằm lại nơi này. Hằng năm vào dịp 27/7, tết Nguyên đán… ông cùng gia đình lại đi viếng anh.

Nhà giáo Nguyễn Sỹ Hồ - Lê Thị Lan trong phút giây thư giãn hiếm hoi cùng người thân
Nhà giáo Nguyễn Sỹ Hồ - Lê Thị Lan trong phút giây thư giãn hiếm hoi cùng người thân

Mấy mươi năm anh nằm trong ngôi mộ vô danh, không nén hương từ người ruột thịt, cúng giỗ cũng bị lệch ngày do dựa vào giấy báo tử, ông Hồ xót xa. Kỷ niệm đau thương về người mẹ vắn số vẫn đau đáu mong tin con luôn khiến ông chực khóc.

Ngày ấy, bố mẹ ông Hồ định tìm đến nhà anh bộ đội vừa về phép để hỏi thăm tin tức anh Khoa. Tuy nhiên, lúc chuẩn bị đi, mẹ lại bàn với bố chỉ nên đi một người vì đường xa, nguy hiểm, rủi vợ chồng cùng chết, lấy ai lo cho các con. Mẹ chọn ở lại và phần số oan nghiệt đã khiến xui mẹ vướng một quả bom nổ ngay sau vườn nhà mình.  

Phải chi tìm được mộ anh sớm hơn cho bố kịp ôm hình hài con trai đặt vào lòng đất quê hương, cho mẹ nơi chín suối được an lòng, ông Hồ mãi day dứt.

Nghĩ đến hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ còn rải rác nơi bìa rừng vách núi, 300.000 ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được tên và bao gia đình đồng cảnh đang ngày đêm mong ngóng, càng tuyệt vọng khi lớp bụi thời gian vô tình phủ lấp, ông nhủ: “Mình biết gì giúp nấy, làm sao để người và mộ được kết nối sớm nhất có thể”. 

Trải qua 13 năm, ông bà thấm đẫm mồ hôi trên hành trình của mình. Có người tìm được mộ đã mắng ngược: “Sao ông chậm trễ thế? Mấy mươi năm qua rồi. Ông là Nhà nước mà ông lại...”. Sau phút ngơ ngác, ông Hồ chưa kịp tức giận thì đã thương cảm vì họ quá nóng lòng tìm mộ con em mình mới thế.

Cũng vì nóng lòng, có biết bao gia đình tin vào ngoại cảm, mê tín dị đoan đã cất bốc nhầm hài cốt người khác và còn đau lòng hơn khi đó không phải là… cốt người. “Thôi thì còn sức và trí thì còn cố gắng” - ông buông câu nhẹ tênh cho hành trình nhọc nhằn, bền bỉ. Nói như bà, đó là “điều hiển nhiên, có gì đó sai khiến mình làm, không thể khác được, đâu to tát gì mà kể”. 

Ông bà gặp nhau mùa hè năm 1985, khi cùng chấm thi tốt nghiệp THPT, sự gắn kết bắt nguồn từ giọng nói miền Trung quen quen; từ sự nghiêm túc, nhiệt thành trong truyền dạy kiến thức.

Kết hôn năm 1986, có hai con một trai một gái nay đã trưởng thành, bận rộn với nghề giáo rồi “nghiệp” tìm mộ, ông bà hiếm dành thời gian cho nhau.

Có chăng chỉ là nhắc nhở nhau giữ gìn sức khỏe, hay trên đường đến các NTLS, ông bà dừng xe ở cổng khu du lịch thơ mộng nào đó chụp tấm hình lưu niệm rồi lại mau mau chở nhau đi cho kịp lịch trình. 

Thầy giáo về hưu Nguyễn Sỹ Hồ đã chinh phục từ điểm cực bắc, tới điểm cực nam, điểm cực tây đến điểm cực đông của đất nước. Các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, Nam bộ ông tự lái xe đi chụp ảnh; các tỉnh quá xa thì người cháu kết nghĩa xung phong chở bằng xe ô tô.

Hàng ngàn NTLS đã “nằm” trong máy vi tính của ông. Năm 2018, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận ông là “người chụp ảnh bia mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang trong cả nước nhiều nhất để giúp các gia đình liệt sĩ trong việc tìm mộ người thân”.

Thông qua blog rồi trang web http://www.nguoiduado.vn (điện thoại: 0988 847 715), từ hàng trăm ngàn ảnh bia mộ, ông đã giúp mười mấy ngàn gia đình tìm được mộ liệt sĩ, đa số là “sinh Bắc tử Nam”. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI