Người cha kiên cường viết lại số phận cho con trai tự kỷ

23/10/2018 - 08:43

PNO - Sau mười mấy năm đồng hành cùng con, cậu bé tự kỷ, bị xem là “sản phẩm lỗi” ấy đã sáng bừng trên sân khấu xiếc, trở thành kỷ lục gia kỳ lạ nhất Việt Nam.

- Từng chữ đó đã vang lên từ sâu thẳm trái tim người bố, vừa là lời tự an ủi, vừa là quyết tâm viết cho con một số phận khác: con sẽ không là đứa trẻ tự kỷ tầm thường! 

Sự bền bỉ phi thường của cậu bé tăng động

Trong lớp học đặc biệt ở TP.Hà Nội, Nguyễn Khôi Nguyên vừa đạp xe một bánh, vừa giữ thăng bằng cho cái chai đang đứng trên đầu, đặc biệt cậu còn cùng lúc thực hiện động tác tung chín quả bóng. Năm ngoái, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận kỷ lục này của Nguyên, với tám bóng. Nguyên tập trung đến độ cả thầy dạy xiếc và thầy dạy kỹ năng sống chạy ra phía trước vẫy vẫy mà cậu vẫn không hay. Một giây lỗi nhịp, trái bóng trên tay Nguyên rơi, cậu mới dừng xe, hạ cái chai trên đầu.

Thấy mái đầu bạc của tiến sĩ Phan Quốc Việt, Nguyên nhảy khỏi xe lao đến ôm vai bá cổ mà hôn hít ông giáo già: “Ông ơi, Nguyên làm được, chắc chắn Nguyên sẽ làm được”. Tiến sĩ Việt gỡ cánh tay Khôi Nguyên, khẽ nói: “Giữa đông người thế này, Nguyên đừng hôn ông”. Chàng thanh niên đang tuổi bẻ gãy sừng trâu nghiêng nghiêng đầu, nói năng ngây thơ như trẻ mẫu giáo: “Con yêu ông thì con mới hôn ông chứ, sao ông lại bảo không được hôn”.

Thầy dạy xiếc Nguyễn Quang Thọ không giấu được tự hào và khâm phục: “Kỹ thuật tung bóng của Nguyên đã vượt qua cả tôi. Những động tác kết hợp mà Nguyên đang thực hiện đều là những kỹ thuật rất khó, không phải diễn viên xiếc chuyên nghiệp nào cũng làm được. Sự tập trung của Nguyên mới thực sự đáng nể. Em có thể tập miệt mài từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày khác mà không chán nản hay mệt mỏi. Bây giờ không chỉ luyện tập cho bản thân, Nguyên còn trở thành thầy hướng dẫn các bạn khác”. 

Nhớ lại lần đầu tiên tiếp xúc với Nguyên, anh Thọ bảo, không dám nghĩ đến việc dạy được điều gì cho Nguyên, vì dù rất thích bóng nhưng em chỉ ngồi một góc gào thét, em còn đưa tay lên miệng cắn đến chảy máu. Lúc quả bóng rơi về phía Nguyên, em đã cầm bóng cắn nát. Dần dần phải chuyển hướng, tập cho Nguyên làm quen với trái bóng bằng cách đặt bóng lên bàn tay, cánh tay, lên má để em cảm nhận được nó.

Nghe anh Thọ nhắc đến những ngày đầu, tiến sĩ Việt - thầy dạy kỹ năng sống của Nguyên không thể nào quên cậu bé 12-13 tuổi hễ đến lớp là vừa chạy vừa la hét “ăn cướp, ăn cướp”, mỗi lúc lên cơn tăng động lại cắn nát mấy ngón tay. Bấy giờ, anh em Nguyên cùng tham gia khóa học kỹ năng, các phụ huynh khác không muốn cho Nguyên vào lớp vì con cái họ bị cậu bắt nạt, thường xuyên giật đồ ăn. Em gái Nguyên đã đứng lên trước lớp, nước mắt ngắn dài nói như cầu khẩn: “Anh Nguyên thiệt thòi, mọi người thương anh em với!”.

Nguoi cha kien cuong viet lai so phan cho con trai tu ky
Cuộc đời cậu bé tự kỷ Khôi Nguyên đã được bố mẹ em viết lại. Bây giờ, em là kỷ lục gia xiếc Việt Nam. (Ảnh gia đình cung cấp)

Con không phải là “sản phẩm lỗi”

Sinh năm 2001, sáu tháng tuổi Nguyên đã được những bệnh viện lớn kết luận bị tự kỷ. Nguyên là con đầu lòng, là cháu đích tôn nên vừa nghe thông báo từ bác sĩ, chị Mai Kim Phượng đã khóc như một đứa trẻ. Anh Nguyễn Thế Hiệp đã bước qua tuổi tứ tuần nên tiếp nhận sự thật bình tĩnh hơn vợ. Anh nhớ như in lần đầu tiên nghe kết luận con bị tự kỷ, anh đã không tin lời bác sĩ, vì con mới sáu tháng tuổi, không bố mẹ nào chấp nhận được sự thật đó. Nhưng khi nhận kết luận “tự kỷ” ở lần khám thứ hai, trong lòng anh đã vang lên những lời chắc nịch: “Con sẽ khác, nhất định sẽ khác”.

West là hội chứng mà Nguyên mắc phải. Đó là một loại động kinh giảm tập trung với những cơn co giật không kiểm soát được. Nguyên sẽ phải sống cùng chứng bệnh đó suốt đời và phải dùng một loại thuốc độc bảng A để làm tê liệt các dây thần kinh mỗi khi tăng động. Thuốc đó cũng phải dùng suốt đời, với liều lượng ngày một tăng. Bấy giờ, “mọi thứ sụp đổ, người đời gièm pha, họ bảo bố mẹ, ông bà ăn ở thế nào thì con mới ra nông nỗi ấy” - chị Phượng kể.

Vợ chồng anh Hiệp nén đau xót, chăm con mỗi ngày, đến tuổi đi học, anh chị thay nhau đưa Nguyên đi hết trường này đến trường khác, nhưng mỗi trường chỉ được vài tuần là giáo viên lắc đầu, bảo anh chị tìm cho cháu một ngôi trường khác. Anh Hiệp chia sẻ: “Vợ chồng đều đã bỏ việc để lo cho Nguyên, chúng tôi tìm mọi cách cho con đến trường không phải để học kiến thức, mà chỉ mong con được hòa nhập với bạn bè. Nhưng nó tăng động kinh khủng, không ai chấp nhận được. Tôi bèn động viên vợ đi học để lấy kiến thức dạy con”. Vợ anh đã học Khoa Giáo dục đặc biệt của Trường đại học Sư phạm, rồi thi lên cao học chuyên ngành này.

Chị Phượng đi học, anh Hiệp tìm mọi cách can thiệp cho con. Thậm chí, bố con anh một năm mấy lần vào Huế ở lại chữa trị trong nhà thầy thuốc Đông y. Mỗi lần đi, hai bố con phải mua vé của cả một toa để không ai bị Nguyên quấy phá. Vừa chữa trị Đông y ròng rã gần chục năm, anh Hiệp vừa cho Nguyên đi học đủ các môn năng khiếu với hy vọng tìm được một thứ thích hợp để Nguyên dồn hết năng lượng vào đó. Nhưng tất cả đều thất bại.

Anh vẫn kiên trì, tiếp tục gõ cửa tiến sĩ Việt. Sau một thời gian tiếp xúc với Nguyên, câu nói của tiến sĩ Việt đã trở thành niềm hy vọng không chỉ cho cuộc đời Nguyên mà còn cho vợ chồng anh Hiệp: “Nguyên là đứa trẻ thông minh vận động, chân tay vô cùng khéo, cảm giác với vận động, với trái bóng của Nguyên thực sự tuyệt vời”. Năm đó Nguyên 12 tuổi.

15 tuổi, Nguyên bị ngã gãy xương bả vai trong một lần luyện tập. Cậu bé mới lớn rơi vào khủng hoảng và có nguy cơ trở lại quãng thời gian khù khờ ngày trước. “Con sẽ khác, nhất định phải khác”, tâm nguyện ấy càng trở nên quyết liệt. Anh Hiệp nắm lấy tay con, từng bước cùng con bước qua nỗi sợ hãi để trở lại với xiếc. “Lẽ ra phải nghỉ mấy tháng, nhưng chỉ hai mươi ngày sau đã thấy Nguyên trở lại luyện tập. Nhìn Nguyên một tay kẹp chặt vì nẹp, một tay vẫn tung tám bóng, nhiều thầy cô đã không kìm được nước mắt. Khẩu hiệu “biểu diễn máu máu, biểu diễn xuất sắc, sung sướng” của Nguyên còn truyền cảm hứng cho cả học viên và những người thầy” - anh Thọ nhớ lại.

Lật giở tấm hình Khôi Nguyên nhận kỷ lục, anh Hiệp như nói với chính mình: “Mỗi đứa trẻ là một con người riêng biệt. Nếu coi con là “sản phẩm lỗi” như cái nhìn của người đời, thì con đã “lỗi” ngay từ trong suy nghĩ của cha mẹ”. 

Kiên cường viết lại số phận cho con

Có không ít thiên tài trong lịch sử nhân loại là người mắc chứng bệnh tâm thần. Tôi luôn thắc mắc không biết điều gì đã khiến họ bước ra khỏi lằn ranh của “kẻ điên” để trở thành những con người kiệt xuất. Và tôi mơ hồ tìm được câu trả lời khi biết đến giai thoại về Thomas Edison, mẹ ông - bà Nancy Elliott đã nuôi dạy đứa con trai bị nhà trường đuổi học, biến một cậu bé tâm thần trong mắt mọi người thành nhà sáng chế vĩ đại. 

Việt Nam không có những người như ông Edison, nhưng trong khoảng tám triệu người khuyết tật cũng đã có không ít số phận thay đổi hoàn toàn. Đó là chàng nhạc sĩ bại não Vũ Quốc Hùng, là cậu bé tự kỷ Khôi Nguyên trở thành kỷ lục gia về xiếc, hay Mạc Đăng Mừng mắc hội chứng Down vẫn có thể chơi đàn, học võ, bơi lội. Những số phận ấy đều được viết lại bằng đức hy sinh và tình yêu thương vô bờ của bậc làm cha mẹ.

Mời quý độc giả đón đọc các bài viết trong chuyên đề "Kiên cường viết lại số phận cho con" trên Phunuonline. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI