Ngoại giao vắc-xin sẽ đem lại vị thế cho Ấn Độ, Trung Quốc?

02/02/2021 - 05:38

PNO - Các quốc gia giàu bị cáo buộc tích trữ vắc-xin, chủ yếu từ hãng Pfizer-BioNTech và Moderna. Điều đó tạo ra cơ hội cho Ấn Độ, Trung Quốc trong việc phát triển, sản xuất và cung cấp vắc-xin cho các nước nghèo hơn.

Yanzhong Huang, chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận tại Mỹ), cho biết: “Bên cạnh phục vụ các mục tiêu chính sách đối ngoại, ngoại giao vắc-xin còn mở rộng thị phần cho các sản phẩm vắc-xin của họ. Đồng thời, trong ngắn hạn, chiến lược giúp giảm thiểu sự chênh lệch lớn về khả năng tiếp cận vắc-xin giữa các nước giàu và các nước nghèo”.

Indonesia tiếp nhận 1,2 triệu liều vắc-xin đầu tiên do Sinovac sản xuất
Indonesia tiếp nhận 1,2 triệu liều vắc-xin đầu tiên do Sinovac sản xuất

Ấn Độ đã gửi 1 triệu liều vắc-xin COVID-19 đến Nepal, 2 triệu liều đến Bangladesh, 150.000 liều đến Bhutan, 100.000 đến Maldives, 1,5 triệu liều đến Myanmar và 2 triệu liều đến Brazil. Hiện Ấn Độ chỉ phê duyệt hai loại vắc-xin. Một do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển, đang sản xuất bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ, và loại kia là Covaxin - được phát triển trong nước. Theo Akhil Bery, nhà phân tích tại Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (trụ sở tại New York, Mỹ), ngoại giao vắc-xin có thể giúp New Delhi thể hiện thiện chí, tạo thêm đồng minh.

Thiện chí chính trị và tầm ảnh hưởng

Tương tự, chiến lược ngoại giao vắc-xin của Trung Quốc bao gồm thỏa thuận với các nền kinh tế mới nổi để thử nghiệm lâm sàng cho loại vắc-xin do công ty Trung Quốc Sinovac phát triển, và giúp xây dựng các cơ sở sản xuất vắc-xin mới. Bắc Kinh ưu tiên tiếp thị vắc-xin của mình ở Đông Nam Á, vốn có tầm quan trọng chiến lược. Ở những nơi khác, quốc gia này đang cung cấp các khoản vay để tài trợ cho việc mua vắc-xin.
Nhà nghiên cứu về Trung Quốc của Eurasia Group - Allison Sherlock - nói rằng, lợi ích chính đối với Trung Quốc dường như là củng cố các mối quan hệ kinh tế, chính trị trong phạm vi ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Ở đó, Bắc Kinh “đặc biệt hy vọng rằng vắc-xin sẽ giúp hàn gắn các mối quan hệ căng thẳng trước đây”.

Thách thức không nhỏ

Một trong những thách thức mà vắc-xin được phát triển tại Ấn Độ và Trung Quốc phải đối mặt là hiệu quả của chúng.

Covaxin của Ấn Độ vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Vào thời điểm nhận được sự chấp thuận khẩn cấp từ cơ quan quản lý dược phẩm, sản phẩm vẫn chưa có dữ liệu thử nghiệm giai đoạn ba đủ lớn để xác định hiệu quả hoặc độ an toàn. Động thái vội vàng đã bị các nhà khoa học chỉ trích.

Người dân Brazil ở São Paulo chờ tiêm vắc-xin COVID-19 từ công ty Trung Quốc Sinovac Ảnh: NY Times
Người dân Brazil ở São Paulo chờ tiêm vắc-xin COVID-19 từ công ty Trung Quốc Sinovac - Ảnh: NY Times

Trong khi đó, Trung Quốc vấp phải nghi ngờ từ những vụ bê bối y tế trước đây. Một số quốc gia vẫn tức giận về sự thiếu cởi mở của Bắc Kinh trong việc chia sẻ thông tin về COVID-19 vào những ngày đầu của đại dịch. Những nỗ lực phân phối khẩu trang và thiết bị bảo hộ của Trung Quốc cho phương Tây vào đầu năm 2020 cũng thất bại do sản phẩm có chất lượng kém. Một cuộc khảo sát của YouGov trong tháng 1/2021 với khoảng 19.000 người tham gia từ 17 quốc gia và khu vực cho thấy hầu hết đều không tin tưởng vào vắc-xin COVID-19 sản xuất tại Trung Quốc. 

Tại Philippines, nhiều nhà lập pháp chỉ trích quyết định của chính phủ trong việc mua vắc-xin do Sinovac sản xuất. Các quan chức ở Malaysia và Singapore trấn an người dân rằng họ sẽ chỉ chấp thuận một loại vắc-xin nếu nó được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Bilahari Kausikan, một cựu quan chức có ảnh hưởng tại Bộ Ngoại giao Singapore, cho biết: “Hiện tại, tôi sẽ không dùng bất kỳ loại vắc-xin nào của Trung Quốc, vì không có đủ dữ liệu”. Ông nói thêm rằng chính phủ chỉ xem xét nó khi có “một báo cáo phù hợp”.

Thế giới cũng cảnh giác trước thông tin cho rằng vắc-xin Sinovac có thể không hiệu quả như thông tin mà Trung Quốc đưa ra. Các cuộc thử nghiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy vắc-xin có tỷ lệ hiệu quả là 91%. Ở Indonesia, con số này là 68%. Ở Brazil, các nhà nghiên cứu ban đầu tuyên bố hiệu quả của chế phẩm là 78%. Sau đó, họ xác nhận lại rằng tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin chỉ hơn 50% - tỷ lệ vừa đạt ngưỡng mà Tổ chức Y tế thế giới quy định để một loại vắc-xin được xem là có hiệu quả.

Bên cạnh đó, sự chậm trễ trong các chuyến hàng đến nhiều nơi như Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ là vấn đề mới nhất. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ban đầu Sinovac hứa rằng 10 triệu liều vắc-xin sẽ đến tay khách hàng vào tháng 12/2020. Nhưng theo Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca, chỉ có 3 triệu liều đến nơi vào đầu tháng 1/2021. 

Tấn Vĩ (tổng hợp)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI