Thế giới bắt đầu giành nhau vắc-xin ngừa COVID-19

29/01/2021 - 10:11

PNO - Sau cuộc đua nghiên cứu và sản xuất vắc-xin giữa các hãng dược phẩm, đến lượt các quốc gia tranh giành đơn đặt hàng để sớm tiếp cận hàng triệu liều vắc-xin COVID-19 cho người dân của mình.

Cuộc chiến giữa bên mua và bán

Hôm 26/1, Liên minh châu Âu (EU) tăng cường áp lực đối với các công ty dược phẩm sản xuất vắc-xin COVID-19, để xuất kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn và đe dọa hành động pháp lý tiềm năng sau khi hai nhà sản xuất thông báo cắt giảm nguồn cung vắc-xin đột ngột. Ủy ban châu Âu cho biết, đề xuất này nhằm tăng tính minh bạch, làm chậm quá trình chuyển vắc-xin ra khỏi nhóm 27 quốc gia.

Người cao tuổi được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca-Oxford  ở Brighton, Anh hôm 26/1 - Ảnh: AFP/Getty Images
Người cao tuổi được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca-Oxford ở Brighton, Anh hôm 26/1 - Ảnh: AFP/Getty Images

Các động thái này diễn ra sau một cuộc tranh cãi giữa EU và Công ty Dược phẩm AstraZeneca của Anh và Thụy Điển về việc công ty cung cấp cho EU lượng vắc-xin ít hơn so với dự kiến. Ủy ban châu Âu đã đặt hàng 400 triệu liều vắc-xin cho các quốc gia thành viên EU và sẵn sàng triển khai chúng trên toàn khối cho 448 triệu người sau quá trình phê duyệt. 

Ủy viên Y tế EU Stella Kyriakides nói: “Các công ty dược phẩm và nhà phát triển vắc-xin có trách nhiệm đạo đức, xã hội và hợp đồng mà họ cần tuân theo. Chúng ta đang ở trong một đại dịch. Chúng ta mất hàng ngàn sinh mạng mỗi ngày”.

Đáp lại, Pascal Soriot - Giám đốc điều hành AstraZeneca - cho biết công ty đồng ý thực hiện “nỗ lực cao nhất” để cung cấp số liều vắc-xin mà các nước EU đã đặt hàng, nhưng hợp đồng không ràng buộc việc giao hàng theo lịch trình. Trong một tuyên bố khác, AstraZeneca cho biết, họ dự định cung cấp hàng chục triệu liều cho các nước EU vào tháng Hai và tháng Ba.

Hôm 27/1, EU thừa nhận, họ đã ký một thỏa thuận “nỗ lực cao nhất” (chứ không phải “bắt buộc”) với AstraZeneca. Nhưng một quan chức cấp cao của EU cho biết, khối này đã trả một phần khoản thanh toán 336 triệu euro (406 triệu USD) với mục đích thúc đẩy sản xuất và bác bỏ nguyên tắc “ai đến trước được phục vụ trước”.

Xung đột chính trị

Cốt lõi của vấn đề là sự chậm trễ tại các nhà máy riêng biệt ở Bỉ - nơi sản xuất vắc-xin Pfizer-BioNTech và vắc-xin do AstraZeneca cùng Đại học Oxford phát triển. Trên thực tế, số liều vắc-xin dùng cho các quốc gia ngoài EU phần lớn được sản xuất trong khối, nơi đã chi 3,3 tỷ USD để tài trợ cho việc phát triển và sản xuất vắc-xin. 

Liên minh châu Âu (EU) tăng cường áp lực đối với các công ty dược phẩm sản xuất vắc-xin COVID-19 để
Liên minh châu Âu (EU) tăng cường áp lực đối với các công ty dược phẩm sản xuất vắc-xin COVID-19 nhằm đảm bảo việc tiêm chủng cho người dân

Hơn nữa, tại EU, các chiến dịch tiêm chủng bộc lộ bộ máy quan liêu, chậm chạp của khối. Khi không thể khiến các nhà sản xuất vắc-xin tăng tốc, họ chọn cách đe dọa ngăn cản xuất khẩu, một dấu hiệu cho thấy tình cảnh “bước đường cùng” giữa lúc châu Âu tụt hậu xa về tiêm chủng so với Anh và Mỹ - những quốc gia đã mua vắc-xin sớm hơn họ vài tháng và nhanh chóng cấp phép sử dụng khẩn cấp, triển khai tiêm phòng cho người dân.

Nhiều quốc gia châu Âu hy vọng, sự xuất hiện của vắc-xin AstraZeneca-Oxford sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng do giá cả thấp hơn và yêu cầu bảo quản đơn giản hơn so với vắc-xin của Pfizer và Moderna từ Mỹ. Các cơ quan quản lý thuốc của khối dự kiến ​cấp phép loại vắc-xin này vào ngày 29/1 - một tháng sau hành động tương tự từ Anh. Jens Spahn - Bộ trưởng Y tế Đức - cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình: “Đây không phải là vấn đề đặt EU lên hàng đầu mà là chia sẻ công bằng cho các nước ở châu Âu”.

Mối quan hệ giữa Anh và EU rạn nứt sau hơn bốn năm tranh cãi về Brexit - quá trình kết thúc chỉ vài tuần trước - và các nhà lập pháp Anh thật sự tức giận khi bị đổ lỗi cho các vấn đề vắc-xin của khối. David Jones - nhà lập pháp thuộc đảng Bảo thủ (Anh) - nhận định: “Điều này trông giống như một vụ tống tiền, nó cho thấy lý do tại sao chúng tôi chọn rời EU”. 

Xung đột càng trở nên nghiêm trọng khi hai tờ báo của Đức đăng tải tuyên bố sai lầm hôm 25/1, rằng vắc-xin AstraZeneca-Oxford hoàn toàn không có hiệu quả ở người lớn tuổi. Bộ Y tế Đức sau đó khẳng định, những tuyên bố trên là sai sự thật.
Trước cuộc chiến giữa các chính trị gia và nhà sản xuất dược phẩm, Robert Yates - Giám đốc chương trình Y tế toàn cầu tại Chatham House (Anh) - ngao ngán: “Khoa học đang thành công và tình đoàn kết đang thất bại. Các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới đang khiến giới khoa học và tất cả những người khác thất vọng”. 

Linh La (theo CNN, NY Times, Washington Post)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI