Chăm sóc người cao tuổi - dịch vụ cấp thiết
Bà Bùi Thị Ninh - Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh TPHCM - thông tin, khảo sát gần đây cho thấy có đến 80% người cao tuổi mong muốn được chăm sóc tại nhà thay vì phải vào các cơ sở tập trung. Phần lớn họ hiện đang được chăm sóc bởi người thân, những người chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn cần thiết để có thể chăm sóc đúng cách.
 |
Nhiều người chọn trung tâm dưỡng lão Thị Nghè (TPHCM) để an dưỡng tuổi già - ẢNH: THU LÊ |
Trong khi nhu cầu tăng mạnh, thì nguồn cung dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp vẫn chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Lao động trong lĩnh vực chăm sóc hiện nay chủ yếu là lao động phi chính thức, bao gồm phụ nữ trung niên, lao động phổ thông hoặc người giúp việc gia đình chuyển sang. Họ thường không được đào tạo bài bản, thiếu chứng chỉ nghề nghiệp và chưa được giám sát chất lượng một cách nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, số lượng trung tâm dưỡng lão còn rất ít (chưa đến 100 cơ sở trên toàn quốc), chủ yếu tập trung tại TPHCM và Hà Nội. Các dịch vụ chăm sóc cộng đồng như câu lạc bộ, hoạt động khám sức khỏe lưu động… vẫn còn rời rạc, chưa kết nối thành một hệ thống thống nhất và hiệu quả.
Ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI - chi nhánh TPHCM - chia sẻ thêm, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng, đặt ra nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng mở ra những cơ hội lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Các khái niệm như “kinh tế bạc”, “kinh tế chăm sóc” đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn.
Ông Liêm cho rằng, thị trường dịch vụ dành cho người cao tuổi tại Việt Nam rất lớn và giàu tiềm năng, nhưng vẫn còn bị bỏ ngỏ. Ngành chăm sóc người cao tuổi hiện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Nguyên nhân xuất phát từ hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hạn chế về tài chính, nhân lực, công nghệ và đặc biệt là thiếu chiến lược truyền thông hiệu quả nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng của người cao tuổi.
Trước thực trạng đó, việc xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho dịch vụ chăm sóc người cao tuổi là hết sức cấp thiết. Trong đó, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ nhân viên chăm sóc gắn với chương trình đào tạo bài bản, kỹ năng chuyên môn phù hợp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc đa dạng và chuyên sâu trong tương lai.
Để làm được điều này, theo ông Liêm, cần có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một hệ sinh thái chăm sóc người cao tuổi bền vững, nhân văn, nơi người cao tuổi được chăm sóc chu đáo, sống khỏe mạnh, được tôn trọng và hạnh phúc.
Theo bà Sarah Hooper - Tổng lãnh sự Australia tại TPHCM - Việt Nam đang đối mặt với quá trình già hóa dân số nhanh chóng, tương tự như nhiều quốc gia khác. Trong bối cảnh đó, nhu cầu về dịch vụ chăm sóc chất lượng và chuyên nghiệp ngày càng tăng cao. Đây không chỉ là một yêu cầu xã hội mà còn là cơ hội kinh tế và vấn đề về bình đẳng giới.
Bà Sarah Hooper nhấn mạnh, phụ nữ trên toàn cầu vẫn đang gánh vác phần lớn công việc chăm sóc không được trả lương trong gia đình, hoặc trả lương rất thấp trong xã hội, những công việc có giá trị nhưng thường bị xem nhẹ, từ đó hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động cũng như tiềm năng phát triển của nền kinh tế - xã hội.
Cần chuyên nghiệp hóa ngành chăm sóc
Trước bối cảnh trên, dự án Grace - Phát triển nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam - sẽ triển khai từ nay đến tháng 12/2026 (18 tháng) với mục tiêu chính là nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhân viên chăm sóc, tạo điều kiện để họ phát triển nghề nghiệp bền vững, tăng thu nhập và xây dựng lộ trình nghề nghiệp rõ ràng. Dự án được VCCI - chi nhánh TPHCM, sáng kiến Đầu tư cho phụ nữ (Investing in Women - IW) của chính phủ Australia, Trường Melbourne Polytechnic, Tập đoàn Hồng Đức và các thành viên mạng lưới phát triển dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam phối hợp triển khai.
 |
Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt dự án Grace - Phát triển nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam - vào ngày 4/7 vừa qua - ẢNH: NGỌC TRĂM |
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM - cho biết, tính đến ngày 30/6, trung tâm đã tiếp nhận khoảng 66.000 hồ sơ người lao động thất nghiệp, trong đó có 30% ở độ tuổi trên 40, khoảng 43% là lao động chưa qua đào tạo. Đây là lực lượng cần được hỗ trợ cấp thiết, đặc biệt là trong giai đoạn tái cấu trúc lao động sau sáp nhập và suy giảm kinh tế. Hiện nay, trung tâm đã đề xuất Sở Nội vụ ban hành các chính sách hỗ trợ nghề cho khoảng 1.044 lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề.
Bà Huỳnh Thị Kim Loan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện Hồng Đức - chia sẻ, khi bắt tay vào triển khai huấn luyện nghề, bà nhận thấy, để làm tốt dịch vụ chăm sóc người cao tuổi thì kiến thức y tế là yếu tố nền tảng không thể thiếu. Thế nhưng, khi đã có nền tảng về y tế thì lại gặp khó khăn về nguồn nhân lực chuyên chăm sóc người cao tuổi, khiến việc phát triển hệ thống dưỡng lão bài bản gặp nhiều trở ngại. Mãi đến gần đây, bà và cộng sự mới xây dựng được một mô hình dưỡng lão tiêu chuẩn quốc tế.
Bà Loan đề xuất, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan cần ban hành quy định rõ ràng về bằng cấp, mã ngành, mã nghề, hệ thống đào tạo chuyên nghiệp cho ngành chăm sóc người cao tuổi. Có như vậy, ngành nghề mới có thể phát triển vững chắc, được công nhận là một nghề nghiệp chính thống, có vị trí trong hệ thống kinh tế - xã hội, người sử dụng dịch vụ cũng cảm thấy yên tâm, người lao động cũng tự tin và tự hào về công việc của mình, các đơn vị tuyển dụng cũng yên tâm hơn về chất lượng nhân sự.
Ông Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình TPHCM - thông tin: với riêng TPHCM, già hóa dân số hiện đang là một thách thức lớn. Hiện tại, số người từ 60 tuổi trở lên tại TPHCM đã vượt mốc 11,33%, có hơn 1,07 triệu người cao tuổi. Chỉ số già hóa dân số của thành phố đạt mức 65,36%. Ông Trung cũng cho biết, lãnh đạo UBND TPHCM và Sở Y tế rất chú trọng đến công tác chăm sóc người cao tuổi. Thành phố đã triển khai một số chương trình, nổi bật là khám sức khỏe định kỳ hằng năm và lập hồ sơ sức khỏe toàn diện cho toàn bộ người cao tuổi.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã chỉ đạo và giao Sở Y tế khẩn trương xây dựng đề án phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng và mở rộng mô hình nhà dưỡng lão. Đây là những bước đi quan trọng nhằm đảm bảo người cao tuổi được chăm sóc đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trong đề án, Chi cục Dân số đang tham mưu cho Sở Y tế nhiều hợp phần. Trong đó, hợp phần quan trọng nhất là đào tạo nghề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Hiện tại, dù đã có một số học phần đào tạo nghề chăm sóc, song vẫn chưa có mã ngành, mã nghề, đây là một khoảng trống cần sớm được lấp đầy.
“Trong thời gian tới, Sở Y tế thành phố sẽ tham mưu cho UBND thành phố, khi đề án ban hành thì chúng tôi sẽ gấp rút phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM để xây dựng, đề xuất một mã ngành, mã nghề cụ thể cho lực lượng này, đồng thời thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với thực tế và nhu cầu chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Việc sớm hoàn thiện mã nghề sẽ góp phần quan trọng trong việc chuẩn hóa đội ngũ nhân viên chăm sóc và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội” - ông Phạm Chánh Trung thông tin.
Ngọc Trăm