Mỹ, Anh và Israel đều “tụt hậu” trong cuộc đua tiêm chủng toàn cầu - Mỹ hiện xếp thứ 39

23/09/2021 - 09:20

PNO - Dữ liệu thống kê thế giới - Our World In Data - cho thấy cả Mỹ, Anh và Israel đều đã tụt lại trong cuộc đua tiêm chủng toàn cầu, hiện Mỹ chỉ xếp thứ 39 trong “cuộc đua sinh tử”, mặc dù đây là các quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm chủng.

 

Y sĩ Vệ  binh quốc gia tiêm vắc xin cho nhân viên Nhà máy bơ sữa Vermont tại điểm tiêm chủng dã chiến ở Websterville - Ảnh: AFP/Getty Images
Y sĩ Vệ binh quốc gia tiêm vắc xin cho nhân viên nhà máy bơ sữa Vermont tại điểm tiêm chủng dã chiến ở Websterville - Ảnh: AFP/Getty Images

Gần 9 tháng đã qua kể từ ngày vắc xin COVID-19 đầu tiên của Mỹ được đưa vào sử dụng. Trong suốt mùa đông 2020, Mỹ, Israel và Anh tự hào khi là những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, nhưng sau đó cả 3 quốc gia sau đều đã tụt lại xa trong cuộc đua tiêm chủng toàn cầu.

Biểu đồ thống kê toàn cầu của Our World In Data (OWD) công bố hôm 21/9 cho thấy hiện có 13 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cao nhất trên thế giới, không tính Trung Quốc và Malta do dữ liệu chưa đầy đủ. Hoa Kỳ, Israel và Vương quốc Anh được đưa thêm vào để so sánh, nhưng 3 nước này không lọt vào top 16.

Theo dữ liệu do New York Times thu thập được, Mỹ là quốc gia đứng thứ 39 trên thế giới về tỷ lệ tiêm chủng, Israel và Anh lần lượt xếp thứ 29 và 17.

Tính đến ngày 21/9, chỉ có 55% người Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, mặc dù Mỹ là nước đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, về tổng số mũi tiêm. Dữ liệu của OWD cho biết Mỹ đã tiêm 387 triệu liều vắc xin cho người dân. Tỷ lệ tiêm chủng của Anh và Israel đều vào khoảng 65%.

Ngược lại, Bồ Đào Nha, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Iceland đang chiếm 3 vị trí hàng đầu khi tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 79%.

 

 

Tình nguyện viên cung cấp thông tin tiêm chủng tại một trung tâm dã chiến ở Halifax (Anh) ngày 31/7 - Ảnh: Getty Images
Tình nguyện viên cung cấp thông tin tiêm chủng tại một trung tâm dã chiến ở Halifax (Anh) ngày 31/7 - Ảnh: Getty Images

Tốc độ tiêm chủng chậm lại ở Mỹ, Anh và Israel

Sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép tiêm vắc xin Pfizer và Moderna vào tháng 12/2020, Mỹ đã sớm vươn lên dẫn đầu cuộc đua tiêm chủng toàn cầu.

Israel, quốc gia đã mua 15 triệu liều vắc xin Pfizer trong 3 tháng ngay khi có nguồn cung, cũng đã nhanh chóng tiêm chủng cho người dân trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2021. Nước này cũng đã phê duyệt vắc xin AstraZeneca để sử dụng khẩn cấp từ ngày 30/12/2020.

Đến giữa tháng 3, Mỹ, Anh và Israel dẫn đầu thế giới về tiêm chủng khi lần lượt tiêm đầy đủ cho 3%, 13% và 52% dân số của mình.

Nhưng 3 tháng sau, tỷ lệ tiêm chủng của Israel chỉ đạt 59%. Tính đến ngày 20/6, Mỹ và Anh đã tiêm chủng cho khoảng 45% dân số. Nhưng vào thời điểm đó, tỷ lệ tiêm chủng tại Chile và Aruba đều đã đạt trên 50%.

Trong 3 tháng kể từ đó, tỷ lệ tiêm chủng của Israel, Anh và Mỹ tăng khiêm tốn, nhưng ít nhất 10 quốc gia - bao gồm Uruguay, Tây Ban Nha và Đan Mạch - đã vượt qua cả 3 nước “tiên phong” này.

Biểu tình chống vắc xin bên ngoài Bệnh viện Giám lý Houston ở Texas (Mỹ), ngày 26/6/2021 - Ảnh: AFP/Getty Images
Người dân biểu tình chống vắc xin bên ngoài Bệnh viện Giám lý Houston ở Texas (Mỹ), ngày 26/6/2021 - Ảnh: AFP/Getty Images

Do dự về vắc xin khiến Mỹ tụt hậu trong cuộc đua tiêm chủng

Việc chần chừ tiêm vắc xin đang là một lực cản quá lớn trong các chiến dịch tiêm chủng ở Mỹ. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Morning Consult, khoảng 1/4 người Mỹ không muốn tiêm vắc xin hoặc không chắc chắn về việc có tiêm hay không.

Ở Anh cũng xảy ra tình trạng chần chừ tiêm vắc xin, tình trạng người dân Vương quốc Anh dưới 30 tuổi không tiêm chủng dẫn đến việc chỉ 50% dân số trong độ tuổi này được tiêm chủng đầy đủ.

Theo NPR, Israel cũng đang phải đối mặt với một rào cản tương tự. Tính đến tháng trước, hơn 1 triệu người Israel đủ điều kiện trong độ tuổi từ 12 đến 20 đã không tiêm mũi vắc xin nào.

Cả 3 quốc gia này đều có tỷ lệ mắc bệnh tương đối cao. Theo dữ liệu của Reuters, số ca nhiễm ở Mỹ là 290/100.000 dân. Ở Anh và Israel lần lượt là 319 và 544 ca nhiễm trên 100.000 dân.

 

Tiêm vắc xin COVID-19 ở thành phố Ramat HaSharon của Israel. Ảnh chụp ngày 30/7/2021 - Ảnh: AP
Tiêm vắc xin COVID-19 ở thành phố Ramat HaSharon của Israel, ảnh chụp ngày 30/7/2021 - Ảnh: AP

So sánh với các quốc gia đang dẫn đầu trong cuộc đua tiêm chủng - như Bồ Đào Nha và Iceland - mỗi nước chỉ có 58 ca nhiễm trên 100.000 người (xấp xỉ 1/10 tỷ lệ nhiễm bệnh của Israel).

Tính đến đầu tháng 9, Mỹ đứng thứ hai về tỷ lệ do dự vắc xin trong số 15 quốc gia có thu nhập cao, chỉ sau Nga. Tỷ lệ người Mỹ không muốn tiêm chủng đã giảm chậm trong 6 tháng qua, trong khi đó, mức độ do dự tiêm vắc xin ở 14 quốc gia khác (được Morning Consult đưa vào khảo sát) giảm nhanh hơn Mỹ khoảng 2 lần.

Thanh Hiền (theo Business Insider)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI