'Moskva không tin vào nước mắt': Từ những điều bình dị…

11/07/2021 - 06:42

PNO - Từ chỗ không được kỳ vọng cao, bộ phim "Moskva không tin vào nước mắt" của đạo diễn Menshov trở thành tượng đài điện ảnh Nga nhờ khắc họa chân thật đời sống những phụ nữ thập niên 1950-1970.

COVID-19 vừa cướp thêm một cây đại thụ làng văn hóa nghệ thuật thế giới. Ngày 5/7, Vladimir Menshov - đạo diễn lừng danh Nga - qua đời ở tuổi 82 sau khi nhiễm vi-rút. Bên cạnh giới văn nghệ sĩ, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói lời chia buồn sâu sắc về nhà làm phim đã cống hiến trọn đời cho nghệ thuật.

Vladimir Menshov sinh năm 1939, từng là diễn viên trước khi làm đạo diễn. Ông xuất hiện trong hơn 100 tác phẩm và chỉ đạo năm phim, trong đó nổi tiếng nhất là Moskva không tin vào nước mắt (Moscow Does Not Believe in Tears) năm 1980. Bộ phim ghi dấu đậm nét với nhiều thế hệ người Việt, đến mức cụm từ “không tin vào nước mắt” đi vào văn hóa đại chúng ở các bài báo hay bình luận thể thao.

Đạo diễn Menshov vào năm 2018
Đạo diễn Menshov vào năm 2018

Sự phi thường từ những điều giản dị

Bằng thủ pháp điện ảnh đa dạng và khả năng điều tiết diễn xuất tuyệt vời, Menshov đã tạo ra tác phẩm giàu cảm xúc và đầy chất Nga. Moskva không tin vào nước mắt có kịch bản không quá phức tạp hay giật gân, phim chỉ kể về những mảnh đời bình thường.

Lấy bối cảnh Moskva năm 1958, phim xoay quanh ba cô gái Antonina (Raisa Ryazanova), Lyudmila (Irina Muravyova) và Katerina (Vera Alentova). Họ từ tỉnh lẻ lên thủ đô lập nghiệp, cùng ở trọ và thân thiết nhau. Với tính cách khác biệt, mỗi người bước vào một số phận. Antonina là cô gái dễ mến, hẹn hò với anh chàng công nhân Nikolai (Boris Smorchkov). Lyudmila phóng khoáng, đặt mục tiêu kiếm được người chồng giàu có. Cô không ngại tận dụng những bữa tiệc hay cử chỉ quyến rũ để thu hút đàn ông.

Mảnh ghép thứ ba trong phim là Katerina, nghiêm túc, đứng đắn và giàu chí tiến thủ. Vừa làm việc ở nhà máy, cô vừa nỗ lực để lấy bằng đại học. Song, cuộc đời lại thử thách Katerina bằng sự truân chuyên. Cô yêu Rudolf (Yuri Vasilyev), một nhà quay phim ở đài truyền hình nhưng bị anh ta ép buộc quan hệ và không may có thai. Rudolf không chịu kết hôn và biến mất còn Katerina không thể phá thai do đứa bé trong bụng đã quá lớn.

Nửa phần sau của câu chuyện diễn ra vào năm 1979, khi Katerina sống cùng con gái là Aleksandra (Natalya Vavilova). Bằng nỗ lực của mình, cô đã trở thành giám đốc một nhà máy lớn. Dù thành đạt, Katerina vẫn cảm thấy trống vắng về tình cảm. Một ngày nọ, định mệnh khiến cô gặp gỡ người đàn ông tử tế tên Gosha (Aleksey Batalov). Nhưng, Rudolf cũng xuất hiện trở lại (với tên mới là Rudion) khiến cô khó xử. Antonina và Lyudmila vẫn thân thiết với Katerina và cố giúp đỡ bạn mình.

Bộ phim đan xen hài hòa chuyện tình yêu, gia đình và các vấn đề xã hội
Bộ phim đan xen hài hòa chuyện tình yêu, gia đình và các vấn đề xã hội

Trong hồi ký, đạo diễn Menshov nói Moskva không tin vào nước mắt không nhận quá nhiều kỳ vọng khi ra mắt. Đó chỉ là một trong số nhiều tác phẩm xuất xưởng từ Mosfilm, hãng phim lớn nhất của Liên Xô thời đó. Phim có câu chuyện không quá đặc biệt, không quy tụ nhiều ngôi sao. Menshov lúc đó cũng chỉ là một đạo diễn bình thường so với những tượng đài điện ảnh Liên Xô thế kỷ XX như Andrei Tarkovsky, Sergei Eisenstein…

Nhưng rồi bộ phim bất ngờ ăn khách, trở thành một trong những tác phẩm được khán giả yêu thích nhất thập niên 1970. Thành công của nó đến từ cách xây dựng các nhân vật gần gũi mà mỗi người đều có thể thấy bóng dáng mình trong đó.

Antonina bình dị, an phận và hoàn thành trọn vẹn vai trò người vợ, người mẹ theo quy chuẩn xã hội thời đó. Lyudmila táo bạo, xem cuộc đời như trò xổ số mà cô có thể đổi vận nếu chiến thắng. Cô không ngần ngại bày trò nói dối về thân phận của mình để “câu” những chàng trai có địa vị. Nhân vật này mang đến nhiều tình huống thú vị, đồng thời trải qua những vay - trả của đời sống. Cô thỏa nguyện khi kết hôn với một vận động viên thể thao nổi tiếng để rồi sau đó anh ta xuống dốc vì rượu chè.

Katerina có lẽ là người nhận được nhiều sự đồng cảm nhất từ khán giả với cá tính mạnh mẽ và số phận bi kịch. Cô vừa nuôi con gái, vừa chăm chỉ làm việc để đạt địa vị cao trong xã hội. Ở độ tuổi tứ tuần, cô vẫn lận đận trong việc tìm kiếm hạnh phúc, trải qua mối quan hệ không như ý với một người đàn ông đã có vợ. Cả khi tìm được tình yêu đích thực với Gosha, Katerina vẫn gặp nhiều rào cản do địa vị hai bên.

Xuất thân là diễn viên, Menshov có ưu thế rõ ràng ở khâu chỉ đạo diễn xuất. Dưới bàn tay của ông, các đoạn hội thoại diễn ra chân thật, ăn ý, pha chút hóm hỉnh kiểu Nga. Dù kịch bản mang chất melodrama (kiểu phim nhấn mạnh về cảm xúc, đôi khi bị chỉ trích là quá thiên về câu nước mắt), đạo diễn có cách xử lý gọn gàng trong nhiều tình huống.

Vera Alentova đã có vai diễn để đời trong bộ phim của chồng
Vera Alentova đã có vai diễn để đời trong bộ phim của chồng

Katerina được xây dựng như một phụ nữ có tri thức, bản lĩnh chứ không phải kiểu “nữ hoàng sầu muộn” bi lụy. Nhân vật này được thể hiện hài hòa qua diễn xuất của Vera Alentova, vợ của Menshov. Minh tinh đặc biệt tỏa sáng ở những cảnh cuối phim, khi Katerina trải qua mâu thuẫn nội tâm lúc gặp lại người yêu cũ Rudion, sau đó đoàn tụ với Gosha ở hồi kết. Điều thú vị là Vera Alentova không thật sự thích kịch bản sau khi đọc lần đầu. Tuy nhiên, cô vẫn đến thử vai và có màn trình diễn làm hài lòng người chồng. Ở tuổi 36, Vera vẫn đủ trẻ trung để hóa thân nhân vật ở thời son trẻ.

Hai người còn lại trong nhóm bạn nữ cũng là những mảnh ghép thú vị, tạo ra nhiều hỉ nộ ái ố trên màn ảnh. Cách sắp xếp tính cách của bộ ba nhân vật - một người chịu khó, một người bùng nổ, một người trung tính - cũng là công thức quen thuộc cho nhiều phim tâm lý tình cảm.

Ở nửa sau phim, Natalya Vavilova thổi thêm sức trẻ cho tác phẩm trong vai cô con gái của Katerina. Lúc đó, cô đang là sinh viên và không được gia đình tán đồng chuyện đóng phim. Đạo diễn Menshov phải nhờ cậy ngôi sao Aleksey Batalov đến tận nhà Natalya để thuyết phục cha mẹ cô.

Góc nhìn về xã hội Nga

Với hai diễn biến cách nhau 20 năm, Moskva không tin vào nước mắt cũng làm tốt vai trò phản ánh đời sống xã hội Liên Xô bấy giờ. Bộ phim lấy trung tâm là những người bình thường và quá trình họ ứng biến với những khó khăn trong đời sống như đổ vỡ tình yêu, thiếu thốn vật chất hay xung đột quan điểm. 

Ở thời điểm đó, phương Tây, đặc biệt là giới nghệ thuật, thường nghĩ nhiều hơn về những mặt tiêu cực của xã hội Liên Xô. Moskva không tin vào nước mắt cho thấy một gương mặt khác của đất nước này, nhiều niềm vui và sự tươi đẹp. Ở đó, một phụ nữ tỉnh lẻ như Katerina vẫn có thể vươn lên địa vị cao nhờ năng lực bản thân, có thể đơn thân nuôi dạy con cái.

Trailer phim Moskva không tin vào nước mắt

Dù vậy, sự phê bình xã hội vẫn được đan cài trong tác phẩm. Ở năm 1958, Liên Xô đã dần cởi mở hơn sau thời Stalin, tạo ra nhiều cơ hội cho người dân. Thế nhưng xã hội này vẫn có những rào cản nhất định về thứ bậc, thứ mà kiểu người như Lyudmila muốn “nhảy cóc” để vượt qua. Cô gái trẻ cũng nhận định cách nói năng đúng mực là điều kiện cần để những người thuộc nhóm dưới có thể được nhóm trên chấp nhận.

Sự khúc mắc trong câu chuyện giai đoạn sau lại nằm ở quan điểm e sợ phụ nữ thành đạt. Người Katerina yêu, Gosha, gần như toàn diện về mọi mặt nhưng lại nuôi suy nghĩ phụ nữ không được kiếm nhiều tiền hơn đàn ông. Nhà biên kịch khéo đan cài tình tiết là một bữa ăn của Katerina và Gosha, rồi Rudion xuất hiện và để lộ việc cô là giám đốc. Gosha bỏ đi không phải vì ghen với người yêu cũ của bạn gái mà bởi cô có địa vị cao hơn anh và che giấu điều đó trong lúc hẹn hò. 

Cũng như nhan đề “không tin vào nước mắt”, bộ phim hướng đến thông điệp tích cực khi các nghi ngờ, định kiến dần được tháo gỡ ở hồi kết.

Những giá trị độc đáo khiến bộ phim được đón nhận rộng rãi ở cả trong nước lẫn phương Tây và nhiều nước châu Á. Ở Oscar năm 1981, Moskva không tin vào nước mắt thắng tượng vàng cho phim nước ngoài xuất sắc nhất. Ở Liên hoan phim Berlin năm 1980, tác phẩm cũng được đề cử giải Gấu Vàng.

Năm 1985, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã xem phim ít nhất tám lần để chuẩn bị cho lần đầu gặp gỡ với lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachyov. Ông Reagan muốn tìm hiểu cái gọi là “linh hồn Nga” và bộ phim của Menshov được xem như truyền tải trọn vẹn điều đó. 

Ân Nguyễn 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI