Tết này mang gì về cho mẹ?

Món quà quý giá nhất với mọi bà mẹ, mọi đứa con

02/02/2022 - 10:52

PNO - Tôi tin rằng đoàn tụ, sum vầy an vui ngay những ngày tết còn mẹ vẫn là món quà quý giá nhất, không chỉ cho mẹ mà cho cả chúng ta

Từ khi trong đầu còn chưa có khái niệm gì nhiều về tiền, vẫn đang được bố mẹ bao cấp hoàn toàn, chỉ học xong bài là đọc sách, tôi đã rất ấn tượng với một truyện ngắn về chàng trai thành đạt nọ đi làm xa nhà. Anh thường gửi quà cho cha là một chiếc áo mới. Quá bận rộn, chàng trai ấy chỉ về quê khi hay tin cha mất. Mở ngăn tủ đựng các di vật, anh đã khóc nấc khi thấy chồng áo sơ mi còn nguyên giấy gói, chưa mở.

Vốn lớn lên, chịu nhiều ảnh hưởng bởi sách (tương tự như các con giờ gắn với internet, mạng xã hội), từ đó, tôi đã luôn tâm niệm sẽ về bên bố mẹ ngay mỗi khi có thể, tự tay mang cho bố mẹ những món quà dù nhỏ nhưng “ép” ông bà dùng ngay, không để ông bà cứ cất đi và nhất là để không khi nào phải tiếc rằng lẽ ra mình đã làm được nhiều hơn cho bố mẹ. Đặc biệt là dịp tết thì kiểu gì cũng phải có mặt ở nhà vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng Một.

Quà cho bố thì đơn giản vì ông vốn dễ tính và sẵn lòng dùng chung với mẹ nên tôi chỉ thường tự hỏi món quà mẹ mình thích nhất là gì.

Món quà quý nhất, cha mẹ cần nhất, chính là sự sum vầy
Món quà quý nhất, cha mẹ cần nhất, chính là sự sum vầy

 

***

Mẹ tôi thích được ngắm con cháu xuýt xoa thưởng thức các món ăn vừa nấu, thích cảnh chúng tôi mỗi cuối tuần về thăm lại gói ghém hộp lớn hộp bé mang đi. Mẹ thích áo đẹp, túi đẹp, son đẹp hay kẹp tóc con dâu con gái mua tặng dù chẳng bao lâu sau mẹ sẽ mang tặng lại các dì, các cô, các mợ nếu họ trầm trồ khen khi thấy.

Có lần khi tôi dặn: “Cái khăn này là cái thứ n, bà phải để dùng đấy” thì lại tần ngần khi thấy mẹ rờ tay lên lớp lụa mịn: “Nó đẹp quá! Hay là con cố tìm thêm cho mẹ một cái thật giống để tặng luôn cho cô Hương (cô bạn thân cùng đội bơi của mẹ tôi khi 10 tuổi, giờ cũng đã thất thập)”. Hóa ra các bà đã lên lão vẫn thích diện đồ đôi.

Mẹ tôi yêu cây. Nhài, cúc, hồng, sen đá… luôn phủ kín, thay nhau nở trên cái ban công tí tẹo vài mét vuông ở căn nhà cũ. Khi đã trưởng thành, sau mỗi chuyến đi hoặc vào dịp cuối năm, quà tôi và các em tôi mang về cho mẹ thường là những cây bà đã từng trồng. Hai cây hoa mộc, loại cây bà thích từ thời con gái, được bạn tôi gửi cách xa vài ngàn cây số, hàng năm sau vẫn được bà nâng niu mỗi ngày.

Mẹ đặc biệt thích trái cây đúng mùa, đặc sản vùng miền như chanh đào, bưởi Diễn, mơ, mận, hồng ngâm… Nhiều loại bà tự tay muối, ngâm đường, mật ong, sắp sẵn vào các hộp thủy tinh thật đẹp để tôi mang tặng bạn bè, thầy cô của các con và cười mãn nguyện khi nghe kể cô giáo của Chíp nói năm nay cô đỡ ho nhiều vì có hũ chanh đào; cô giáo Rock nói bánh chưng thật ngon, đã lâu rồi cô không được ăn bánh có lớp vỏ xanh dẻo ngon đến thế…

Mẹ tôi cũng thích tiền mới, những bao lì xì đẹp. Đêm giao thừa, trên mâm cúng thế nào cũng có những phong bao có tiền mới, trong chứa tờ có mệnh giá to nhất… Sau khi cúng giao thừa, bà sẽ phát tận tay các con và đó là tiền lộc mà chúng tôi sẽ cất trong bóp cả năm lấy hên, chỉ tiêu vào những việc đặc biệt có ý nghĩa. 

Một sáng đầu tháng Chạp, tôi nhận được gói măng miến cô hàng xóm vừa đi Hà Nội về mang tặng. Cô kể về chuyến đi ăn tết sớm cùng bố mẹ vì sợ tình hình dịch bệnh chưa biết sẽ ra sao.

“Ông bà chỉ mong nhìn thấy bọn em tận mắt sau cả năm trời giãn cách nơi này nơi kia, đi lại khó khăn. Bọn em ra cho ông bà yên tâm, cũng để đưa ông bà đi chơi Tà Xùa như mong muốn từ trước dịch. Các con càng lớn, chúng ta càng phải tâm niệm là những ngày cha mẹ đi xa mình rồi sẽ đến. Năm nào chúng em cũng cố gắng sắp xếp đưa ông bà đi chơi, đi thăm quê vì chả biết khi nào ông bà còn khỏe, còn đủ sức để đi. Mình phải chạy đua với tuổi già của bố mẹ ngay từ bây giờ kẻo muộn.

Ba năm trước chúng em cùng đưa các bà đi tour Vạn Lý Trường Thành. Bố mẹ em còn đi được nhưng mẹ chồng em lớn tuổi hơn, chỉ có thể đứng dưới nhìn lên, rất thương.

Năm nay nếu đi chắc bố mẹ em cũng không còn leo được nữa rồi” - người phụ nữ hai con bận bịu công việc cả online lẫn offline suốt mùa dịch trong thời gian Sài Gòn giãn cách ấy ngày nào cũng FaceTime nói chuyện ít nhất vài phút với mẹ để bà yên tâm rằng gia đình con gái vẫn an toàn.

Nói chi xa xôi, chỉ Phú Nhuận với Gò Vấp như nhà tôi, mỗi khi đọc thấy tin nhắn “tìm người…” từ các điểm có khả năng con cháu hay lui tới là mẹ tôi cũng gọi điện thoại nhắc chừng, mà thật ra để bà chắc rằng con mình chưa bị đi cách ly, trong khi ông bà mới là những đối tượng không chỉ con gái ông bà mà cả xã hội đều lo lắng suốt mùa dịch. 

ẢNH: QUÁCH HIỀN
Ảnh: Quách Hiền 

 

***

Rồi sẽ đến lúc việc lên mảnh vườn nhỏ trên sân thượng để tưới cây hằng ngày cũng trở thành một sự cố gắng không nhỏ với mẹ. Cúi nhặt lá rụng, cắt những cành khô vươn khỏi ban công… những việc đơn giản vô cùng cũng cần kiên nhẫn chờ mẹ, từ từ thôi… 

Rồi sẽ đến lúc chở mẹ ngồi sau xe máy đi sắm tết, đi thăm bà con xa gần giữa nắng gió, khói bụi… cũng là việc không dễ. 

Rồi sẽ đến lúc tết đến, bà nhận các bao lì xì của con cháu biếu tặng: “Đây là tiền thưởng tết của con, bà ngoại tiêu thoải mái đi” nhưng cười mãn nguyện xong bà sẽ lại cất để cho ai đó chứ “bà có đi đâu mà tiêu pha mua bán gì”.

Rồi sẽ đến lúc cầm tay những đứa cháu giờ cao vượt lên, bà đứng chỉ đến ngang vai chúng, hãnh diện bước vào đám tiệc nhà họ hàng, người thân, thấy mọi người tíu tít khen các cháu cao thế, xinh thế… cũng sẽ chỉ là mong muốn không dễ thực hiện vì bọn trẻ giờ đã xa nhà.

Là những công dân toàn cầu, về thăm, ghé qua nhà, ôm bà âu yếm vài phút, ăn một bữa cơm thật nhiều rau xanh trong đó có món canh tần ô ưa thích, trò chuyện cùng ông… với chúng sẽ là một phần trong cả kế hoạch của năm. 

Rồi sẽ đến lúc bếp là của em gái, em dâu và tôi. 

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

 

Giờ, mẹ vẫn thi thoảng vào bếp nhưng không thể đứng suốt mấy tiếng đồng hồ để nấu chè mè đen, làm muối vừng, làm ruốc thịt, kho cá… cũng không thể ngồi cả buổi sáng nhặt kiệu, xắt rau củ rồi phơi khô, thu dọn một mình. 

Những ngày gần tết, bếp nhà rộn rã tiếng con cháu, thi thoảng vang lên tiếng bà mắng đứa nào lau bàn thờ ẩu quá, lấy khăn còn ướt mà lau như vắt mũi quẹt ngang thế này; đứa nào phụ ông tưới cây mà phun nước muốn trốc cả gốc, đất văng qua miệng chậu thế kia. Ngày tất niên, chúng tôi đường đường là chủ gia đình nhỏ của mình, ở nhà mình tha hồ ra lệnh cho người này người kia nhưng khi sang nhà bố mẹ vẫn ngoan ngoãn nghe cắt đặt, răm rắp xếp chậu hoa, dọn bưng mâm cúng, chặt gà, như chân sai vặt. Thi thoảng có “bật lại” cũng chỉ là trêu bà trêu ông cho vui chứ đa phần là vâng lời.

Mùi hương trầm, mùi xôi nếp chín, mùi ngậy thơm của những món ăn quyện trong tiếng mẹ kể lể, chuyện trò; tiếng bọn trẻ chí chóe, phân trần… chính là tết. Tất cả những nôn nao ấy khiến chúng tôi thấy mọi bôn ba, nhọc nhằn, sợ hãi, lo lắng… đều là chuyện đã qua; mọi ưu phiền đều nằm ngoài ngưỡng cửa. Tôi tin rằng đoàn tụ, sum vầy an vui ngay những ngày tết còn mẹ vẫn là món quà quý giá nhất, không chỉ cho mẹ mà cho cả chúng ta - những món quà không thể gói, không bao giờ cũ và không phải cứ có tiền là mua lúc nào cũng được. 

Thế nên, năm nào sát tết, cũng như rapper Đen Vâu, tôi luôn hỏi: “Mẹ cần gì không?” nhưng trong lòng đã có sẵn câu trả lời. 

Lê Lan Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI