Món dưa cải ân tình

13/02/2024 - 19:19

PNO - Tôi nướng khô, rồi bày thêm dĩa dưa cải. 2 đứa vừa ăn vừa rúc rích khoe áo mới, tiền lì xì. Chỉ vậy thôi đã thấy tết dường như trọn vẹn.

 

Món dưa cải dễ làm lại đưa cơm (ảnh minh hoạ)
Món dưa cải dễ làm, lại đưa cơm - Ảnh minh họa

Những ngày đầu tháng Chạp, khắp các chợ đã thấy bán cải xanh - thứ cải mùi hăng nồng, không hợp nấu canh, nhưng làm dưa chua thì... ngon thôi rồi. Người bán lại vạt bớt lá, chỉ còn bẹ cải to ôm chặt búp cải non bên trong. Nhìn là biết cải ngon.

Khoảng đầu tháng 11 Âm lịch, má tôi đã mua hạt cải về gieo. Má lu bu công việc đồng áng nên giao tôi nhiệm vụ tưới cải, nhổ cỏ, xới gốc. Má dặn: “Tết nhất, cả nhà trông chờ vào đám cải để muối dưa. Con ham chơi, không trông chừng là nhà mình mất tết”. Lời dọa của má cũng đủ nặng cân, nhưng cái nết ham chơi của tôi còn nặng hơn.

Bữa tôi đang tưới cải, nhỏ Điệp chạy sang rủ đi bắt hôi vì nhà thím Năm đang tát đìa. Tôi hớn hở xách thùng chạy theo Điệp. Bữa đó tôi bắt được non nửa thùng cá sặc, cá lòng tong, nhưng bị má cho một trận đòn vì lúc đi tôi quên đóng cổng rào, bị đám gà vịt lẻn vô rào bới đám cải te tua. Tôi khóc vì đau thì ít mà vì tết không được ăn dưa cải thì nhiều.

Má của Điệp nghe chuyện, bảo Điệp mang sang nhà tôi mấy chục cải để ăn tết. Má tôi mừng như bắt được vàng. Tôi thì khỏi nói, ôm Điệp quay vòng vòng, thấy nó là bạn tốt nhất quả đất. Tôi hớn hở cùng má mang cải ra bến sông để rửa, rồi trải ra đệm để phơi. Cải phơi hơi héo, má trụng qua nước sôi để cải bớt hăng, rồi xếp vô lu. Má nấu nước cho ít muối và đường, chờ nguội rồi đổ vào lu cải. Muốn cải mau chua, má cho thêm nước vo gạo. Chừng một tuần là cải ngả màu vàng chanh, thấm vị chua. Muốn dưa cải ngon, phải cắt khúc rồi ướp với ít đường, tỏi ớt.

Mấy ngày tết, ăn thịt kho tàu với dưa cải chua thì bao nhiêu cơm cũng hết. Vị cải chua ngọt, cay cay, giòn rụm, đánh bay cái ngấy của thịt mỡ. Món bánh tét chiên ăn cùng dưa cải cũng rất hợp. Cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng với rau sống, thêm ít cải chua, ăn tới no bụng vẫn còn thèm. Buổi trưa buồn buồn, nhỏ Điệp mang qua nhà tôi mấy con khô cá lóc. Tôi nổi lửa nướng khô, rồi bày thêm dĩa dưa cải. 2 đứa vừa ăn vừa rúc rích khoe áo mới, khoe tiền lì xì… Chỉ vậy thôi đã thấy tết dường như rất trọn vẹn.

Đứa trẻ nào rồi cũng lớn lên, hoàn cảnh mỗi đứa mỗi khác nhưng tình bạn giữa tôi và Điệp vẫn không thay đổi. Điệp không may mắn, nó lấy chồng vài năm thì ly hôn, mang 2 con về nhà ngoại. Mỗi lần tết đến, tôi về quê đều sang nhà Điệp. Tôi mua cho các con của Điệp vài bộ quần áo mới, ít bánh mứt để mẹ con Điệp ăn tết. Thỉnh thoảng Điệp có dịp lên Sài Gòn, lại xách cho tôi mấy ký khô cá lóc, rau trái vườn nhà. Tôi mua quần áo, thường mua luôn cho Điệp, vì vóc dáng 2 đứa như nhau. Tôi và nó luôn nghĩ tới nhau khi thiếu thốn và cả khi đủ đầy.

Nhớ năm 2022, tết đến khi dịch dã vừa qua, nhà nhà lao đao vì mất việc, giảm thu nhập. Tôi sang nhà, Điệp ngập ngừng mãi mới nói: “Mày mua cho tao vài chục cải chua được không? Mấy tháng nay tao không mua bán được gì. Tết nhất, chỉ kho được nồi thịt cho tụi nhỏ khỏi tủi”. Tôi ôm con bạn cũ, thương nó đến xót xa. Món dưa bình dân thôi mà Điệp còn không mua nổi, đủ biết nó khó khăn cỡ nào.

Tôi dắt con Điệp ra chợ, để tụi nhỏ sà vào hàng bánh mứt, chọn mua tùy thích. 3 dì cháu sang hàng thịt, mua thêm mấy ký. Tôi mua thêm dưa cải, khô cá lóc… Trưa nay, tôi và Điệp cũng sẽ nướng khô, bày dưa cải ra ăn như tết năm nào. Mắt tụi nhỏ ngời ngời, cười nói tía lia. Tôi chợt thấy hình ảnh mình năm nào, khi Điệp xách mấy chục cải sang cho…

Mấy hôm trước, Điệp nhắn tôi: “Năm nay tao làm ăn được. Mày về tao chơi khỏi mua gì nghen. Tao muối sẵn lu cải, dành phần mày nửa lu, mang về thành phố ăn cho đã”. Không dưng tôi nghe mắt mình cay cay. Má tôi hay nói “ruột rà thương nhau là chuyện thường. Con và Điệp thương nhau vậy chắc kiếp trước 2 đứa là chị em”. Ngẫm má nói cũng phải, tôi và nó có khác gì chị em ruột thịt.

Phương Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI