Mẹ chồng giúp nàng dâu “làm đẹp để chồng giữ mình”

17/04/2022 - 05:28

PNO - Mẹ chồng chăm sóc tôi như với con ruột, bà luôn truyền cho tôi năng lượng tích cực, suy nghĩ lạc quan

Khi tôi chuẩn bị sinh con đầu lòng, mẹ chồng tôi từ Bình Định khệ nệ ôm vào bình rượu thuốc 10 lít và lỉnh kỉnh các gói thuốc lá. Tôi thầm nghĩ: “Thể nào bà cũng bắt xông hơ như các bà mẹ ở quê”. 

Nghĩ đến viễn cảnh đó trong những ngày hè nóng nực, tôi ngao ngán. “Bắt mạch” được tâm trạng tôi, mẹ chồng cười giải thích: “Cái này, con dùng để thoa mặt, cổ, tắm cho da trắng hồng. Phụ nữ sinh xong, chăm con sẽ bỏ quên nhan sắc mình, con thoa cái này vừa đơn giản, nhanh mà da dẻ sẽ hồng hào, tươi tắn”. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Mẹ chồng tôi chăm sóc tôi như với con ruột (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Nghe mẹ chồng nói như các thẩm mỹ viện quảng cáo, tôi không nhịn được cười và “ừ à” cho qua chuyện. Vài hôm sau, em chồng kể cách đây bốn tháng, mẹ đã nhờ người quen ở Gia Lai đặt mua nghệ, gừng già của những người dân tộc đi đào trong núi. Mẹ mang về chà rửa xắt lát, canh phơi nắng sáng mỗi ngày một ít để gừng, nghệ không bị khô, mà chỉ “giôn giốt”. Sau đó mẹ tự nấu rượu đậu xanh rồi đem ngâm gừng, nghệ.

Một tháng sau, mẹ vớt gừng, nghệ đem xay, lọc lấy nước rồi cho vào hũ trở lại và đem hạ thổ ở góc vườn, gần cây mai 50 tuổi mà mẹ không bao giờ cho ai đào xới xung quanh. Đủ ba tháng mười ngày, mẹ đào lên và mang vào để con dâu làm đẹp. 

Nghe em chồng kể, tôi thấy có lỗi với mẹ chồng. Mẹ đối xử với tôi như con ruột. Biết tôi thích ăn cá đồng, cứ 20 ngày, mẹ lại tiếp tế một thùng thức ăn, chủ yếu là các loại thủy sản đồng quê như cá lóc, cá rô, lươn, ếch… Mẹ cũng biết tính tôi tiết kiệm, vợ chồng lại sống theo kiểu tối giản, nên mỗi lần mẹ vào thăm là ra siêu thị tha về một đống thức ăn, rồi cả bột giặt, đường, bột ngọt, bột nêm và quần áo, giày dép cho tôi. 

Tôi nhớ, ngày chưa cưới, chồng tôi đưa tôi về quê ra mắt nhà anh, tình cờ khi ra sau vườn, tôi nghe loáng thoáng câu nói của mẹ chồng: “Con Thu ốm quá”. Tôi quày quả bước vô và giận bà. Bởi tôi nghĩ, bà cũng như bao người khác, thấy ngoại hình “siêu mỏng, siêu gầy” của tôi là thể nào cũng chê “ốm quá làm sao sau này có sức sinh nở con?”. 

Tôi là người không giỏi giấu cảm xúc, nên có lẽ gương mặt “đưa đám” của tôi đã làm chồng thắc mắc. Buổi tối, anh gặng hỏi mãi, tôi cũng huỵch toẹt chuyện tôi nghe mẹ nói lúc chiều. Anh cười và vỗ đầu tôi: “Nàng ơi, bỏ bớt tính suy diễn, đa nghi đi. Câu đầu của mẹ đúng là vậy, nhưng câu sau là: “Con ráng chăm con Thu nghen, lo tẩm bổ cho nó, chứ nó ốm nhìn thương quá. Mai mốt mẹ gửi đồ ăn thường xuyên cho hai đứa”. Tôi nghe xong, cười quê độ và lòng mừng khấp khởi vì có mẹ chồng tương lai quá tình cảm. 

Qua hôm sau, trong lúc nấu ăn cùng nhau, mẹ chồng tỉ tê với tôi: “Khi Thành dẫn con về, thì mẹ đã xem con như con cái trong nhà, nên những gì mẹ nói, hành xử cũng là cái tình của bà mẹ với con cái, con đừng nghĩ ngợi. Có buồn phiền gì, nói cho mẹ biết. Vợ chồng sau này chung sống cũng vậy, có điều chưa hài lòng, hay giận hờn là phải nói, chứ giữ trong lòng vừa mệt người, vừa sẽ không hiểu được nhau”. 

Lần này mẹ chồng lại tiếp tục đầu tư cho sự nghiệp làm đẹp của con dâu khi tôi chuẩn bị sinh. Ngoài rượu thuốc, má còn đem những gói thuốc tắm dược liệu, tất cả để phục vụ cho sự khỏe và đẹp của con dâu. Tôi cực kỳ ưng quan điểm của mẹ “phụ nữ làm đẹp là để chồng giữ mình, chứ không phải để giữ chồng”. 

Trong những ngày sắp “nằm ổ”, ngoài chồng, bên cạnh tôi còn có mẹ chồng. Ngoài nấu những món ăn ngon cho tôi, bà còn luôn truyền cho tôi năng lượng tích cực, suy nghĩ lạc quan qua những câu chuyện của cuộc đời bà - một người phụ nữ lao động vất vả, nhưng luôn thảnh thơi tâm hồn và hạnh phúc với sức mạnh nội tại. 

Ngọc Thu (Q.7, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI