Giữ niềm vui vào bếp cho mẹ chồng

06/03/2022 - 06:04

PNO - Mẹ chồng tôi bị sa sút trí tuệ. Không còn vị trí chủ nhân của căn bếp, mỗi lần thấy tôi nấu ăn, mẹ lại nhìn xa xăm như cố nhớ điều gì đó.

Đều đặn mấy tháng nay, vào buổi sáng trước khi đi làm, tôi luôn nấu sẵn hai món mặn cho bữa ăn trưa và chuẩn bị nguyên liệu món canh cho mẹ ở nhà nấu. Với việc dọn dẹp bếp, tôi sẽ rửa nồi niêu xoong chảo, nhưng luôn để lại mấy cái chén cho mẹ rửa sau mỗi bữa cơm. 

Chồng thắc mắc sao tôi lại bày ra như thế, trong khi tôi hoàn toàn có thể làm hết những việc đó. Tôi giải thích: “Em muốn giữ niềm vui vào bếp cho mẹ”, chồng có vẻ không tin, nhưng nhìn mẹ vui vẻ hơn so với trước, chắc hẳn anh đã hết băn khoăn.

Mẹ chồng tôi đã hơn 70 tuổi, bà bị mắc chứng sa sút trí tuệ hơn một năm nay. Ngày trước, mẹ quán xuyến toàn bộ việc nhà từ đi chợ đến nấu cơm nên tôi không phải lo lắng nhiều. Nhưng từ khi có bệnh, mẹ hay quên và không thể làm hết mọi việc. Khi chưa phát hiện ra bệnh, thỉnh thoảng mẹ nấu canh rất mặn, cá kho bị cháy, các món nấu lẫn lộn nhau và thường xuyên nấu cơm không đổ nước hoặc quên bật nút.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Mỗi lần như thế, mẹ rất căng thẳng mệt mỏi vì cả nhà không có được bữa cơm ngon như trước. Mẹ giải thích là do mẹ không để ý, nhưng tôi thấy không bình thường. Mẹ vốn là người tỉ mỉ, cẩn thận và nấu ăn rất ngon. Ngày tôi mới về làm dâu, mẹ chỉ bảo cho tôi rất nhiều, từ cách kho cá, nấu canh đến chuẩn bị các mâm cỗ. Nhờ có mẹ mà khả năng nấu nướng của tôi tốt hơn, từ chỉ biết xào rau, luộc trứng tôi có thể nấu nhiều món, bày biện trang trí bắt mắt. 

Tôi biết, nấu ăn là niềm đam mê của mẹ nên không thể có chuyện mẹ sơ suất liên tục như thế. Tôi cũng để ý thấy mẹ thường xuyên phải đi tìm đồ dùng cá nhân vì không nhớ để ở đâu, thậm chí quên luôn tên của cháu nội.

Biết tình hình không ổn, vợ chồng tôi đưa mẹ đi khám, bác sĩ kết luận mẹ đang ở giai đoạn đầu của bệnh sa sút trí tuệ. Bệnh không thể chữa khỏi, chỉ có thể hạn chế sự tiến triển của bệnh bằng thuốc và sự chăm sóc của người thân. 

Chúng tôi rất sốc, còn mẹ có phần suy sụp tinh thần khi phát hiện ra bệnh. Chồng tôi muốn mẹ được nghỉ ngơi hoàn toàn nên không cho mẹ làm bất cứ việc gì. Mỗi lần mẹ định vào bếp, anh lại ngăn cản quyết liệt. Tôi biết mẹ buồn, mỗi lần thấy tôi nấu ăn, mẹ lại nhìn xa xăm như cố nhớ điều gì đó. 

Tôi đọc thêm các tài liệu nghiên cứu về bệnh này mới biết, nếu cứ để người bệnh ngồi yên, không hoạt động thì bệnh sẽ nặng nhanh hơn. Cộng thêm áp lực tâm lý, luôn nghĩ mình vô dụng sẽ khiến người bệnh chán nản, ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị.

Mẹ tôi suốt mấy chục năm gắn bó với cái bếp và các món ăn, giờ bỗng dưng không được vào bếp, bà sẽ rất buồn. Vì thế, tôi thuyết phục chồng để mẹ làm những việc đơn giản, không nguy hiểm. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Ngày nào đi làm, trước khi ra khỏi nhà, tôi luôn nhờ mẹ: “Gần trưa, mẹ nấu canh giúp con nhé, đồ con để sẵn ở bếp rồi”. Chỉ nấu một món, mẹ không lẫn lộn nhiều, dù vẫn có lúc món ăn bị mặn vì nêm muối tới hai lần. Tôi thấy mẹ vui vì được vào bếp và không phải chịu áp lực khi phải nấu ăn cho cả nhà mà lúc nhớ lúc quên. 

Những ngày được nghỉ, tôi dành thời gian vào bếp cùng mẹ ôn lại cách nấu những món cũ. Nhìn mẹ chăm chú học lại những gì mình đã từng thành thạo, tôi thương vô cùng. 

Dù càng ngày mẹ quên càng nhiều, chỉ nhớ rõ những chuyện quá khứ xa xôi nhưng thấy mẹ vui khi được vào bếp, chúng tôi đều bớt nặng lòng. 

Hà Lam

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI