Bị bạo hành như thời trung cổ suốt 1 năm, tại sao không lên tiếng?

02/12/2021 - 19:57

PNO - Bạo lực gia đình luôn là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Mới đây nhất, hình ảnh bị bạo hành của siêu mẫu Khả Trang, người từng lọt top 25 cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia (Miss Supranational 2016) đã khiến công chúng bàng hoàng, phẫn nộ.

Người nổi tiếng cũng bị hành hạ

Theo như chia sẻ trên mạng xã hội Facebook tối 30/11, siêu mẫu Khả Trang đã khiến không ít khán giả cảm thấy bàng hoàng. Hơn 20 tấm hình cô tự chụp cho thấy chi tiết về tình trạng bản thân sau khi bị hành hung.

Theo những hình ảnh được đăng tải, chân dài đình đám một thời của showbiz Việt gặp khá nhiều vết thương nghiêm trọng như chảy máu đầu, rách mũi, tụ - bầm tím mắt trái cũng như các vết bầm tím khắp cơ thể từ chân tay cho đến lưng.

Những hình ảnh của một siêu mẫu khiến dư luận xót xa
Những hình ảnh kinh khủng của siêu mẫu Khả Trang khiến dư luận xót xa

Cũng trong bài đăng tối qua, bên cạnh những hình ảnh gây sốc, siêu mẫu Khả Trang chia sẻ thêm nguyên nhân: "Đây là lý do em mất tích mọi người ạ. Em bị từ khi bầu tới tháng thứ 3 và tới khi ở cữ thì như này. Hiện em đã bình phục rồi. Nhân đây mẹ con cháu cũng cảm ơn cô, bác Lai và một cơ số người đã cưu mang giúp đỡ mẹ cháu để cháu được lành lặn ra đời ạ".

Bên cạnh sự phẫn nộ của không ít cư dân mạng, dòng trạng thái của Khả Trang cũng thu hút được sự quan tâm, chia sẻ, động viên của nhiều đồng nghiệp như hoa hậu H’Hen Niê, siêu mẫu Xuân Lan…

Tuy nhiên, nếu điểm lại trong showbiz Việt, Khả Trang không phải trường hợp duy nhất gặp phải nạn bạo hành gia đình.

Bạo hành gia đình không còn là câu chuyện mới. Ở đâu, thời kỳ nào, xã hội nào cũng có. Thậm chí nó còn là một vấn đề khó giải quyết, vì nó diễn ra trong bóng tối, âm thầm phía sau cánh cửa mỗi ngôi nhà.

Người trong cuộc chẳng dễ gì mà nói ra được vấn đề của mình. Họ còn phải giữ hình ảnh, thể diện, giữ bình yên cho con cái. Nhất là những gia đình nổi tiếng, câu chuyện chỉ có thể được hé lộ khi “cây muốn lặng gió chẳng đừng”, hoặc khi những bức xúc, tổn thương đã là đỉnh điểm.

Còn nhớ, nghệ sĩ Xuân Hương kể lại chuyện mình từng bị chồng vác dao rượt đuổi. Nữ nghệ sĩ chia sẻ thêm: “Trong quá khứ, Thanh Bạch từng đánh tôi hai lần, đó là lúc con trai tôi còn rất nhỏ. Ông ấy đánh tôi để bênh vực gia đình mình một cách mù quáng, dù lúc ấy Thanh Bạch và gia đình ông làm sai nhưng khi tôi nói cái sai của họ thì tôi bị đánh”.

Cũng chỉ vài tháng trước đây, ngày 22/6, nữ diễn viên Hoàng Yến, người thủ vai “cô Xuyến” trong bộ phim truyền hình “Về nhà đi con”, đã bị chồng hành hung khi đang ở quán của người bạn thuộc phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội. Cú đấm của người chồng vũ phu đã khiến nữ diễn viên gãy xương mũi, sau khi được bạn bè can ngăn người chồng thứ tư của nữ diễn viên bỏ đi và một lúc sau cầm dao quay lại. Cũng may là dưới sự bảo vệ của bạn bè, nữ diễn viên được an toàn tính mạng. Nhưng trước khi bỏ đi, anh ta đe dọa giết cả gia đình, khiến cô và gia đình luôn sống trong hoang mang, sợ hãi.  

Những con số kinh hoàng

Những trường hợp nêu ra trên đây chỉ là những ví dụ tiêu biểu được công chúng quan tâm bởi những nạn nhân là người nổi tiếng trong khi thực tế hiện trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam đáng báo động hơn nhiều. 

Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).

Cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6 % bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).

Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đã thực hiện thành công điều tra quốc gia lần thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt sử dụng phương pháp điều tra đa quốc gia về tình hình sức khỏe của phụ nữ và bạo lực gia đình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Từ 2 cuộc điều tra cách nhau gần 1 thập niên cũng đã chỉ ra cho chúng ta thấy những điều đáng suy ngẫm. 

Tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời năm 2019 (13,3%) cao hơn so với năm 2010 (9,9%). Điều này đặc biệt đúng ở nhóm phụ nữ trẻ ở độ tuổi từ 18-24 (13,9% năm 2019 so với 5,3% năm 2010).

Ở Việt Nam, phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Cứ 10 phụ nữ thì có 1 người (11,4%) trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%).

Siêu mẫu Khả Trang bị chồng chưa cưới bạo hành đến mức không ai nhận ra
Siêu mẫu Khả Trang bị chồng chưa cưới bạo hành đến mức không ai nhận ra

Đừng để vấn nạn dai dẳng

Thế nhưng, hậu quả của bạo lực gia đình chưa dừng lại ở đó, mà tác hại của vấn nạn này rất có thể còn ảnh hưởng đến các thế hệ kế cận. Theo kết quả của cuộc điều tra trên, trẻ em cũng là nạn nhân khi sống trong môi trường bạo lực. Trong số phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác, 61,4% cho biết con cái họ đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy bạo lực. Phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục nói rằng con cái họ (5-12 tuổi) thường có các vấn đề về hành vi. 

Điều đáng quan ngại hơn nữa là bạo lực là hành vi có tính tiếp thu. Hành vi này có thể được ngăn chặn và chúng ta cần hành động ngay. Phụ nữ là nạn nhân của bạo lực do chồng gây ra thì nhiều khả năng mẹ của người chồng đã từng bị đánh hoặc bản thân người chồng đã bị đánh đập khi còn nhỏ.  

Chưa hết, bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP. 

Từ các số liệu nói trên, rõ ràng, bạo lực gia đình là hành vi đáng lên án thế nhưng đa phần nạn nhân lại chọn cách im lặng. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.

Những nạn nhân cần dũng cảm bước qua bóng tối, đối mặt và lên án để bạo lực gia đình không còn là một hành vi phổ biến nữa. Cần nhiều hơn những tiếng nói, những sự tố giác như siêu mẫu Khả Trang, diễn viên Xuân Hương, Hoàng Yến, hoa hậu Diễm Hương. 

Xin mượn lời của Hoa hậu Quý bà Thu Hoài - một nạn nhân của bạo lực gia đình của cuộc hôn nhân đầu tiên với người chồng Đài Loan - trong cuốn tự truyện Đàn bà phố thị rằng: “Không và không bao giờ có lý do nào để giữa thời đại văn minh này, đàn bà phải chịu đòn roi như thời trung cổ cả”.

Khung hình phạt nào dành cho các hành vi bạo lực gia đình?

Trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Căn cứ theo Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình:

- Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

+ Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

Nguyễn Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI