Lúc ở nhà chồng chỉ là con nít

30/07/2019 - 05:30

PNO - Nhìn chồng đĩnh đạc giao tế bên ngoài, chị Hải thường ngậm đắng nuốt cay: “Sao cái người đàn ông chững chạc, vững chãi kia không bao giờ thấy trong nhà mình?”

Thực ra, nhà chị vẫn thường xuyên xuất hiện hình ảnh chín chắn đó của anh. Nhưng chuyện chỉ diễn ra ở... phòng khách, mỗi lần chồng chị tiếp khách. Khách về, anh lại… biến thành một đứa trẻ. Câu hỏi “có tâm" nhất của anh xưa nay với vợ là: “Tối nay mẹ cho ba ăn gì hén?”. Còn lại, anh như người “trên mây", lâu lâu cần giao tiếp lại bật ra những câu nói ngô nghê khiến người nghe hoặc tức điên, hoặc cười trừ kiểu “không thèm chấp". 

Chị Hải rất ấm ức, bởi ngoài xã hội, anh rõ là một người tài. Thuộc thế hệ kỹ sư công nghệ thông tin đầu tiên của Việt Nam, đến nay, khi ngoài năm mươi tuổi, anh đã trở thành chuyên gia.

Nhà chị Hải thường xuyên tiếp khách, có khi là những “ông lớn" của các tập đoàn, có khi là những cậu sinh viên, nghiên cứu sinh đến nhờ anh hướng dẫn. Hễ nhà có khách, anh lại vào vai một chuyên gia, điềm đạm bàn chuyện chuyên môn cao vời. Vậy mà cái ông chuyên gia này, chỉ một lát nữa thôi sẽ quáng quàng nhờ vả vợ, chỉ vì... cái quần đùi, dao cạo râu của anh biến đâu mất rồi.
 

Luc o nha chong chi la con nit
Ảnh minh họa

Mới đây, bóng điện nhà bếp bị cháy. Đây là một trong những tình huống “khổ tâm" nhất của gia đình. Bởi chẳng anh thợ điện nào chịu đến chỉ để thay một cái bóng điện.

Xưa nay, mỗi lần như vậy, chị Hải lại phải nghĩ thêm một “hạng mục điện" nào đó cần lắp thêm, hay thay mới, để thợ điện có động lực tới ứng cứu. Nay, sẵn chồng ở nhà, chị nói vu vơ: “Hay là ba giúp mẹ lần này đi?”. Anh gật như… đúng rồi.

Chị vịn thang cho anh leo lên. Vừa cầm cái chui đèn, anh bảo: “Mẹ đưa ba cái tua-vít”. Xong anh vụng về đưa tua-vít lên rồi ngơ ngác: “Ủa… đâu cần tua-vít ta". Cái tua-vít vô dụng bị thả xuống đất. Anh đang tra bóng đèn vào chui, thì chị Hải nghe cái thang rung lắc mạnh, anh á lên mấy tiếng rồi… nhảy xuống đất, miệng la bai bải: “Giật, giật!”.

Chị Hải ngơ ngác. Cả chồng, cả cái chui bóng đèn đều có vẻ… chẳng hề hấn gì. Anh kiên quyết khẳng định là anh suýt chết vì cái chui bị rò điện. Nhưng “anh thợ điện thần thánh" đến ứng cứu sau đó chỉ thay bóng đèn trong ba mươi giây đã nói oang oang: “Làm gì có rò điện đâu, ông anh bị làm sao đó!”.

Luc o nha chong chi la con nit
Ảnh minh họa

Chị Liên, vợ của một giám đốc kinh doanh lại khổ sở vì luôn phải chứng kiến sự vụng về của ông chồng vốn “thét ra lửa" ở công ty.

Mới đây nhất, anh hào hứng treo tranh tường cho phòng khách. Bức tranh khổ vừa, khá nhẹ, chỉ cần một lỗ khoan là cố định được. Vậy mà ông chồng hết bày la liệt đồ nghề, vừa chạy lên chạy xuống cầu thang tầm… năm lần khiến chị mất hết kiên nhẫn.

Hơn một tiếng đồng hồ sau, chị cũng được nhìn thấy bức tranh treo đẹp đẽ trên tường, nhưng bên dưới nó, bụi bám mù mịt thành lớp trên sofa, kệ, tủ. Anh gãi đầu gãi tai: “Thật ra chồng chỉ làm trong vòng mười lăm phút thôi, nhưng phải mất cả tiếng đồng hồ để chạy lên chạy xuống lấy đồ nghề đấy!”.

Chuyện “kinh dị" ở nhà của các đức ông chồng nếu viết thành sách chắc mỗi chị vợ đều có thể trở thành tác giả. Có chị suốt một đời làm vợ chỉ khổ sở duy nhất một điều: mỗi lần nước sôi lửa bỏng, cả nhà đều đã sẵn sàng để cùng làm gì đó thì chồng chị lại khẩn khoản… xin vào toilet. Lần nào cũng thế. Chị hay động viên anh… có việc gì cần làm trong toilet thì phải giải quyết sớm, đừng để vợ con phải đợi. Anh thật thà: “Nhưng phải tới lúc đó anh mới thấy... có nhu cầu". Chị tiếp tục… câm nín.

Luc o nha chong chi la con nit
Hình minh họa

Đàn ông trên bốn mươi tuổi hầu hết đều đã có chút địa vị, hoặc cũng đã lành nghề trong lĩnh vực của họ. Nhưng, chỉ các bà vợ mới biết, những… mâm chén được hẹn “lát nữa anh rửa" mà đến tận hôm sau vẫn còn nguyên. Có cái bản lề cửa bị sứt, người đàn ông hẹn “cuối tuần anh sửa", mà qua đến mấy mùa vẫn chưa động đậy. Nhiều ông chồng lề mề đến “có thương hiệu" trong lòng con cái. Mỗi lần gia đình tổ chức đi chơi, các con cứ ung dung chuẩn bị rồi ra xe ngồi trước. “Ông trụ cột gia đình" đủng đỉnh ra sau cùng, rồi vừa ra đến nơi lại phát hiện quên gì đó, lại phải chạy ra chạy vô thêm vài lần nữa.

Cũng ông chồng đó, thỉnh thoảng lại “bày vẽ" tự pha cà phê. Là người… bài bản, màn pha cà phê cũng lắm công phu, nào phin, nào bình lắc, que đánh bọt. Anh đợi phin cà phê nhỏ từng giọt xong, lại làm bao nhiêu… động tác thừa trước khi cho cà phê vào ly giữ nhiệt trong sự ngán ngẩm của vợ. Rồi cũng người chồng đó, ra khỏi nhà lại… để quên mất ly cà phê cùng cả một công trình pha chế đó ở nhà.

Chuyện của các ông kể ra toàn gây cười cho công chúng. Nhưng người chứng kiến thì dở khóc dở cười. Mọi “bí kíp luyện chồng" đều vô ích. Theo các chị có kinh nghiệm, nếu muốn biến “chồng tồ" thành “một người đàn ông có ích trong gia đình", thì chỉ có cách nhờ anh làm một việc rất nhiều lần. 

Khi vợ kiên trì “giao việc", chồng sẽ dần ý thức đó là việc của mình rồi tập trung thực hiện, kiểu… một đứa trẻ. Mà nếu vợ không đủ kiên nhẫn để nhận lấy những “sản phẩm dở hơi" trong những lần đầu, thì… bỏ đi. Nhiều ông chồng vẫn hồn nhiên làm con nít trong nhà cho tới… đầu bạc răng long. Người vợ vẫn bao dung cười thầm, hoặc “hả dạ" vì nắm trong tay gót chân Asin của một người đàn ông đầy uy tín ngoài xã hội. Dù các chị, trước sự ngờ nghệch kinh niên đó, cũng chẳng giấu nổi những lúc phát rồ muốn… bỏ quách cho xong. 

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI