Lúc nhớ, lúc quên vì stress

10/01/2023 - 06:46

PNO - Trí nhớ dễ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng hay “stress”. Ở mức độ vừa phải, sự căng thẳng có thể là động lực thúc đẩy chúng ta nỗ lực hoàn thành công việc. Nhưng căng thẳng kéo dài hoặc nghiêm trọng dễ dẫn đến rối loạn lo âu, gây hại cho hệ thần kinh và suy giảm chức năng ghi nhớ.

Các nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa căng thẳng và trí nhớ là hai chiều. Những ký ức đau thương có thể gây ra phản ứng căng thẳng, có thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành, phục hồi trí nhớ. Các sự kiện căng thẳng có thể liên kết sâu sắc đến khả năng ghi nhớ thông tin ngắn hạn và dài hạn, dựa trên tác động lên não bộ của các hoóc môn gây stress như cortisol. Cụ thể, vùng hồi hải mã (hippocampus) rất cần thiết cho việc tạo, cấu trúc và lưu giữ trí nhớ. Khi cortisol dư thừa do căng thẳng có thể làm suy yếu vùng hồi hải mã. Kết quả là khi bị stress, chúng ta có khả năng cao quên nhiều thứ. Trong trường hợp nghiêm trọng, căng thẳng có thể dẫn đến mất trí nhớ. Vì vậy, dành thời gian ra ngoài để thư giãn có thể giúp bạn ghi nhớ mọi thứ rõ ràng hơn. 

Căng thẳng ảnh hưởng lớn đến trí nhớ. Khi tiếp xúc với căng thẳng, hồi hải mã có thể bị tổn thương theo thời gian, dẫn đến khả năng gặp phải các vấn đề về trí nhớ cao hơn về già.

Ở chiều ngược lại, căng thẳng cũng có thể có tác động tích cực đến trí nhớ. Ernesto Lira de la Rosa - nhà tâm lý học và cố vấn truyền thông của tổ chức Hope for Depression Research Foundation (Mỹ) - cho biết: “Căng thẳng ngắn hạn có thể giúp chúng ta tập trung năng lượng và sự chú ý”.

Nghiên cứu mới của các nhà thần kinh học tại Đại học Georgia (Mỹ) - được công bố trên tạp chí Neuropsychologia, bao gồm dữ liệu từ hơn 1.200 thanh niên khỏe mạnh - cho thấy, căng thẳng tinh thần chỉ gây bất lợi khi nó vượt qua một ngưỡng nhất định. Trong nghiên cứu, những người tham gia đã thực hiện một bài kiểm tra trí nhớ. Nhóm nghiên cứu nhận thấy những người tham gia báo cáo mức độ căng thẳng cao hơn có ít hoạt động hơn ở vùng não chịu trách nhiệm về trí nhớ ngắn hạn. Còn những người trải qua mức độ căng thẳng từ thấp đến trung bình cho thấy mức kích hoạt trí nhớ làm việc cao hơn. Hoạt động này cũng trùng khớp với hiệu suất tốt hơn trong bài kiểm tra trí nhớ. Do đó, căng thẳng không phải lúc nào cũng có hại cho bộ não. 

Việc quản lý căng thẳng có thể cho phép chúng ta dự đoán tốt hơn các vấn đề trong tương lai và đưa ra phản ứng phù hợp. Quay lại nghiên cứu của Đại học Georgia, những người tham gia có mạng lưới hỗ trợ xã hội mạnh mẽ hơn kiểm soát tốt hơn mức độ căng thẳng của họ. Do đó, gia đình và bạn bè có thể là một tấm đệm bảo vệ chống lại cảm giác áp lực và căng thẳng cho mỗi cá nhân. Mặt khác, tập thể dục là điều tối quan trọng để có cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Đó cũng là một cách giảm căng thẳng vì giúp cơ thể tiêu thụ năng lượng dư thừa và giải phóng hoóc môn endorphin giúp giảm căng thẳng. 

Khi cảm thấy stress, bạn có thể khó tập trung và suy nghĩ về bất cứ điều gì khác. Một cách hiệu quả để giảm căng thẳng là thực hành các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu hoặc thiền định. Bài tập thở rất phổ biến là hít vào bằng mũi, đếm đến 4 và thở ra bằng miệng, đếm đến 6. Cuối cùng, bạn có thể khó tập trung hoặc ghi nhớ mọi thứ khi mệt mỏi và thiếu ngủ, vì vậy ngủ đủ giấc sẽ giúp cải thiện khả năng tập trung và ghi nhớ của bạn. 


Ngọc Hạ (theo Science Alert, Psychcentral, FHE Health)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsongkhoevi /strCate=songkhoe

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEalobacsivi /strCate=alobacsi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocdongyvi /strCate=gocdongy
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsuckhoevi /strCate=suckhoe