Lỗi của cha mẹ?

26/06/2013 - 17:08

PNO - PN - Trong quá trình hòa giải các vụ án ly hôn của các bạn trẻ, tôi nhận ra một điều, trong đời sống hôn nhân hằng ngày, các bạn đã bị cha mẹ can thiệp quá sâu.

Ở tòa án Bình Chánh, không hiếm những đôi vợ chồng già, dẫn nhau ra tòa chứng kiến chuyện ly hôn của con. Thậm chí, họ còn muốn cầm tay chỉ thẩm phán phải xét thế này, xử thế kia. Có người nộp đơn bênh con gái, người khác thì trình bằng chứng luận tội con dâu… Một nam thanh niên 31 tuổi, là kỹ sư, có hai bằng đại học, nhưng khi được hỏi nguyên nhân ly hôn lại ấp a ấp úng, cuối cùng mới bộc bạch là tại má tôi không thích cô ấy chỗ này, ba tôi chưa đồng ý chỗ kia... Còn người vợ thì ào ào luận tội gia đình chồng, rằng chồng chỉ nghe lời cha mẹ. Cặp khác thì đưa nhau ra tòa sẵn sàng chia tay, lại không thèm tranh giành đứa con chung. Cô vợ nói: “Đó chính là nguyên nhân khiến tôi phải ly hôn. Tôi là mẹ mà không có quyền gì với con. Cho con ăn món gì cũng bị mẹ chồng chê dở, dạy con thế nào cũng bị coi là không xong! Giờ tòa quyết ai nuôi, coi như người đó có toàn quyền với bé, bên kia không được xen vào” …

Loi cua cha me?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cha mẹ phụ giúp con trong cuộc sống là lẽ tất nhiên, nhưng phải cho con cái sự độc lập. Bạn hãy giúp con những việc lớn như cho tiền mua nhà, mua đất, chứ đừng lật nắp xem vợ thằng A. nấu cái gì cho nó ăn hôm nay? Có ngon không? Mặn nhạt thế nào? Nhiều chị đã kể công, mình từng phụ con gái giữ cháu ngoại, dọn dẹp nhà cửa cho con, mà con rể cứ coi mình như cái gai trong mắt, bảo với vợ là việc gì mình cũng xía vô… Lẽ ra, chị chỉ nên giúp con gái giữ cháu ngoại theo giờ giấc cụ thể để con đi làm kiếm tiền, không nên choàng gánh việc nhà cho con, rồi trách con rể vô tâm.

Không có chức năng, không đủ thời gian, sự kiên nhẫn cũng như thẩm quyền để hòa giải hôn nhân đến tận các bậc sinh thành, chúng tôi chỉ nhắn nhủ các bạn trẻ hãy cố gắng suy nghĩ thật độc lập, gạt hết những mâu thuẫn vì cha muốn thế này, mẹ mong thế nọ ở cuộc hôn nhân của mình, coi chính mình mong muốn gì, có đạt được hay không, vì sao có kết quả này rồi cuối cùng hãy xem xét là có nên đi đến quyết định ly hôn hay không. Đôi lúc chúng tôi phải khơi gợi họ bằng câu hỏi họ kết hôn vì yêu hay vì cha mẹ? Tiếc thay câu trả lời thì vì yêu, nhưng chuyện thực tế lại cho thấy họ đã xây dựng cuộc hôn nhân của mình vì sự mong mỏi, kỳ vọng của cha mẹ là chính.

Vì cha mẹ cứ luôn muốn bảo bọc, ôm đồm cuộc sống riêng của con nên đôi khi hôn nhân không còn là chuyện riêng của đôi bạn trẻ nữa mà trở thành cuộc chiến của các bậc sinh thành. Lẽ ra, khi con trưởng thành, có con đường đi riêng của nó, cha mẹ hãy tin con trai mình vững chãi, đủ sức gồng gánh gia đình nhỏ của nó; hãy tin con gái mình đủ sức gìn giữ mái ấm hạnh phúc, biết làm cho chồng yêu thương. Khi bạn đặt niềm tin như vậy với cuộc hôn nhân của con mình, mới coi như bạn thật sự “dựng vợ/gả chồng” cho nó!

Vì sao gia đình trẻ sớm tan vỡ? Đó chính là vì các bạn trẻ bây giờ được bảo bọc nhiều quá. Sinh ít con, nhiều bậc cha mẹ cứ “dấn thân” vào cuộc hôn nhân của con mà quên đó là một việc được pháp luật quy định rõ ràng: hôn nhân là sự tự nguyện của hai con người trưởng thành.

Thông qua diễn đàn này, tôi muốn nhắn gửi hai điều: các bạn trẻ hãy giành quyền tự chủ trong hôn nhân. Còn các bậc sinh thành, hãy giúp con sống tự lập theo đúng nghĩa hai từ này. Có như thế mới hy vọng góp một phần vào việc hạn chế vấn nạn ly hôn hiện nay.

Phạm Thái Lâm
(Chánh án TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM)

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: lyhonlaloithoat@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI