Lặn vào nhau để hiểu phần chìm của “tảng băng”

18/07/2022 - 17:17

PNO - Bấy lâu nay người ta chỉ quan tâm kỹ năng lắng nghe trong hôn nhân, tức là kỹ năng tập trung nghe người kia nói. Nhưng chúng ta cần kỹ năng cao hơn, đó là sự phán đoán liên quan đến sự hiểu nhau.

Trong một khoảng ngắn, phán đoán chỉ là cảm tính, còn muốn phán đoán đến tận bản chất thì phải hiểu rất sâu, hiểu rất dài. Ví dụ phải hiểu cả tâm lý lẫn đời sống thật của vợ/chồng mình. Nghe người vợ nói về khó khăn kinh tế, người chồng phải thấy rằng chuyện này lẽ ra mình phải biết chừng một năm trước, không phải đến lúc hết tiền hay bể nợ rồi mới biết.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

 

Đôi khi người vợ linh tính gặp chuyện khó khăn nhưng không có logic, không có cách giải thích, cũng không biết điều cụ thể nào khiến tâm trạng buồn lo. Chồng phải là người am hiểu, phán đoán nỗi lo ấy của vợ, đồng thời, cắt nghĩa, trấn an cho vợ rằng điều này không đáng bận tâm. Hoặc nếu thấy vợ lo có lý thì nhất định mình phải sửa những hành vi của bản thân, đem đến những yếu tố hỗ trợ cho vợ bớt lo lắng chứ không chỉ nghe người vợ nói và cho qua. 

Nếu không hiểu tâm lý bạn đời, khó tránh khỏi suy diễn, phán đoán tùy tiện, phán đoán không có hệ thống, không đúng trạng thái tâm lý của đối tượng. Để phán đoán không bị lệch thì chớ bỏ qua khâu thăm dò. Nghe, thăm dò, phản biện một chút để xem người kia muốn nói gì, gợi mở để bạn đời nói tiếp. Cũng có khi người kia nói không thống nhất, mình cứ nghe, gom lại, tổng hợp lại, suy ngẫm mới ra được vấn đề thẳm sâu bên trong. Ví dụ thấy vợ cáu, người chồng nghĩ ngay rằng mình có lỗi gì đây. Nếu không chịu phán đoán, người chồng sẽ cự lại: “Mắc gì tự dưng cáu với tôi?”.

Để hiểu chồng, hiểu vợ và “hiểu chuyện”, người trong cuộc phải chiến thắng nhiều rào cản. Một là rào cản tâm lý (phải lấy tình cảm để vượt qua rào cản lý trí, không sa vào đấu lý thắng - thua dẫn đến cãi nhau, xung đột). Hai là rào cản phong tục tập quán, cá tính của nhau. Ba là rào cản về sức khỏe (sức khỏe không tốt dẫn đến lời nói, cử chỉ, hành vi ứng xử không chuẩn)... 

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team

 

Với câu hỏi “Sống không cần hiểu nhau nhiều mà chỉ cần mỗi người làm đúng trách nhiệm của mình thì ổn không?”, tôi trả lời ngay rằng không ổn. Từ trách nhiệm đến hiểu nhau vẫn còn xa lắm. Người ta nói “của cho không bằng cách cho”. Trách nhiệm là đưa tiền cho vợ nhưng cách đưa của chồng còn quan trọng hơn nữa. Nếu không hiểu nhau thì cái bé xé ra to mà hiểu rồi thì chuyện to biến thành chuyện bé. 

Mỗi người có suy nghĩ riêng, nên dù là vợ chồng vẫn hiểu lầm nhau nhiều lắm nhưng cái chính là phương pháp giải quyết hiểu lầm. Để tránh sự lệch pha đáng tiếc này, đừng vội kết luận rằng người kia xấu, đồng thời biết cách làm cho người kia hiểu mình.

Rất khó để khám phá “phần chìm của tảng băng”, người ta thường chỉ thấy phần nổi. Các cụ ngày xưa bảo rằng phải chui vào hang mới bắt được cọp, phải nhảy xuống nước mới hiểu được lòng sông. Trong đời sống hôn nhân, phải “lặn” vào lòng vợ/chồng để hiểu được “tảng băng chìm” chứ không cách nào nâng được tảng băng nổi hẳn lên để nhìn.

Nhiều người tò mò, nôn nóng tìm “đáp án” đã không ngại xâm phạm khoảng riêng tư của bạn đời, xộc vào điện thoại, tài khoản xã hội… Điều nên làm thực ra chỉ đơn giản là nghe, tế nhị chờ đối tượng bộc lộ, kiên nhẫn quan sát, khéo léo phán đoán, tiếp tục chờ đợi. Với những gì mắt thấy tai nghe, có khi ngẫm nghĩ nhiều ngày sau mình mới hiểu. Và cuộc đời này không phải cái gì mở ra cũng được đâu! Thương yêu, tin tưởng, tôn trọng sẽ giúp ta hiểu thấu lòng nhau.

 

Giáo sư - tiến sĩ Vũ Gia Hiền 
- Hiệu trưởng Trường trung cấp Âu Việt, TPHCM

(Hoài Nhân ghi)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI