Lạc vào thế giới… uống vàng

25/11/2020 - 17:36

PNO - Dubai hiện là xứ sở tiêu thụ 25% lượng vàng trên thị trường toàn cầu và một phần trong số đó phục vụ cho nhu cầu ăn uống, làm đẹp.

Một món tráng miệng xa xỉ được trang trí với vàng
Một món tráng miệng xa xỉ được trang trí với vàng

Vàng mạ trên dao nĩa, ly tách, lát quầy bar, đường dẫn vào khách sạn hạng sang, thậm chí có cả bệ xí bằng vàng, xe thể thao hay máy bán hàng tự động. Chừng đó dường như vẫn chưa đủ để nói về cơn khát vàng gần như đã trở thành truyền thống ở xứ sở tiêu thụ vàng nhất nhì thế giới này, theo đúng nghĩa đen của nó.

Burj al-Arab - một trong những khách sạn nổi tiếng nhất của Dubai có khoảng 1.790m2 được dát toàn bộ bằng vàng 24k. Đặc biệt, ở tầng 27, được mệnh danh là Gold On, cách mặt nước biển 200m, toàn bộ quầy bar hay trong thành phần các thức uống, từ cappuccino cho đến cocktail, vàng hầu như không thể thiếu.

Tuy nhiên, vàng hiện diện khắp mọi nơi không khiến món ăn trở nên thơm ngon hơn. Thực tế, vàng không có mùi vị. Vậy thì tại sao người ta lại phục vụ nó và khách hàng lại tìm kiếm, khát khao nó?

“Vàng đồng nghĩa với sự sang trọng, một thứ gì đó quá đỗi xa xỉ mà người bình thường hiếm khi với tới” - Etienne Haro, trợ lý điều hành quản lý khu thực phẩm và đồ uống tại Burj al-Arab - giải thích. Mỗi năm, khách sạn này sử dụng tới 700g vàng có nguồn gốc từ Ý và Ấn Độ để thêm vào đồ ăn thức uống.

Thông thường, vàng được tiêu thụ ở dạng dát lá mảnh hoặc bụi vàng rắc lên các loại đồ uống, món ăn khác hoàn toàn so với vàng trang sức. Dạng thức này giúp vàng dễ tiêu hóa. “Kim cương hơi khó nhai, vàng thì thích hợp hơn” - Haro đùa.

Ly cocktail Element 79 trứ danh với lá vàng và bột vàng trong thành phần nguyên liệu
Ly cocktail Element 79 trứ danh với lá vàng và bột vàng trong thành phần nguyên liệu

Một trong những thứ bạn không nên bỏ lỡ nếu đặt chân đến khách sạn này là món cocktail được đặt tên theo số nguyên tử của vàng - Element 79, gồm một loại vang sủi không cồn pha cùng các lá vàng mỏng mảnh nguyên chất và một ít bột vàng trên miệng cốc. Ly cocktail này cứ thế phát sáng lấp lánh không ngừng, tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng về mặt thị giác.

Không riêng Burj al-Arab, nhiều khách sạn hạng sang ở Dubai cũng tranh thủ bổ sung vàng vào thực đơn, tạo nên những món tráng miệng cầu kỳ đắt đỏ, từ các loại bánh ngọt, chocolate cho đến những ly kem mê hoặc, mượt như nhung.

Khách sạn Marriott ở Dubai thậm chí còn phủ vàng lên cả bánh mì kẹp thịt (burger), pizza hay salad, chỉ cần thực khách yêu cầu và cảm thấy hài lòng!

Dubai hiện là xứ sở tiêu thụ 25% lượng vàng trên thị trường toàn cầu và một phần trong số đó phục vụ cho nhu cầu ăn uống, làm đẹp. Tuy nhiên, bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, thói quen xa xỉ này vốn đã có từ thời Trung cổ, bắt nguồn từ châu Âu và chỉ dành riêng cho giới quý tộc (theo nghiên cứu của Barbara Santich, giáo sư về thực phẩm tại Đại học Adelaide, Úc).

Santich cho biết thêm, trong suốt giai đoạn này, vàng tượng trưng cho những gì may mắn, tốt đẹp nhất không chỉ khi khoác lên người mà còn có lợi cho sức khỏe nếu biến chúng thành món ăn. Tất nhiên, chẳng ai có thể ăn kim loại, cho dù đó là thứ kim loại đắt đỏ nhất nhì thế giới. Người ta thường nấu xúp cùng một thỏi vàng với niềm tin rằng, một số thành phần tốt từ vàng sẽ được hòa vào món xúp trong suốt quá trình nấu.

Ngày nay, khoa học đã chứng minh được rằng, vàng thực ra không bổ sung gì vào giá trị ẩm thực mà chỉ nhằm trang trí cho món ăn thêm đẹp và chứng minh độ chịu chơi của người sử dụng chúng.

Văn Khoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI