Quán vỉa hè thôi mà ngon đến úp tô

20/05/2025 - 06:42

PNO - Quán hủ tíu, bánh canh hơn 30 năm tuổi, chỉ bán hơn 1 tiếng trước giờ dân công sở vào làm. Quán hút khách vì vừa ngon, vừa vui.

7g35, chị gái phụ việc vừa dọn bàn vừa “canh me” có khách nào đi tới là hô lớn “hết rồi chị ơi”, “hết rồi anh ơi”, “mai nha”… Đi kèm “thông điệp phũ phàng” là nụ cười tỏa nắng nên không thấy ai có vẻ phiền lòng.

“Ủa hết sớm vậy”; “Trời, sáng quên gọi điện”; “Mai để dành con tô bánh canh giò gân nha”…

Đó là cảnh sáng nào cũng thấy ở quán hủ tíu, bánh canh không tên ngay góc ngã tư đường Pasteur - Nguyễn Du (quận 1, TPHCM).

Gọi là quán cũng chưa hợp vì chỉ 1 cái tủ khiêm tốn, 1 nồi nước lèo size vừa và vài bộ bàn ghế. Nhỏ, gọn nhưng góc ngã tư này sáng nào cũng đông vui. Mà niềm vui ngắn tày gang, chỉ khoảng hơn 1 giờ, bắt đầu từ khoảng 6g30.

Quán hủ tíu, bánh canh ngay góc đường Nguyễn Du - Pasteur có thâm niên hơn 30 năm
Quán hủ tíu, bánh canh ngay góc đường Nguyễn Du - Pasteur hơn 30 năm tuổi

“Tui bán cho người ta ghé ăn sáng rồi vô sở làm. Cao lắm 8g là tui dọn hàng. Mà chỉ bán ngày hành chính thôi; thứ Bảy, Chủ nhật với lễ tết nghỉ” - bà Loan - chủ quán - nói.

Hủ tíu, bánh canh, nui… vốn là món ăn sáng đơn giản, phổ biến tới mức đi đâu cũng thấy, ở nhà cũng gặp vì dễ nấu, dễ ăn; nhưng… ăn thường thì ngán. Vậy mà nếu ai đã một đôi lần ăn ở quán bà Loan thì coi chừng trở thành khách ruột.

Có người ngày nào cũng ăn, có người 1 tuần vài lần. Bà Loan gần như biết tên tất cả thực khách và biết cả cái gu của từng người. Anh Hiếu thì đặc biệt thích phèo, chị Thảo hảo giò gân, chú Đông thì phải có xương, cô Kim chỉ ăn bánh canh…

Phèo ở đây sạch sẽ, thơm, mềm mại. Giò gân cũng mềm, không phải kiểu rục rã mà vừa răng từng cú cắn, nhai chậm rãi sẽ nghe độ giòn của lớp da, sừng sựt của gân. Đặc biệt là nước dùng - một thứ tinh túy chỉ cuốn hút khi tiệc gần tàn. Khi tô mới bưng ra, bận thưởng thức thịt thà chúng ta sẽ thấy nó cũng thường thôi, húp kèm cho trơn miệng. Khi mọi thứ đã hết, nước chỉ còn lỏng bỏng nhưng chiếc muỗng gần như không thể “chốt hạ” mà cứ liên tục múc - húp cho đến khi cạn tô.

Phèo, giò gân là 2 món được nhiều khách ưa chuộng
Phèo, giò gân là 2 món được nhiều khách ưa chuộng

Tô hủ tíu đầy đặn, đẹp mắt như thế này có giá 40.000 đồng
Tô hủ tíu đầy đặn, đẹp mắt như thế này có giá 40.000 đồng

Hỏi bí quyết, bà Loan không giấu nghề mà tiết lộ ngay: “Tui hầm 3 lần. Sáng nấu sôi, vớt bọt, tắt bếp; trưa, chiều lặp lại y như vậy thì nước dùng trong, thịt mềm vừa phải. Nhớ nêm chút muối với hạt nêm cho thịt ngấm gia vị, lúc ăn không lạt lẽo”.

Sau khi hướng dẫn về kỹ thuật, bà Loan đi đến kết luận cho sự đắt hàng của quán mình: “Thật ra quán tui so với người ta cũng không ngon hơn, nhưng được cái vui. Vui thì ăn gì cũng ngon nên người ta hay ghé”.

Quán nhỏ, đơn sơ nhưng phục vụ chuyên nghiệp, vui vẻ nên lúc nào cũng đông khách ruột
Quán nhỏ, đơn sơ nhưng phục vụ chuyên nghiệp, vui vẻ nên lúc nào cũng đông khách ruột

Điều này thì ai cũng phải thừa nhận vì dù quán đông, có khi phải đứng chờ bàn trống, có khi hết món nọ món kia và cũng có khi dặn để dành mà bà chủ quên mất... nhưng không thấy ai “đổ quạu”.

Quán nhỏ, đơn sơ nhưng lịch sự. Khách ngồi xuống sẽ được chồng bà Loan phục vụ ngay 1 dĩa rau sống kèm chén nước mắm chấm có rải chút tiêu. Khách mới có khi còn được hướng dẫn: “Vắt chút chanh, thêm ớt bằm vào chấm thịt ngon lắm”. Chị phục vụ là cháu dâu bà Loan, lúc nào cũng tươi vui, nhanh nhẹn. Chị biết tên, nhớ rõ từng sở thích của khách để nhắc chừng bà chủ.

Bà Loan cho biết quán bán từ năm 1991. Thời gian vật đổi, sao dời ở góc ngã tư này nhưng nồi nước lèo của bà vẫn không có gì thay đổi, kiểu nhà ăn sao thì nấu vậy: Kỹ lưỡng, sạch sẽ từ khâu lựa thịt đến chế biến.

“Bán lề đường nên khách cũng thông cảm với nhiều bất tiện. Mà cũng vui là khách nhiều người dễ tính, chứ khó tính chắc bỏ tui hết rồi”, bà Loan nói.

Hà Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI