Bún cá thố, một mảnh nhớ miền Tây giữa lòng hoa lệ

22/05/2025 - 11:46

PNO - Tôi biết đến bún cá thố nhờ một quán ăn nhỏ ở góc đường Cách Mạng Tháng Tám và Bùi Thị Xuân. Bàn ghế đơn sơ mà lúc nào cũng đông khách.

Nhiều năm nay, tô bún cá bình dị này luôn khiến tôi tìm đến mỗi khi đặt chân đến TPHCM
Nhiều năm nay, tô bún cá bình dị này luôn khiến tôi tìm đến mỗi khi đặt chân đến TPHCM

Không biết có ai như tôi không: đi công tác, du lịch hay đơn giản chỉ là ghé ngang TPHCM, mà trong đầu chỉ mong chờ một món ăn: bún cá thố. Một lần đến rồi nhớ. Nhớ hoài. Không phải vì đó là món ăn cầu kỳ, sang trọng, mà vì cái vị ngọt lành của phù sa chín rồng, cái tình mộc mạc của miền sông nước như thấm cả vào sợi bún, miếng cá, thố đất và rau đắng.

Tôi không phải người miền Tây, nhưng món ăn này đã giữ tôi lại theo một cách rất nhẹ nhàng, như cách người miền Tây đối đãi với nhau: không ồn ào, mà cứ đậm dần, thấm dần, tới chừng xa rồi thì lại thấy thương.

Tôi biết đến bún cá thố nhờ một quán ăn nhỏ ở góc Cách Mạng Tháng Tám và Bùi Thị Xuân (quận 1). Không phải nhà hàng lớn, bàn ghế cũng đơn sơ, vậy mà lúc nào cũng đông khách. Bước vào đã nghe mùi hành phi thơm nức, nước dùng bốc lên ngọt lịm.

Lần đầu ghé ăn là năm 2018. Vậy mà có những đợt, ở Sài Gòn mấy ngày, tôi ăn sáng một thố, chiều lại ghé ăn thêm. Không thấy ngán, chỉ thấy thòm thèm.

Miếng cá lóc trắng ngần
Miếng cá lóc trắng ngần

Món này lạ lắm. Dọn ra là một chiếc thố đất nhỏ xinh, nghi ngút khói. Bên trong là sợi bún, chả cá lóc vàng ươm cùng những miếng cá tươi trắng ngần xếp gọn phía trên, hành lá xanh rì rắc đều, vài lát ớt đỏ tươi điểm xuyết. Nhìn thôi đã thấy bụng cồn cào. Gắp lên, sợi bún mềm, mọng, mịn, mượt - như nước, như lụa.

Tôi từng ăn nhiều món bún ở nhiều vùng khác nhau, nhưng cái sợi bún trong món cá thố này thì không nơi nào giống. Nó có cái “tánh” riêng: mềm mà không rã, mượt mà không trơn tuột vô hồn.

Đến phần cá, là cá lóc, lọc xương, luộc sơ rồi rim nhẹ tay với hành, tiêu và nước mắm. Cá không nát, không khô, mà thơm đậm, béo nhẹ, ăn vào là nhớ. Người miền Tây hay bảo: “Cá lóc là cá nhà quê đó nghen, nhưng mà đem rim khéo thì lại hơn khối món quý”.

Tôi thấy đúng y như vậy. Miếng cá trong bún cá thố không phô, mà chan hòa, vừa vặn, như cái tình người miền Tây: có sao sống vậy, không màu mè mà vẫn khiến người ta thấy ấm lòng.

Nước dùng thanh ngọt. Không theo kiểu nêm nếm đậm vị như bún bò Huế, cũng không đậm đà thịt thà như hủ tiếu Nam Vang, mà là cái ngọt từ xương cá, từ củ cải, từ hành nướng, sả đập dập... Múc một muỗng nước, nhấp nhẹ, là như thấy cả đồng ruộng trôi qua đầu lưỡi. Trong veo mà sâu, đơn sơ mà đầy đặn.

Rau đắng và muống bào là hai loại rau không thể thiếu
Rau đắng và muống bào là hai loại rau ăn kèm không thể thiếu

Rau ăn kèm là một thế giới khác: giá đỗ, rau muống bào, rau má. Đặc biệt nhất là rau đắng. Loại rau mà tôi - lúc đầu ăn thì nhăn mặt, nhưng rồi lại thấy không thể thiếu. Nó đắng thật, nhưng là kiểu đắng gắt rồi lùi rất nhanh, làm cái ngọt, cái mềm, cái thơm của bún cá bật lên rõ ràng.

Chiếc thố đất vừa giữ nóng cho món ăn, vừa như giữ giùm người ăn những kỷ niệm cũ. Cái cảm giác ngồi bên bàn ăn của quán, tay ôm thố bún nóng, húp muỗng nước đầu tiên, miệng còn thơm mùi rau, mắt nhìn dòng người qua phố, tai nghe tiếng xe máy lẫn với giọng người phục vụ: “Thêm rau không chị ơi?”, “Ngồi trong cho mát nha chú!”… Nghe mà thấy đời thường quá đỗi dịu dàng.

Suất bún cá cùng rau đắng như mảnh ký ức ấm nồng trong thố đất khói bay
Suất bún cá cùng rau đắng như mảnh ký ức ấm nồng trong thố đất khói bay

Bún cá thố, với tôi, là một góc nhỏ miền Tây len lỏi giữa lòng phố thị. Là chốn để neo lại sau những ngày chạy dài. Là mảnh ký ức ấm nồng trong thố đất khói bay.

Và tôi biết, mỗi lần quay lại chốn phồn hoa này, tôi sẽ lại tìm đường về quán ấy, chỉ để gặp lại một thố bún, một mùi khói quen, một miếng cá thơm, một đũa bún mềm, một đùm rau đắng. Để nhớ rằng, có một miền Tây rất đỗi hồn hậu đang hiện diện ngay trong tô bún bình dị ấy.

Bích Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI