Toà án mời nghệ nhân hát dân ca để hòa giải tranh chấp

17/07/2025 - 11:23

PNO - Tòa án ở Quý Châu (Trung Quốc) mời nghệ nhân dân ca làm hòa giải viên, dùng lời hát truyền thống để giải quyết tranh chấp pháp lý giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Việc tuyển dụng nghệ nhân hát dân ca để làm hòa giải viên trong các vụ tranh chấp là sáng kiến độc lạ, thu hút sự chú ý của dân mạng. Ảnh: Douyin
Việc tuyển dụng nghệ nhân hát dân ca để làm hòa giải viên trong các vụ tranh chấp là sáng kiến độc lạ, thu hút sự chú ý của dân mạng. Ảnh: Douyin

Sáng kiến này được biết đến rộng rãi sau khi đoạn video ghi lại một phiên xử ở huyện Vinh Giang lan truyền trên khắp mạng xã hội. Trong video, một người đàn ông dân tộc Thủy khởi kiện một phụ nữ ở làng bên, vì cho rằng bà đã sáng tác và lan truyền một bài dân ca có nội dung phỉ báng ông và vợ, gây ảnh hưởng danh dự khi bài hát lan rộng qua các nhóm trò chuyện.

Người dân tộc Thủy xem dân ca không chỉ là phương tiện biểu đạt cảm xúc, mà còn là công cụ thiêng liêng dùng trong các nghi lễ trọng đại như cưới hỏi hay hòa giải. Với họ, lời ca có sức nặng hơn cả lý lẽ thông thường.

Trong phiên xử, bị đơn thừa nhận bài hát mang nội dung chế giễu, mô tả một người đàn ông bất tài sống dựa vào vợ - điều khiến nguyên đơn cảm thấy bị tổn thương, nhất là khi tên nhân vật trong bài trùng khớp với tên thật của ông.

Nguyên đơn yêu cầu bồi thường 120.000 nhân dân tệ (gần 17.000 USD). Tuy nhiên, bị đơn cho biết không có khả năng tài chính, chỉ có thể bồi thường tượng trưng bằng một khoản nhỏ cùng một con gà trống, một con vịt và chút rượu.

Để tháo gỡ bế tắc, tòa án đã mời hai nghệ nhân dân ca đến hỗ trợ hòa giải. Họ dùng những câu hát mang thông điệp như ''mọi người sẽ sống tốt nếu biết nghĩ cho nhau'' khơi gợi sự thấu cảm từ cả hai phía. Cuối cùng, hai bên đồng thuận mức bồi thường khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD).

Huyện Vinh Giang thuộc Châu tự trị dân tộc Miêu và Đồng - nơi có hơn 81% dân số là người thuộc 28 dân tộc thiểu số. Dân ca từ lâu đã ăn sâu trong đời sống các cộng đồng như Đồng, Miêu, Thủy, Dao…

Đến nay, Sở Tư pháp Vinh Giang đã tuyển dụng 19 nghệ nhân hát dân ca để làm hòa giải viên. Chính quyền khu vực cũng khuyến khích họ sáng tác ca khúc tuyên truyền pháp luật và chia sẻ video lên mạng xã hội để nâng cao nhận thức cộng đồng.

Việc kết hợp yếu tố văn hóa truyền thống vào quá trình pháp lý không phải là điều mới mẻ tại Trung Quốc. Từ năm 2019, một số đồn cảnh sát ở tỉnh Phúc Kiến đã mở các ''phòng hòa giải Mẫu Tổ'' - đặt theo tên vị thần biển được người dân tôn thờ - và ghi nhận hiệu quả tích cực. Trên mạng xã hội, người dùng bày tỏ sự thích thú: ''Lần đầu tôi thấy tòa án có hòa giải viên hát dân ca, thật sáng tạo''.

Nhật Minh (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI