Giới trẻ và “người bạn tâm tình” AI

17/07/2025 - 06:48

PNO - Gần đây, Jessica Miller (Mỹ) cảm thấy mình được trút bầu tâm sự. Nhưng, những chia sẻ của cô không phải với ai đó mà là với một chatbot tên Wysa trên điện thoại. Không chỉ được lắng nghe, chia sẻ về sức khỏe tâm thần, Wysa còn hướng dẫn Jessica thực hiện các bài tập thở, tập thiền xoa dịu cơn bão cảm xúc.

Các công cụ chăm sóc sức khỏe tâm thần sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như Wysa đang ngày càng phổ biến. Thị trường các ứng dụng sức khỏe tâm thần tại Mỹ đã bùng nổ trong vài năm qua.

Chatbot có thực sự giúp cải thiện được sức khỏe tâm thần của con người là vấn đề đang được nhiều nhà khoa học quan tâm làm rõ - Nguồn ảnh: iStock
Chatbot có thực sự giúp cải thiện được sức khỏe tâm thần của con người là vấn đề đang được nhiều nhà khoa học quan tâm làm rõ - Nguồn ảnh: iStock

Headspace và Calm là 2 trong số những ứng dụng thiền và chánh niệm nổi tiếng, cung cấp các bài thiền có hướng dẫn, truyện kể trước khi đi ngủ và âm thanh êm dịu giúp người dùng thư giãn và ngủ ngon hơn. Talkspace và BetterHelp còn tiến xa hơn khi cung cấp các nhà trị liệu được cấp phép hẳn hoi qua trò chuyện, video hoặc giọng nói. Các ứng dụng Happify và Moodfit hướng đến việc cải thiện tâm trạng và thách thức suy nghĩ tiêu cực bằng các bài tập dựa trên trò chơi.

Ở giữa 2 khái niệm trên là các nhà trị liệu chatbot như Wysa và Woebot, sử dụng AI để mô phỏng các cuộc trò chuyện trị liệu thực tế, thường bắt nguồn từ liệu pháp hành vi nhận thức. Các ứng dụng này thường cung cấp phiên bản cơ bản miễn phí, hoặc các gói có trả phí từ 10-100 USD/tháng cho các tính năng toàn diện hơn hoặc quyền truy cập vào các thư mục của chuyên gia thực tế.

Mặc dù không được thiết kế dành riêng cho mục đích trị liệu, các công cụ trò chuyện như ChatGPT đã khơi dậy sự tò mò của nhiều người về trí tuệ cảm xúc của AI. Một số người dùng đã tìm đến ChatGPT để được tư vấn về sức khỏe tâm thần, với những kết quả khác nhau. Điển hình là đã có một trường hợp được báo cáo ở Bỉ khi một người đàn ông đã tự tử sau nhiều tháng trò chuyện với chatbot. Điều này đặt ra những câu hỏi về đạo đức liên quan đến vai trò của AI trong các tình huống nhạy cảm.

Từ những thực tế này, nhiều người đã đặt câu hỏi: liệu chatbot có thể giúp bạn sắp xếp lại suy nghĩ của mình không, có giúp bạn vượt qua vấn đề về sức khỏe tâm thần không?

“Thật ngạc nhiên, khoa học đã chứng minh điều đó là có thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hình thức trị liệu trò chuyện kỹ thuật số có thể làm giảm các triệu chứng lo âu và trầm cảm, đặc biệt là ở các trường hợp nhẹ đến trung bình. Một nghiên cứu của Woebot cho thấy các triệu chứng trầm cảm ở người trẻ đã giảm chỉ sau 2 tuần trò chuyện với AI” - nhà thần kinh học Pooja Shree Chettiar - Đại học Texas - cho biết.

Cô cũng nhận định các ứng dụng này được thiết kế để mô phỏng tương tác trị liệu, thể hiện sự đồng cảm. Mục tiêu là hỗ trợ việc ra quyết định và tự chủ, đồng thời giúp xoa dịu hệ thần kinh. “Ngày càng có nhiều cuộc khảo sát người dùng và thử nghiệm lâm sàng cho thấy tương tác chatbot có thể mang lại những cải thiện ngắn hạn về tâm trạng, khả năng tập trung và thậm chí cả giấc ngủ. Trong các nghiên cứu, người dùng ứng dụng sức khỏe tâm thần đã báo cáo các triệu chứng trầm cảm và lo âu giảm đi” - Chettiar nói.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hết điều gì đang xảy ra trong não bộ chúng ta trong quá trình tương tác với AI. Nếu dựa hẳn vào chatbot thì nhiều vấn đề xảy ra như chatbot sẽ thu thập thông tin nhạy cảm về chỉ số tâm trạng, các câu chuyện cá nhân của bạn và tài liệu đó có thể rơi vào tay các bên thứ ba như nhà quảng cáo, nhà tuyển dụng hoặc tin tặc. Không những thế, dù được cho là có hiệu quả nhưng chatbot không giống như bác sĩ, không bị ràng buộc bởi đạo đức tư vấn hay luật riêng tư liên quan đến thông tin y tế. Chatbot cũng không thể thay thế những nhà trị liệu khi cần khai thác bằng sự tinh tế từ chuyên môn y khoa, sự đồng cảm… Cho nên, “hiện tại, việc kết hợp AI với sự chăm sóc của con người là giải pháp an toàn nhất” - Chettiar chia sẻ.

Thu Thanh (theo The Conversation, Japan Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI