Không có gì để mất

07/09/2015 - 14:27

PNO - Người ta thường bi phẫn cho rằng mình chẳng còn gì để mất sau một biến cố nào đó, đa phần là về tinh thần, ví như chia tay, ly hôn...

Khong co gi de mat
Ảnh mang tính minh họa - shutterstock

1. Cũng như đa số các anh con trai độc thân khác, khi Hà, bạn gái, thông báo cái tin động trời em… hai vạch rồi, Tuấn tá hỏa lên chẳng biết tính sao.

Trong lúc tâm trạng rối bời, lại bị Hà suy diễn này nọ theo kiểu “hay anh tính quất ngựa truy phong mà cứ vặn vẹo hoài vậy”, Tuấn đã thốt ra nhiều câu khó nghe. Chưa kể mẹ Tuấn hốt hoảng, vội gọi cho Hà để hỏi rõ chi tiết. Lời lẽ thiếu kiềm chế của cả hai phía khiến chuyện trở nên rối tung.

Hà tự ái, cắt đứt liên lạc, quyết một mình giữ thai để trả thù bọn sở khanh bạc bẽo. Gia đình Tuấn nhiều lần tìm cách tiếp cận đều vấp phải sự phản kháng gay gắt của Hà. Họ cũng bối rối, chẳng biết nên làm sao cho phải. Dùng dằng mãi, đứa trẻ ra đời trong tủi hận của mẹ nó.

Hà trút nỗi uất ức đó bằng cách vô tư nói xấu cha của con mình, cùng với “họ hàng tông ti nhà nó” cho cả thiên hạ đều biết. Nhà Tuấn ngày càng khiếp hãi trước phản ứng của cô con dâu chưa giấy tờ ấy.

Những chuyện trước đây Tuấn chia sẻ về gia đình trong lúc tình cảm còn mặn nồng trở thành đề tài hấp dẫn cho Hà khai phá. Cô mắng chửi trên mạng xã hội, kể tội phía Tuấn phủi tay, vô trách nhiệm bằng những lời lẽ “không có trong từ điển”.

Hà đâu ngờ, Tuấn và gia đình anh hoàn toàn không có ý chối bỏ, mà chỉ đợi Hà nguôi ngoai cơn giận để tổ chức cưới, nhận con cháu. Thế nhưng, trước thái độ bất cần theo kiểu “chẳng có gì để mất” của Hà, họ đã phải cân nhắc lại xem, cô có xứng đáng là một thành viên trong nhà mình…

Tuấn nhiều lần ngao ngán bảo, cô ấy khiến tôi chết khiếp bởi sự nanh nọc, cay độc. Nghĩ tới chuyện chung sống cả đời với một phụ nữ như thế, lại luôn bị ám ảnh bởi những ngôn từ cô ấy dùng, dù lòng vẫn thương cả hai mẹ con, tôi vẫn không sao đủ can đảm bước tới…

2. Tôi quen Thư qua một chị bạn cùng tập khiêu vũ chung. Hai mươi chín tuổi, con gái lên hai, đã thôi chồng hồi đầu năm. Đó là lời giới thiệu sơ đẳng về nhân thân của Thư, trong cái môi trường mà ai nấy đều ít nhiều ngại nói về mình.

Thư không đẹp lắm nhưng nhỏ nhắn, trắng trẻo, dễ coi. Ở sàn khiêu vũ, tuổi trẻ và đôi chân điêu luyện thôi cũng đã là nhan sắc, nên chẳng có gì khó hiểu khi Thư được nhiều ông lân la mời mọc, không chỉ để dìu đi vài bài lả lướt, mà còn nhằm xin số điện thoại, rủ rê cà phê cà pháo tăng hai, tăng ba này nọ…

Thân hơn, tôi có xa gần cùng Thư rằng, đàn ông chốn này không phải mẫu người để em tìm hiểu, đặt mối quan hệ nghiêm túc đâu, đừng tốn quá nhiều thời gian lẫn các đầu tư khác cho nó. Thư cười lớn, trả lời một câu đắng đót: Ôi em còn gì để mất nữa đâu mà tiếc hở trời!

Có lẽ vì suy nghĩ ấy mà Thư thoáng vô cùng, từ ăn mặc cho tới giao tiếp. Cứ như thể để chứng minh cho cả thiên hạ thấy, không có chồng cô ấy sống còn vui vẻ thoải mái hơn, nên gặp ai Thư cũng có thể cười đùa, bá vai bá cổ, thậm chí nhảy điệu sì lô mông cổ, cô ấy cũng chẳng từ.

“Sì lô mông cổ” là “thuật ngữ” chỉ điệu nhảy slow biến tấu theo kiểu tình nhân, tức là tay ôm cổ, tay… vịn mông mà chỉ có bồ bịch cặp kè mới dám “diễn”. Thư thì quá vô tư, ai mời là cô nhảy ngay, chẳng ngại ngần khách sáo gì… Thư sẵn sàng đi qua đêm luôn nếu được mời mọc.

Thế giới khiêu vũ vốn bé nhỏ, sau lưng Thư, nhiều đàn ông rỉ tai nhau “Cô đó… dễ lắm, thử đi cho biết mùi”. Mà Thư thì mặc kệ những cảnh báo lẫn ánh nhìn ái ngại của nhiều người khác, phớt lờ một thực tế là mấy kẻ ấy đến và đi như những cuộc tình một đêm chóng vánh, nào mấy ai muốn ở lại bên Thư lâu dài…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI