Khánh kiệt chỉ vì một giấc mơ

16/08/2017 - 17:00

PNO - Ba năm chờ đợi “giấc mơ Mỹ”, tóc chị chuyển bạc. Hai đứa con đã bỏ học chờ xuất cảnh, giờ chỉ quen chân đi chơi.

Thiên đường của chị giờ chỉ còn là dấu tích trong album cưới, là đám quần áo xứ lạnh chưa mặc lần nào…

Khanh kiet chi vi mot giac mo
Ảnh minh họa

Chị có một quầy vàng bạc đá quý ở chợ An Đông, TP.HCM. Ly dị chồng đã gần mười năm, chị vẫn rất trẻ đẹp. Chị kinh doanh giỏi, chuyện trò có duyên, lại thường tới lui thẩm mỹ viện chăm chút cho nhan sắc. Từ lâu chị đã định hướng tìm một bờ vai ở xứ thiên đường để xuất cảnh, vì tương lai con em chúng ta, chị nghĩ vậy. 

Một ngày đẹp trời, bờ vai ấy đã xuất hiện. Anh là Việt kiều có dáng lãng tử vừa từ Mỹ về thăm quê. Anh có giấy ly dị vợ, có xác nhận độc thân. Nhưng anh nói không muốn ràng buộc chuyện kết hôn vì ngại vướng mắc chuyện tài sản hai bên, vì vậy, anh tư vấn làm diện hôn thê sẽ nhanh hơn. Chị ưng cách này, vì thấy hợp lý và vì chị tự tin mình đẹp, mình có tiền. Qua đó, chị tính sẽ mở cửa hàng vàng bạc, nuôi con và tìm người phù hợp để gây dựng gia đình lần nữa. 

Có giấy báo đã nhận hồ sơ kèm mã vạch theo dõi của cơ quan di trú. Ba mẹ chị con líu lo đi học tiếng Anh, khấp khởi mua sắm áo khoác lông, giày bốt, khăn choàng... Anh nhận một nửa tiền và nói với vẻ phớt đời rằng, nếu chị còn ngại gì thì khi nào qua Mỹ hãy giao số tiền còn lại. Anh tự nguyện thảo một tờ giấy mượn nợ cùng cam kết: “Nếu việc không xong, tôi trả lại tiền. Tại vui thì làm chơi, và cũng muốn giúp mẹ con em thôi...”. Chị đâm lo vu vơ, nếu anh đổi ý trả lại tiền thì mệt.

Anh thành thật khuyên chị đi học lái xe. Anh nói, đến Cali, chị sẽ ở vùng quận Cam, rất cần biết lái xe để đi lại cho tiện, chứ tiếng Anh thì qua đó tự nhiên giao tiếp nhiều sẽ biết, người Việt mình ở đó còn đông hơn người Mỹ mà...

Khi gửi bổ sung các giấy tờ cá nhân của ba mẹ con chị, anh lại về Việt Nam. Chị trả tiền máy bay, tiền khách sạn cho anh… Anh nói chị làm vậy là quá coi thường anh, số tiền lặt vặt đó chẳng là gì cả. Anh chỉ sẵn tiện ghé qua khi đi du lịch mấy nước Đông Nam Á. Hơn một tháng sau, có một cái thư dài ngoằng của cơ quan di trú. Chị đem ra dịch vụ thì được biết đó là thư yêu cầu chứng minh tài chính. Họ nói sau thư là phỏng vấn đi Mỹ. Vậy là chị vui mừng chuyển đủ tiền cho anh như cam kết ban đầu. Anh lại ký roẹt một giấy mượn nợ. 

Khanh kiet chi vi mot giac mo
Ảnh minh họa

Chị bắt đầu bâng khuâng xao xuyến về chân trời mới, cuộc sống mới và bắt đầu chứng minh lòng tin với anh vô điều kiện. Chị sang cửa hàng, bán căn nhà nhỏ, đổi tiền sẵn... Anh lại đề nghị chuyện tìm trường bên Mỹ cho hai đứa con để khỏi trễ năm học, lại thêm vài tờ giấy ghi nợ. Nhưng chị chờ hoài, chờ hoài rồi chờ mãi vẫn chẳng thấy thủ tục gì tiếp theo... Chị gọi điện, viết thư, thì anh lần lữa thưa dần, rồi im luôn...

Mới đây, tôi gặp chị đang lúi húi với xe bánh mì ở đầu xóm ngay trước nhà dì ruột. Vén mái tóc bạc gần hết, mà không buồn nhuộm, chị kể, vốn liếng đã cạn, quan hệ bạn hàng xưa đã mất. Ba năm qua, chị có mở một quán ăn nho nhỏ. Nhưng do cứ đi tới đi lui với giấc mơ Mỹ, chị không tập trung chuyện bán buôn nên ế khách rồi thua lỗ, phải dẹp tiệm. Chị đẩy xe bánh mì ra bán ở đây để khỏi tốn tiền mặt bằng.

Tôi hỏi về chuyện xuất cảnh, chị thở dài, kể chuyện gặp lại anh lãng tử trong đợt anh ta mới về Việt Nam. Nhưng lần này, giọng chị không hớn hở như xưa. Chị nói: “Trong người nó có chưa tới 200 đôla, mình làm gì được. Đòi hả? Nó bảo nó khổ quá, chẳng có xu nào mà trả, cứ giết nó đi mà trừ nợ...”.

Nguyễn Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI