Kết hôn với người có con riêng: Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt

03/05/2025 - 06:00

PNO - Để dung hòa quan hệ giữa người đến sau và con riêng của vợ/chồng, người lớn phải đóng vai trò quyết định, lèo lái lý trí và cảm xúc.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Sau khi rời bỏ cuộc hôn nhân không hạnh phúc, nhiều người mang tâm lý dè dặt, thiếu tự tin khi bước vào cuộc hôn nhân tiếp theo. Tìm được người tâm đầu ý hợp đã khó nhưng khó nhất là làm sao tìm được người có thể sống hòa hợp với con riêng của mình.

Trong thực tế, tôi đã gặp không ít trường hợp 2 người rất hòa hợp và yêu thương nhau nhưng người chồng sau không thể hòa hợp được với con riêng của vợ. Đứa trẻ ghét cay ghét đắng cha dượng, còn ông ấy coi nó như cái gai trong mắt, thậm chí có trường hợp mẹ phải gửi con về quê sống với ông bà, không khác cho con đi “lánh nạn”.

Mâu thuẫn khó dung hòa

Một nữ giảng viên đại học 38 tuổi xinh đẹp, ly hôn đã 4 năm nhưng vẫn chưa tìm được người đàn ông phù hợp. Cái khó là chị không muốn sống xa con, trong khi bạn trai của chị lại không thích như vậy. “Cha dượng tương lai” và con riêng của vợ mâu thuẫn ngay từ những ngày đầu. Đứa trẻ đi học về thấy mẹ và ông khách chuyện trò thân mật liền phản đối ra mặt. Có lẽ nó sợ ông ta lấy mất mẹ mình. Từ đó, 2 người cứ gặp nhau vào lúc đứa trẻ đi học khiến nó lại càng ghét.

Chị Thùy Liên ở quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) lâm vào tình huống trớ trêu. Ngay đêm tân hôn của chị, đứa con gái 6 tuổi mọi khi ngủ chung với mẹ giờ phải ra nằm riêng trên cái giường nhỏ ở phòng ngoài. Nghe tiếng con khóc thút thít, mẹ không còn bụng dạ nào nghĩ đến chồng mới. Mẹ sang giường con dỗ cho con ngủ, đến khi quay vào với chồng thì đến lượt chồng giận dỗi.
Một hôm, vô tình đứa trẻ nghe được cha dượng với mẹ lời qua tiếng lại trong phòng, trong đó có câu: “Cứ nhìn thấy nó là anh không chịu được”. Tối ấy, thấy mẹ ngồi khóc một mình, nó ôm vai mẹ thủ thỉ: “Mẹ đừng khóc nữa, từ nay con sẽ ngồi vào chỗ khuất, ông ấy không nhìn thấy con đâu”. Kể tới đó, nước mắt chị Liên ứa ra.

Những cảnh đau lòng như thế không hiếm. Một anh kỹ sư góa vợ yêu một chị giáo viên tiểu học đã ly hôn được mấy năm và đang sống với con trai 8 tuổi. Ngay lần đầu tiên chị đưa người yêu về làm quen với con, đứa trẻ đã nhìn người yêu của mẹ bằng đôi mắt gườm gườm. Một hôm, 2 người đang ngồi trong phòng tâm sự thì thằng bé bất ngờ chạy vào, tức giận đỏ mặt và đuổi “khách” ra. Lần sau, nhìn thấy “cha dượng tương lai” từ đầu ngõ, nó đã đóng cửa, không cho vào.

Đừng tiếc thời gian, công sức!

Thực ra mọi việc sẽ dễ dàng hơn nếu người trong cuộc quan tâm xử lý ngay từ đầu. Người mẹ phải “đạo diễn” cho người yêu của mình làm quen và chiếm được tình cảm của đứa trẻ ngay trong lần gặp đầu tiên. Hầu hết đàn ông đều có thể làm tốt việc này nếu có sự trợ giúp khéo léo từ người yêu. Làm sao để đứa bé không nghĩ rằng “ông này” muốn giành mẹ nó. Đừng tiếc thời gian, công sức cho việc đó. Khi bạn đi bước nữa mà để xảy ra mâu thuẫn căng thẳng giữa chồng sau với con mình, cuộc hôn nhân ấy được dự báo khó hạnh phúc.

Trong nhiều năm tư vấn, tôi đã gặp những đôi để cho mâu thuẫn cha dượng - con riêng, mẹ kế - con riêng gay gắt đến mức thường xuyên cãi cọ, thậm chí đánh nhau mới tìm đến tư vấn. Khi ấy, chỉ còn nước “giải tán”. Cho nên quan trọng nhất là bước khởi đầu, “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”.

Có những đứa trẻ vì ngây thơ hoặc ích kỷ, không hiểu được vì sao mẹ con đang sống yên ổn với nhau lại có một ông ở đâu xen vào. Nếu con đã đến tuổi hiểu biết, người mẹ cần giải thích mỗi ngày một chút để con dần hiểu và chấp nhận thực tế mới. Nếu đứa trẻ quá nhỏ, giải pháp tốt nhất là tạo điều kiện để cha dượng tương lai “chinh phục” nó.

Mọi điều tốt đẹp ở đời ít khi nào từ trên trời rơi xuống, mà phần lớn do chúng ta tạo dựng nên. Để dung hòa quan hệ giữa người đến sau và con riêng của vợ/chồng, người lớn phải đóng vai trò quyết định, lèo lái lý trí và cảm xúc.

Nếu bạn cảm thấy mình không thể làm được điều đó, hay gặp phải người chỉ yêu cha/mẹ mà ghét con, hãy suy nghĩ nghiêm túc việc có nên tiến tới hôn nhân. Dừng lại đúng lúc để chọn giải pháp tốt hơn, với một đối tượng phù hợp, còn hơn tự dấn thân vào những cuộc xung đột triền miên giữa những người thân yêu nhất.

Trịnh Trung Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI