Học trực tuyến giữa bộn bề khó khăn

06/09/2021 - 06:44

PNO - Đó là khi gia đình thiếu cả những điều kiện tối thiểu nhất từ máy tính đến internet để học trực tuyến. Cha mẹ biết khắc phục thế nào khi TP.HCM vẫn đang giãn cách xã hội mà con trẻ thì đã bước vào năm học mới…

Khi áp dụng dạy học trực tuyến, vấn đề chúng ta cần giải quyết không chỉ là bài toán khó về chuyên môn dạy trực tuyến - vốn không phải là thế mạnh của giáo viên phổ thông, mà còn là bài toán về mặt xã hội, đó là thiếu thiết bị, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất…

Máy hư, mạng yếu chẳng biết kêu ai

Chị Nguyễn Thị Hạnh (H.Bình Chánh) kể: “Chồng tôi làm lái xe, tôi làm phụ bếp. Năm rồi, khi con phải học online, chúng tôi mua được chiếc máy tính cũ mà cơ quan thanh lý, tuy chập chờn nhưng cũng có cái để học. Đến năm nay, chiếc máy cũ trở chứng, màn hình cứ chạy sọc ngang. Giờ “ai ở đâu ở yên đó”, tôi không thể đem máy đi sửa thì lấy máy tính đâu mà học? Điện thoại của vợ chồng tôi lại là loại bình thường không thể cài chương trình cho con học…”.

Còn chị Trúc Mai, phụ huynh Trường tiểu học Kỳ Đồng (Q.3), chia sẻ: “Nhà có hai con trai, mong là em học sáng, anh học chiều vì chỉ có một cái laptop. Tôi đã đặt mua máy tính nhưng cửa hàng hứa sớm nhất là giữa cuối tháng Chín mới giao hàng. Tuy vậy, tôi cũng không hy vọng nhiều vì họ còn tồn đọng rất nhiều đơn hàng trước đó chưa thể giao”. 

Cha mẹ phải theo sát để hỗ trợ con học online - Ảnh: Dương Bình
Cha mẹ phải theo sát để hỗ trợ con học online - Ảnh: Dương Bình

Cũng có hai con trai đang tuổi đi học, chị Nguyễn Thị Phượng (TP.Thủ Đức) bộc bạch: “Khi hai đứa nhỏ học thì vợ chồng tôi “thất nghiệp”, không thể “Work from Home” vì không còn chiếc máy nào đủ mạnh để kết nối internet. Việc học online đang có nhiều bất cập. Bởi, người dân đã cạn kiệt tài chính vì ba tháng ở nhà chống dịch thì lấy tiền đâu để mua máy tính, điện thoại thông minh cho con học. Mua máy tính ở đâu lúc này cũng là một vấn đề”. 

Một giáo viên của Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) cho biết: “Dịch kéo dài, người khó khăn càng nhiều hơn, lo điều kiện sống cơ bản đã khó nói gì đến máy tính, đường truyền… Thầy cô cũng vậy, đâu phải ai cũng có thể mua máy xịn để dạy. Tôi nghĩ đồng loạt nghỉ đến tháng 11, phủ vắc-xin, để cuộc sống tạm trở lại bình thường rồi cho học trực tiếp. Chúng ta có thể rút ngắn nghỉ tết, thậm chí không nghỉ hè năm sau”.

Quả thật, số học sinh thiếu thiết bị học online không hề ít. Tại Q.Gò Vấp có khoảng 15% học sinh không có điều kiện theo học trực tuyến. Còn ở Q.Bình Tân, nơi có rất đông dân lao động nhập cư, thì chỉ khảo sát bậc tiểu học, THCS đã có khoảng 6.500 học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến, chiếm gần 10% tổng số học sinh. Đó là chưa kể, quận này có hơn 100 giáo viên không có máy tính và không có điều kiện mua thiết bị công nghệ để dạy trực tuyến. Tại các huyện ngoại thành như Cần Giờ, Bình Chánh… tỷ lệ học sinh thiếu điều kiện học trực tuyến khá nhiều. 

Theo một cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM, khi khảo sát, con số này biến động liên tục. Đó là những trường hợp internet chập chờn; học sinh F0 đang cách ly điều trị hoặc cả gia đình là F0, đang điều trị ở bệnh viện; gia đình đông anh em không đủ máy học; có phương tiện học online nhưng phụ thuộc vào điện thoại, máy tính của cha mẹ; học sinh khuyết tật học hòa nhập (khiếm thị) không tự đăng nhập để học; có internet nhưng không có thiết bị hoặc thiết bị hư chưa sửa được do giãn cách… 

Hàng chục ngàn học sinh không thể học trực tuyến

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, sau khi rà soát, có khoảng 4% học sinh từ lớp Sáu đến lớp 12 không có điều kiện tham gia việc học trực tuyến và bậc tiểu học thì có khoảng 8,5%. Cụ thể, trong tổng số gần 700.000 học sinh trung học thì có khoảng 17.000 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền internet, hơn 5.000 học sinh có thiết bị nhưng lại không có internet. Còn ở bậc tiểu học, trong hơn 647.000 học sinh thì có hơn 53.000 em không đủ điều kiện học trực tuyến trong thời gian này. Trong đó, phần lớn là học sinh không có thiết bị, thiếu đường truyền internet và không có người hỗ trợ học…

Nhà có hai con nhưng chỉ có 1 chiếc máy tính phục vụ việc học
Nhà có hai con nhưng chỉ có 1 chiếc máy tính phục vụ việc học

Đây quả thật là bài toán khó giải của dạy học trực tuyến. Người học không có thiết bị chắc chắn không thể học. Đó là xét trên bình diện của một thành phố có điều kiện kinh tế lớn nhất nước, đã có hàng chục ngàn học sinh không thể tham gia học trực tuyến. Nếu tính trên cả nước, với rất nhiều tỉnh, thành khó khăn hơn, con số này sẽ rất lớn, bài toán càng trở nên nan giải, khiến một số địa phương phải tìm phương án khác. 

Ngày 2/9, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT tỉnh này về việc lùi thời gian học chính thức của học sinh tiểu học và giáo dục thường xuyên. Bởi, số lượng học sinh tiểu học thiếu thiết bị học trực tuyến khá nhiều, lên đến 11.230 em, chiếm 9,72% học sinh. Tỉnh Đắk Lắk lùi lịch học đến 15/9, không theo kế hoạch học trực tuyến sau lễ khai giảng như đã ban hành do nhiều vùng khó khăn. Tỉnh Hà Tĩnh và TP.Bắc Giang cũng vừa dời lịch tựu trường của trẻ mầm non và tiểu học trong khi các bậc học lớn hơn có thể học trực tuyến…

Từ thực tế này có thể thấy ngành giáo dục đã rất chậm trong việc thay đổi và thích ứng với thực tế. Đây đã là “năm COVID” thứ hai nhưng vẫn loay hoay với việc bắt đầu năm học mới như thế nào, dạy học trực tuyến khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Và dù tình hình có khó khăn hơn nữa thì kịch bản tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn không thay đổi… 

 

Ba nhóm giải pháp hỗ trợ học sinh học tập trong học kỳ I 

Dạy học qua truyền hình và sử dụng kho tài liệu trực tuyến 

Sở GD-ĐT TP.HCM đang phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM triển khai việc dạy học trên truyền hình. Trong tháng Chín, chương trình ưu tiên các nội dung dạy cho học sinh kỹ năng tự học, hướng dẫn phụ huynh cùng tham gia, hỗ trợ con em học trên internet. Về nội dung theo chương trình, sẽ có ưu tiên thời lượng cho các khối lớp nhỏ, các lớp theo chương trình mới và các lớp cuối cấp. Đồng thời, kho tài liệu trực tuyến đã được xây dựng từ năm 2020 tiếp tục được bổ sung, cập nhật, đảm bảo cung cấp tài liệu học tập cho học sinh và phụ huynh các cấp. 

Hỗ trợ điều kiện học trực tuyến cho học sinh 

Các trường chủ động vận động các mạnh thường quân đóng góp, hỗ trợ cung cấp các trang thiết bị phục vụ việc dạy học trực tuyến trong nhà trường. Thời gian tới, sở tiếp tục làm việc với các đơn vị viễn thông, các nhà cung cấp nhằm hỗ trợ các gói đường truyền, gói mua giảm giá hoặc trả góp các thiết bị nhằm đảm bảo đủ thiết bị, đường truyền phục vụ dạy học trực tuyến cho học sinh.

Trong trường hợp học sinh quá khó khăn, không thể tiếp cận việc học trực tuyến bằng các hình thức trên, các trường sẽ thực hiện các phiếu học tập. Trong tuần, giáo viên sử dụng hệ thống của ngành để tiếp cận, đưa các phiếu học tập đến cho học sinh, đảm bảo các em nắm bắt được bài học, đảm bảo tiến độ học tập. Những học sinh này sẽ được đánh giá, kiểm tra và tạo điều kiện quan tâm, kèm cặp riêng ngay khi có điều kiện học trực tiếp để bù đắp những hạn chế gặp phải.

Chuẩn bị kế hoạch đảm bảo chất lượng giảng dạy khi học sinh nhập học trở lại

Khi thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, ngành giáo dục nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cho trẻ đến trường, ưu tiên các khối lớp Một, Hai, đầu và cuối cấp, chia nhỏ lớp để học trực tiếp; các khối khác tiếp tục học trực tuyến đến khi ổn định trở lại. Trường hợp việc học trực tuyến kéo dài, sở sẽ nghiên cứu tham mưu sử dụng các tuần dự trữ, kéo dài thêm năm học, nhất là cho các lớp Một, Hai và đầu cấp để đảm bảo chương trình và kết quả học tập.
Việc triển khai dạy học không được gây áp lực, quá tải cho học sinh; phải triển khai linh hoạt, chậm, chắc tùy thực tiễn của từng địa phương, cơ sở giáo dục, không cào bằng; thường xuyên giám sát, kiểm tra, điều chỉnh kế hoạch, tiến độ phù hợp…

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI