Học sinh hút thuốc lá điện tử cho... ngầu

11/01/2021 - 10:08

PNO - Học sinh thích hút thuốc lá điện tử (vape) vì chúng cho rằng trông... ngầu. Khói vape tỏa ra nhiều gấp 3-4 thuốc lá thường, nên dễ gây chú ý với bạn bè.


Vào một số quán cà phê vào buổi trưa (khoảng trống từ cuối giờ học sáng đến đầu giờ học chiều), bạn sẽ dễ gặp các nhóm học sinh tụ tập, chuyền tay nhau nhau điếu vape (hay thuốc lá điện tử) nhả khói mù mịt.

Học sinh hút Vape tại các quán nước khá phổ biến - Ảnh minh họa.
Học sinh hút vape tại các quán nước khá phổ biến - Ảnh minh họa.

Không chỉ học sinh cấp III hút vape, ngay học sinh cấp II cũng nhả khói điệu nghệ. Có những em hút cho vui một thời gian ngắn, nhưng cũng có những em hút chơi rồi nghiện, không bỏ được, hút suốt từ cấp II lên cấp III.

Học sinh học hai buổi thường hút vape vào giờ trưa, vì giờ đó cha mẹ đang nghỉ trưa ở công ty hoặc gặp gỡ các đồng nghiệp nên không đưa đón con về nhà. Hầu hết phụ huynh đều tin con mình đủ lớn để tự chăm sóc bản thân nên "thả con". Ngoài ra, vào những lúc đi học thêm các em có thể tụ tập và tranh thủ làm... vài hơi. 

Ở trường, thông thường các giám thị giám sát rất kỹ, trường cũng có hệ thống camera ở hành lang. Thế nhưng, các em luôn biết tận dụng những đoạn hành lang camera không soi đến, những góc khuất. Đặc biệt, khu toilet là "thiên đường" của tụi nhỏ, vì nơi đây không người lớn qua lại.

Các em rủ nhau tranh thủ vào toilet “làm vài hơi”, mặc dù không gian toilet không lấy gì làm dễ chịu. Bạn đừng tưởng là chỉ có ở toilet nam với có cảnh tượng học sinh gọi đùa là "tệ nạn" đó. Toilet nữ trong trường học cũng có những lúc ngợp khói.

Hút vape là cách thể hiện mình của các 'trẻ trâu - Ảnh minh họa
Hút vape là cách thể hiện mình của các 'trẻ trâu" - Ảnh minh họa

Trước đây, người lớn hay dùng vape để thay thế cho thuốc lá truyền thống bởi khói thuốc lá truyền thống hại cho sức khỏe của chính người hút và những người xung quanh. Chính vì tâm lý đó, ai cũng nghĩ thuốc lá điện tử là một giải pháp an toàn, vô hại, nhưng đó lầm tưởng.

Khi đặt câu hỏi "Con có biết rằng hút vape cũng có thể gây nghiện vì trong khói thuốc lá điện tử có chứa nicotine?", nhiều em trả lời là biết, nhưng lượng nicotine không cao nên "mặc kệ, cứ hút thôi".

Giá vape trên thị trường khoảng trên dưới 1 triệu đồng một cây, có những loại giá đến vài triệu đồng. Tuy nhiên, thứ mà học sinh hiện sử dụng rộng rãi được gọi là pod. Loại này rất rẻ, nếu mua sỉ khoảng 100.000 đồng, mua lẻ chỉ dưới 300.000 đồng/cây.

Ngoài ưu điểm giá rẻ, pod còn được thiết kế nhỏ gọn, có hình bút bi, USB, thỏi son... rất dễ mang đi học và "qua mắt" giám thị, các thầy cô. Pod có nhiều loại hương và mau hết pin, hút chừng nửa ngày thì phải sạc. Pod cũng có nhược điểm là tạo ít khói hơn vape khi hút.

Các em mua vape và pod dễ dàng trên các website bán hàng online. Chỉ cần vào Google, Facebook, YouTube gõ từ khoá "vape" là có ngay kết quả những trang bán vape được quảng cáo là uy tín, chất lượng, giao hàng tận nơi.

Học sinh hút vape ngày càng nhiều, hơn cả thuốc lá truyền thống, là bởi chúng cho rằng hút vape trông... ngầu. Khói vape sau một hơi rít cũng toả ra nhiều gấp 3-4 thuốc lá truyền thống nên dễ gây sự chú ý đối với chúng bạn. Trẻ nghĩ rằng, hút vape trông chúng mới thời thượng, mạnh mẽ, trưởng thành, sành điệu hơn những "con gà" chăm ngoan trong lớp.  

Hút Vape gây hại cho não bộ cho các em thiếu niên - Ảnh minh họa.
Hút vape có thể gây hại cho não bộ cho các em thiếu niên - Ảnh minh họa

Một câu hỏi được đặt ra là cha mẹ có biết con mình hút vape không? Tôi đã thử làm một khảo sát nhỏ trong số bạn bè có con tuổi từ 13 tới 19. Kết quả là, hầu hết phụ huynh không biết, không ngờ chuyện ấy đang xảy ở các trường, càng không tin có thể xảy ra với đứa con ngoan hiền của mình. Thậm chí nhiều người còn không hiểu gì về tác hại của thuốc lá điện tử, không nghĩ trong đó có nicotine, gây nghiện và gây hại cho não bộ cho các em...

Ngay cả những phụ huynh cho rằng mình thường xuyên trò chuyện với con cũng không hề biết hút vape đang là một xu hướng thời thượng của một nhóm trẻ ở thành phố. Là do, phụ huynh đang làm bạn với con theo kiểu luôn đưa quan điểm áp đặt của mình, chứ không hề tạo cho con có cảm giác tin tưởng để gặp điều gì lạ trên trường, trên đường cũng về kể lại và hỏi ý kiến cha mẹ...

Cảnh Hưng (Sóng Thần, Bình Dương)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI