Học pha trà để biết cách "mở lòng"

13/11/2015 - 09:09

PNO - Một chiều ngày rằm, mái ấm Bà Chiểu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) tổ chức buổi tiệc trà đặc biệt với chủ đề “Tri ân cha mẹ”.

25 em gái từ năm đến 15 tuổi tham dự tiệc là 25 mảnh đời với những nghịch cảnh: mồ côi, bị bỏ rơi, bị lạm dụng… Trước đó, chị Trương Thị Yến, người phụ trách mái ấm không khỏi lo lắng, bởi các em có thể quá nhốn nháo hoặc quá thụ động. Không xa lạ với những buổi họp mặt, ăn uống, vui chơi, nhưng “uống trà với nhau” là hoạt động các em chưa tham dự bao giờ.

Chị Bùi Thị Ngọc Mỹ, Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Văn hóa trà thiền Việt Nam trong vai người chủ tiệc trà, xem các em như những thượng khách, mời các em thưởng trà bằng những chén, cốc, bình xinh xắn và độc đáo.

Cả nhóm ngồi xếp bằng xuống sàn nhà, lá chuối trải ra làm bàn trà. Những đôi mắt đen láy tò mò dõi theo bàn tay khéo léo của chủ tiệc. Các em rất ngạc nhiên vì pha trà không phải đơn giản là “đổ nước nóng vào bình trà”, thích thú lắng nghe giải thích ý nghĩa của từng động tác.

Hoc pha tra de biet cach
Chị Ngọc Mỹ đang dạy cách pha trà

Trong không gian thơm ngát mùi trà, trong hương nến và trong những lời dẫn chuyện nhẹ nhàng, ngọt ngào của chủ tiệc, các vị khách nhí lim dim “ngồi thiền”. Mắt thì nhắm mà lòng thì mở ra. Câu chuyện về mẹ cha, về gia đình đối với các em phải chọn mái ấm làm nhà là một đề tài “không muốn nhắc đến nữa”, thế nhưng trong không khí “trà thiền”, các em lại dễ dàng bộc bạch.

Các em nhận ra: “Không biết mặt cha mẹ, không có nghĩa là không có cha mẹ”, “Mình được gọi là trẻ mồ côi, nhưng không có cha mẹ làm sao có mình”, “Cha mẹ bỏ rơi con, không hẳn là ghét, là chối bỏ con ”… Và những lời chúc tốt đẹp, những mong ước trong lành được tiếp nối nhau gửi đến những bậc sinh thành.

Những đôi mắt rưng rưng, những tiếng khóc thút thít, những câu nói nửa chừng “Con rất cảm ơn ba mẹ, cho con có mặt trên đời…” không mang sắc màu buồn tủi, mà đầy mạnh mẽ, yêu thương khi hướng về người thân với những suy nghĩ trong sáng, tích cực.

Chị Ngọc Mỹ dùng hình ảnh “một búp trà nhỏ xíu, khô cứng nhưng đã nở bung và mềm mại trong nước nóng và tạo ra hương trà, vị trà thơm ngon” để giúp các em hiểu được giá trị bản thân. Các bạn nhỏ cũng thấy mình như búp trà kia, không có “nước nóng” thì không thể phát hiện khả năng bản thân, không thể mang lại lợi ích cho mọi người.

Cảm thấy tự tin, các em càng mở lòng chia sẻ những gì mà bấy lâu thấy “không muốn nói” hoặc không biết cách nói ra. Có em xin phép mái ấm đi gặp mẹ sau những tháng năm không muốn gặp mặt, có em xin lỗi cô giáo, bạn bè… có em mong ước được gặp ba mẹ, người đã bỏ rơi em…

Từng là chủ tịch CLB Nữ doanh nghiệp Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chị Ngọc Mỹ khá thành công trong lĩnh vực kinh doanh và xây dựng thiết kế trang trí nội thất. Trong giới hoạt động văn hóa, chị nổi tiếng với vai trò sáng lập ra CLB Văn hóa Trà thiền Việt Nam hoạt động suốt 15 năm nay. Chị được mời đi Mỹ, Thụy Sĩ, Hà Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc… để “biểu diễn” cách pha trà và uống trà.

Tôi đến nhà chị Ngọc Mỹ, vào lớp học pha trà. Không chỉ đi dạy và mở các CLB Trà thiền tại Cần Thơ, Đà Lạt, Hà Nội… chị còn mở lớp học pha trà ngay tại nhà.

Có là trà sinh (người học pha trà), tôi mới hiểu hết các công đoạn chuẩn bị cho một buổi tiệc trà, cách kiểm tra và lau chùi các loại trà cụ, biết kỹ năng pha một bình trà ngon theo tiêu chuẩn “nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm”.

Một nét đẹp của buổi tiệc trà là mọi người cùng dâng trà và tỏ lòng biết ơn thiên - địa - nhân. Cách mời trà thể hiện sự thân thiện, trân trọng qua cử chỉ đưa hai tay, qua thái độ miệng cười, mắt nhìn mắt… Người pha, người uống cùng tạo ra bầu không khí quý mến, tôn trọng và thân quen. Không gian uống trà mang đến những khoảng lặng cho người thưởng trà, dễ lắng lòng để nói, để nghe.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI