Mưu cầu hạnh phúc, chúng ta đang giết chết hành tinh này

20/03/2020 - 09:17

PNO - Mưu cầu hạnh phúc, chúng ta có đang hạnh phúc thực sự không? Và chúng ta có liên quan không, với những điều mà thế giới đã, đang dần trở thành?

Hôm nay, 20/3 - ngày Quốc tế Hạnh phúc. Bạn có đang thực sự hạnh phúc không? Và chúng ta có liên quan không, với những điều mà thế giới đã, đang dần-trở-thành?

Phía sau sự hào nhoáng 

Gần đây, tôi có ngồi xem lại The true cost (Chi phí thực tế) - một bộ phim tài liệu đáng chú ý của đạo diễn Andrew Morgan về những sự thật kinh hoàng của ngành công nghiệp thời trang năm 2015. 

The true cost đã dựng lên hai thế giới tồn tại đối lập song song: một phía, là ánh sáng trên sàn catwalk, những người đẹp, siêu mẫu khoác những bộ cánh đắt tiền, xa xỉ, những lời mời mọc kích cầu mua sắm liên tục; phía còn lại là những căn nhà tạm bợ, tồi tàn, rủi ro rình rập, đời sống bấp bênh của những công nhân đang hoạt động trong ngành may mặc. Với thời lượng 100 phút, Andrew Morgan đã đưa người xem đến những công xưởng gia công may mặc hàng đầu thế giới, nơi có hàng triệu nhân công đang bị bóc lột sức lao động hằng ngày.

Hàng chục ngàn người tham dự lễ cầu nguyện ở Bangladesh bất chấp cảnh báo không tụ tập đông người của chính quyền - Ảnh chụp màn hình
Hàng chục ngàn người tham dự lễ cầu nguyện ở Bangladesh bất chấp cảnh báo không tụ tập đông người của chính quyền - Ảnh chụp màn hình

Thảm họa hơn 1.000 người chết tại tòa nhà Rana Plaza ở Bangladesh năm 2013, sự chuyển dịch gia công sang những nước đang phát triển, hình ảnh trẻ em bị dị tật do việc phun thuốc trừ sâu trong vành đai trồng bông cotton ở Ấn Độ, công nhân ngành may mặc phải làm việc trong điều kiện tệ hại; hay hình ảnh dòng sông bị bức tử, ô nhiễm, nổi đầy bọt hóa chất… cũng dần hiện ra xoay quanh ngành công nghiệp khổng lồ “ăn thịt người” này.

Chúng ta xem trang phục như một cách giao tiếp với bên ngoài. Đi qua những cửa hàng thời trang, không ít người khao khát được khoác lên mình những bộ trang phục cao cấp. Chúng ta chất quần áo đầy tủ nhưng vẫn ca bài ca “người yêu tôi không có gì để mặc”. Trên báo hay mạng xã hội, tin tức về sao Việt đua nhau “đập hộp” hàng hiệu lúc nào cũng thu hút sự quan tâm của đám đông. Phía dưới là những bình luận “úi chà, giá mà mình được như cô ấy”...  

Morgan nói, thời trang là ngành gây ô nhiễm thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau dầu mỏ. Bây giờ chúng ta tiêu thụ quần áo nhiều hơn 500% so với hai thập niên trước. Và chúng ta vẫn gọi đó là mưu cầu hạnh phúc. 

Nhưng “Tôi tin rằng những quần áo này được sản xuất từ máu của chúng tôi” - Shima Akhter, một nữ công nhân ở nhà máy Bangladesh trả lời trong The true cost. 

Bộ phim đã làm thay đổi hoàn toàn cách tôi suy nghĩ về thời trang, nhất là những bộ quần áo mà tôi đang mặc trên người. Như lời dẫn của nhà làm phim này, “đó là câu chuyện về tham lam và sợ hãi, quyền lực và đói nghèo”. Là câu chuyện của chính thế giới đương đại có nhiều vết khoét sâu mà chúng ta bằng cách nào đó buộc phải vượt qua, nếu còn muốn sống.

Vi-rút là chính chúng ta

Chúng ta đang sống trong một thế kỷ toàn “rác”, và chủ nghĩa tiêu dùng lên ngôi. Ở đó, người ta mặc sức mưu cầu hạnh phúc của bản thân, nhưng lại vô trách nhiệm với hệ sinh thái chung. Ô nhiễm môi trường đang dần trở thành thảm họa. Hiệu ứng nhà kính làm cho trái đất ngày càng nóng hơn. Tài nguyên thiên nhiên, nước, đất... ngày một cạn kiệt và không thể tái sinh. 

Shima Akhter, một nữ công nhân ở nhà máy Bangladesh nói trong phim tài liệu The true cost”: “Tôi tin rằng những quần áo này được sản xuất từ máu của chúng tôi”
Shima Akhter, một nữ công nhân ở nhà máy Bangladesh nói trong phim tài liệu "The true cost”: “Tôi tin rằng những quần áo này được sản xuất từ máu của chúng tôi”

Người ta xếp hàng khổ sở trong háo hức, để đợi mua cho bằng được chiếc iPhone đời mới nhất. Điện thoại thông minh được thay đời liên tục. Cứ vài ba năm, người ta lại có nhu cầu đổi ti vi mới với những tính năng ưu việt hơn. Sử dụng điện, nước xả láng. Trên phố, các cửa hàng thời trang treo các bảng hiệu “sale off” mời gọi khiêu khích... Người ta ăn uống, cười đùa, xả rác bừa bãi. Ta cũng gọi đó là mưu cầu hạnh phúc.

Diễn viên Leonardo DiCaprio từng sản xuất hai bộ phim về biến đổi khí hậu: The 11th Hour (2007), Before the flood (2016). Sự thức tỉnh của Leonardo là kết quả trải nghiệm của một hành trình đi, sống và diễn, để rồi từ vị trí một ngôi sao giải trí và điện ảnh hàng đầu, anh trở thành một nhà hoạt động môi trường sôi nổi. Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu COP21 ở Paris năm 2015, anh từng nói: đã đến lúc, chúng ta phải thay đổi, và “đây là hy vọng cuối cùng của trái đất”... 

Mới đây, tờ New York Times đã đăng một bài viết đáng chú ý: “Mưu cầu hạnh phúc của chúng ta đang giết chết hành tinh này”. Nội dung bài báo xoay quanh câu chuyện đã đến lúc, chúng ta phải cân bằng giữa thú vui cá nhân và sự sống còn tập thể, rộng hơn là hành tinh này.

Michael Marder, giáo sư triết học Đại học xứ Basque, vừa viết một bài có tựa Coronavirus là chính chúng ta. Ông cho rằng, xã hội loài người trên thực tế đang ở trong quá trình trở thành vi-rút. Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu nói, Michael Marder chỉ ra mối liên hệ giữa vi-rút corona với thứ quyền lực mà chúng ta ham muốn trong thời đại. Thậm chí, ông cho rằng thời đại chúng ta đang sống chính là thời đại mà bất cứ lúc nào, chúng ta đều trở thành vi-rút, muốn thành 
vi-rút.

Và có lẽ như điều mà tiến sĩ Hiếu và bạn mình nói với nhau: “Chúng ta đang sống những thời khắc lạ kỳ, khi một thứ vi-rút vô hình làm tan rã các liên kết xã hội, mọi thứ kiên cố đều mong manh. Giờ là lúc, con người chúng ta nên học được một điều gì đó rất quan trọng về chính mình”. Vì cả dịch bệnh lần này cũng là hệ quả từ một thứ “bạo lực chậm” mà chúng ta đang tạo ra trên chính hành tinh mà mình cư ngụ. Nếu ngày tận thế phải đến với chúng ta, thì đó cũng là thứ xứng đáng.

Và trong thực tế, chúng ta đang phải trả giá. Mỗi ngày, việc đầu tiên sau khi mở mắt là những rối loạn lo âu, Hà Nội hôm nay bụi mịn thế nào, TP.HCM bụi mịn ra sao. Là thấp thỏm hôm nay thế giới và Việt Nam có thêm bao nhiêu ca nhiễm COVID-19 mới, bao nhiêu người tử vong? Có thêm người nào mang con vi-rút đó đi lại khắp nơi? Có thêm bao nhiêu ông giám đốc tráo nhân viên để trốn cách ly, bao nhiêu bệnh nhân số 17, bệnh nhân số 34 của Việt Nam, vì chạy theo những điều mà họ cho là “mưu cầu hạnh phúc” để mặc nhiên gây hậu quả cho cộng đồng? 

Trong tình cảnh báo động toàn cầu, ngày hôm qua, hơn 25.000 tín đồ Hồi giáo ở Bangladesh vẫn tụ tập tại một cánh đồng để cầu xin Allah cứu vớt qua khỏi đại dịch. Ngày 14-15/3, bất chấp những cảnh báo từ chính phủ, ban nhạc xứ Wales Stereophonics vẫn tổ chức biểu diễn, với sự tham gia của hàng ngàn người hâm mộ. Đó cũng là ví dụ của mưu cầu hạnh phúc.

Chúng ta phải thú nhận rằng, thế giới chúng ta đang sống là một thế giới ẩn tàng nhiều bất ổn và nguy cơ. Và trong thực tế, những ngày này, đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất nước đang hạn, mặn. An ninh lương thực Việt Nam chỉ xếp 57/113 quốc gia, ngày 18/3, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tổng kết 10 năm thực hiện đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, Thủ tướng yêu cầu bàn những yếu kém, từ đó chỉ ra những biện pháp “cấp cứu” an ninh lương thực quốc gia.

Kể từ năm 2013, ngày 20/3 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày Quốc tế Hạnh phúc nhằm tôn vinh, phát triển và nâng cao hạnh phúc trên toàn cầu. Mưu cầu hạnh phúc, chúng ta có đang hạnh phúc thực sự không? Và chúng ta có liên quan không, với những điều mà thế giới đã, đang dần trở thành? Cứ nhắm mắt mưu cầu hạnh phúc, chúng ta không vô can. Hãy cẩn thận với mong muốn của bạn! 

Đậu Dung

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI